Dự án đầu tư năng lượng tái tạo tăng đột biến

Trong khuôn khổ Tuần lễ Năng lượng tái tạo Việt Nam 2017, ngày 22/8, Liên minh Năng lượng bền vững Việt nam (VSEA) đã tổ chức Hội thảo “Hiểu đúng về năng lượng tái tạo và thúc đẩy chuyển dịch năng lượng xanh ở Việt Nam. Tại hội thảo, các chuyên gia đã chia sẻ những thách thức trong phát triển NLTT, cùng những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững tại Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm năng lượng tái tạo (Viện Năng lượng), đến tháng 7/2017, tổng công suất các dự án đã đăng ký điện gió là hơn 7.000MW, điện mặt trời 17.000 MW, điện sinh khối hơn 600MW với hơn 40 dự án đăng ký. Khu vực nhiều điện gió là Bình Thuận, Ninh Thuận, Sóc Trăng, Bến Tre, hơn 1.000MW mỗi tỉnh. Điện mặt trời Đắc Lắc hơn 1/2, tây Ninh, Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa mỗi tỉnh từ 2.000 - 3.000 MW, còn điện sinh khối rải rác ở gia Lai, Khánh Hòa, Phú Yên, Thanh Hóa.

Mặc dù mới chỉ là số liệu đăng ký, so với thời điểm cách đây 1 năm, các con số này đã phản ánh sự quan tâm đột biến của các nhà đầu tư đối với các dự án phát triển NLTT. Đây là thành quả bước đầu từ một số cơ chế ưu đãi về hỗ trợ phát triển năng lượng mặt trời, điện gió, sinh khối vừa được ban hành.

Dù vậy, Nhà nước vẫn còn phải nỗ lực rất nhiều để hiện thực hóa các chính sách, giải quyết các thách thức về năng lượng của Việt Nam. Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Việt Nam hiện có cường độ sử dụng năng lượng cao nhất khu vực Đông Nam Á, bên cạnh đó là sự gia tăng nhu cầu năng lượng, sử dụng năng lượng kém hiệu quả. Tiêu thụ nhiên liệu trong ngành GTVT đang tăng lên, một phần do tổ chức giao thông kém hiệu quả.

Nguyên nhân của các thách thức này là do mô hình tăng trưởng kinh tế chạy theo tốc độ và chiều rộng mà ít quan tâm đến chất lượng, hiệu quả và tính bền vững; chậm đổi mới cơ chế phát triển năng lượng khi duy trì cơ chế độc quyền của doanh nghiệp Nhà nước, chỉ tập trung đầu tư cho nguồn cung, ít quan tâm đến thúc đẩy hiệu quả năng lượng và tính cạnh tranh phía cung cầu.

Toàn cảnh hội thảo

Bà Phạm Chi Lan nhận định, phát triển năng lượng tái tạo là xu thế chung hiện nay của thế giới và nhiều quốc gia cũng đã bắt kịp hướng đi này. Đối với Việt Nam, tăng trưởng xanh là “đường tắt” để đón đầu sự phát triển bền vững. Hệ thống giải pháp chiến lược cho tăng trưởng xanh hiện nay là tái cơ cấu các ngành công nghiệp, hạn chế phát thải những ngành tiêu dùng năng lượng kém hiệu quả, phát sinh chất thải lớn và gây ô nhiễm, suy thoái môi trường. Ngành GTVT và các ngành công nghiệp cần đi tiên phong trong tái cơ cấu nguồn nguyên liệu, cải thiện hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm mức tiêu hao trong sản xuất, vận tải, thương mại.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã đưa ra nhiều hướng giải quyết những vấn đề trong phát triển năng lượng hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề lớn nhất hiện nay là kéo gần khoảng cách giữa chính sách và thực tiễn. Quy hoạch phát triển điện lực hiện nay cần được cập nhật theo hướng giảm tỷ trọng điện than và thay bằng năng lượng tái tạo và điện khí. Cùng với ưu tiên phát triển NLTT, đẩy mạnh tiết kiệm NL sẽ góp phần giảm áp lực về nguồn, cải thiện an ninh năng lượng, góp phần hình thành hệ thống năng lượng bền vững.

Ông Nguyễn Anh Tuấn cũng thông tin thêm, Viện Năng lượng đang tiến hành nghiên cứu chi tiết hơn về tiềm năng kỹ thuật, tiềm năng kinh tế của từng loại NLTT của Việt Nam, thay vì chỉ dựa trên các nghiên cứu của nước ngoài như hiện nay. Dự kiến, đầu năm 2018 sẽ đưa ra số liệu với độ xác thực cao hơn.

Phương Linh

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/moi-truong-va-phat-trien/201708/du-an-dau-tu-nang-luong-tai-tao-tang-dot-bien-2836823/