DỰ ÁN ĐẠI LỘ ĐÔNG- TÂY, TP BUÔN MA THUỘT, ĐẮC LẮC: - Đền bù nhập nhèm, người dân không chịu bàn giao mặt bằng

Dù đã thi công gần 1 năm nay nhưng việc giải phóng mặt bằng để xây dựng đường Đông- Tây vẫn đang là bài toán nan giải. Điều đáng nói, nhiều hộ dân có đất trong diện giải tỏa để thực hiện dự án đang rơi vào tình cảnh khó khăn vì chờ đợi kết quả đền bù thỏa đáng từ cơ quan chức năng.

Dù đã thi công gần 1 năm nay nhưng việc giải phóng mặt bằng để xây dựng đường Đông- Tây vẫn đang là bài toán nan giải. Điều đáng nói, nhiều hộ dân có đất trong diện giải tỏa để thực hiện dự án đang rơi vào tình cảnh khó khăn vì chờ đợi kết quả đền bù thỏa đáng từ cơ quan chức năng.

Một phần đất lúa giáp ranh giữa xã Hòa Thắng và P. Tân Lập đã giao mặt bằng để thi công.

Một phần đất lúa giáp ranh giữa xã Hòa Thắng và P. Tân Lập đã giao mặt bằng để thi công.

Công trình đại lộ Đông- Tây do UBND TP Buôn Ma Thuột làm chủ đầu tư với tổng kinh phí hơn 998 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn Trung ương hỗ trợ 90% và 10% nguồn ngân sách địa phương. Toàn tuyến có chiều dài 6,9km, điểm bắt đầu từ nút giao Lê Duẩn- Đinh Tiên Hoàng và điểm cuối là tại nút giao giữa QL27 với đường vào Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột; đi qua các phường: Tự An, Tân Thành, Tân Lập và xã Hòa Thắng (TP Buôn Ma Thuột). Công trình được khởi công cuối tháng 9-2015 và dự kiến hoàn thành vào tháng 5-2018, nhưng cho đến nay nhiều hộ dân có diện tích đất thuộc dự án này vẫn chưa nhận được tiền đền bù cũng như mức đền bù thỏa đáng.

Ông Lê Văn Chuỗi (77 tuổi, trú P. Tân Lập, TP Buôn Ma Thuột) cho hay: "Đại gia đình tôi có tất cả 6.200m2 đất thì có đến 4.000m2 bị thu hồi để thực hiện dự án đường Đông- Tây. Về giá đền bù đất thì tôi hoàn toàn đồng ý với mức mà Nhà nước đưa ra là 320 triệu đồng/sào đất. Tuy nhiên, việc định giá hoa màu, đặc biệt là diện tích cây lâu năm là hoàn toàn không hợp lý. Chúng tôi đã nhiều lần khiếu nại lên Trung tâm phát triển Quỹ đất TP Buôn Ma Thuột, UBND TP về giá đền bù, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng...".

Liên quan đến việc đền bù trong quá trình giải tỏa 4.000m2 đất nói trên, các cơ quan có thẩm quyền đã nhiều lần gọi ông Chuỗi và các con lên thỏa thuận giá tiền đền bù. Thế nhưng, cho rằng giá cả đền bù giải phóng mặt bằng của cơ quan chức năng là không thỏa đáng nên gia đình ông Chuỗi nhất định không chịu nhận tiền đền bù.

Được biết, trên diện tích 4.000m2 bị thu hồi của gia đình ông Chuỗi có số lượng lớn cây sầu riêng và bơ booth được gia đình ông trồng và chăm sóc 7 năm nay và hiện mới bắt đầu cho thu hoạch. "Theo thời giá, 1 cây bơ booth có thể cho thu hoạch tối thiểu là 5 triệu đồng/năm, nhưng Nhà nước chỉ đền bù 650.000 đồng/cây bơ booth; còn sầu riêng thì tính hơn 3 triệu đồng/cây. Đã vậy, trong quá trình thương lượng đền bù, chính quyền không tính tổng số lượng cây bơ booth và sầu riêng thực tế mà tính ước lượng cây bơ booth/sào đất. Cụ thể, trung bình một sào đất của chúng tôi có khoảng hơn 20 cây bơ booth nhưng họ chỉ tính đền bù cho 14 cây...".

Gia đình ông Chuỗi chưa giao mặt bằng vì không đồng ý giá đền bù của Nhà nước.

Tương tự, ông N.V.Đ. (trú xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột) cho hay: "Gia đình tôi có tất cả 3.972m2 đất, trong đó có đến 3118,9m2 bị thu hồi để làm đường. Tuy nhiên, cho đến nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được tiền đền bù. Từ đầu năm đến nay, chúng tôi không dám đầu tư cho diện tích cây lâu năm (chủ yếu là cà-phê) trên diện tích đất bị thu hồi. Trong khi đó, thu nhập chính của gia đình đều nhờ vào diện tích cây trồng này. Vì vậy, tôi rất mong Nhà nước và chính quyền địa phương giải quyết dứt điểm vấn đề đền bù để chúng tôi tiếp tục có hướng sản xuất, làm ăn".

Để làm rõ phản ánh của người dân, giữa tháng 7-2016, P.V Báo Công an TP Đà Nẵng đã liên hệ, làm việc với ông Lê Đức Hải, Giám đốc Trung tâm phát triển Quỹ đất Buôn Ma Thuột. Ông Hải cho hay: Theo kế hoạch, việc đền bù giải phóng mặt bằng sẽ diễn ra trong vòng 3 năm, trong đó năm đầu tiên phải thực hiện được 1/3 kế hoạch giải phóng mặt bằng. Hiện, chúng tôi đã giao mặt bằng được 3km (trong tổng chiều dài 6,9km đường Đông - Tây), trong đó, tại P. Tân Lập đã cơ bản xong, chỉ còn 7 hộ dân thuộc gia đình ông Chuỗi chưa giao mặt bằng.

"Việc định giá bồi thường đối với cây bơ booth là do Sở NN&PTNT tham mưu cho chúng tôi trên cơ sở giá hiện hành. Về việc gia đình ông Chuỗi cho rằng Nhà nước định giá bơ booth không theo giá hiện hành mà theo mức giá cũ là hoàn toàn không đúng. Bởi trên thực tế, hàng năm, Sở NN&PTNT vẫn tiến hành khảo sát giá bơ. Nếu trường hợp giá bơ vẫn không thay đổi so với những năm trước thì sở sẽ giữ nguyên quyết định định giá bơ trước đó. Điều này khiến cho người dân hiểu nhầm nên mới cho rằng Nhà nước định giá đền bù bơ theo giá cũ", ông Hải lý giải.

Cũng theo ông Hải, đối với khu vực xã Hòa Thắng, diện tích đất ruộng lúa tiếp giáp với P. Tân Lập đã giao mặt bằng xong, người dân cũng đã nhận tiền bồi thường. Riêng diện tích còn lại, do nguồn ngân sách chưa bố trí được nên chưa thể đền bù cho người dân. Về việc người dân không dám đầu tư sản xuất sau khi nhận được thông báo thu hồi đất, ông Hải cho biết: "Sau khi kiểm đếm tài sản, thông báo thu hồi đất đến các hộ dân ở xã Hòa Thắng cũng như 3 xã, phường còn lại, chúng tôi đã thông báo cho người dân tiếp tục quản lý, sản xuất cho đến lúc có quyết định bồi thường chính thức thì mới giao trả mặt bằng".

Nguyên Trịnh

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_151661_de-n-bu-nha-p-nhe-m-nguo-i-dan-khong-chi-u-ba-n-gi.aspx