Dự án bô-xít Tây Nguyên: Tiếp hay dừng?

(VNR500) - Vấn đề bô-xít Tây Nguyên một lần nữa lại nóng lên trong dư luận xã hội và ngay tại nghị trường Quốc hội, người bảo nên dừng, người lại bảo không có lí do gì phải dừng. Mỗi bên viện dẫn những cái lí riêng xung quanh hai vấn đề: Hiệu quả kinh tế và tính an toàn của dự án.

Đã tính hết nguy cơ "khủng bố đỏ"? Thảm họa vỡ hồ bùn đỏ Ajka ở Hungary xới lên cuộc tranh luận về tính an toàn của các dự án bô-xít Tây Nguyên, nhất là khi các dự án này đều ở trên cao. Các hồ chứa bùn đỏ sẽ là những quả bom độc treo trên đầu hàng chục triệu người với tai họa khôn lường...Không thể hình dung nổi nguy cơ thảm họa môi trường của một hồ chứa bùn đỏ hàng triệu hay hàng chục triệu m3 treo lơ lửng trên đầu đồng bằng sông Đồng Nai và Bắc Nam Bộ, miền Nam Trung Bộ... Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cùng hàng loạt nhân sĩ - trí thức đã viết như vậy trong thư kiến nghị lên lãnh đạo Đảng, Nhà nước tạm dừng khai thác bô-xít Tây Nguyên. Theo những người đề nghị dừng dự án bô-xít Tây Nguyên, thảm họa ở Hungary "là lời cảnh báo nghiêm khắc đối với vấn đề hồ bùn đỏ chứa chất thải trong sản xuất alumina ở Tây Nguyên". Cùng với tính "phi kinh tế, hủy hoại môi trường, để lại nhiều hệ quả khó lường về kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội, uy hiếp nghiêm trọng an ninh quốc phòng của quốc gia" của dự án bô-xít, thảm họa ở Hungary khiến nhiều người kiến nghị ngừng dự án bô-xít để tổ chức nghiên cứu lại một cách nghiêm túc, khoa học và tổng thể về vấn đề khai thác bô-xít Tây Nguyên. Thế nhưng, đại diện chủ đầu tư, ông Dương Văn Hòa, phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - khoáng sản VN (TKV), cho rằng, "việc dừng là không nhất thiết vì lý do môi trường". Theo ông Hòa, sự cố bùn đỏ ở Hungary là lần đầu tiên xảy ra trên thế giới, không nên vì sự cố đó mà dừng hoàn toàn công nghiệp nhôm. Hơn nữa, các nhà máy ở Việt Nam đã có phương án đảm bảo an toàn, đã tính hết phương án chống thấm, chống tràn, động đất, lũ quét và tiếp tục nghiên cứu để tăng tính an toàn. Trong khi đó, lãnh đạo địa phương sở tại đều bày tỏ sự "yên tâm" của mình. Theo ông Lê Thanh Phong, Trưởng đoàn ĐBQH Lâm Đồng, Hungary đã làm cách đây 50-60 năm rồi, lại dùng công nghệ cũ và lạc hậu. Còn chúng ta bây giờ làm sau, phải học tập và rút kinh nghiệm để áp dụng trong thực tiễn sau này. Sự yên tâm của lãnh đạo địa phương, được viện dẫn vì đã có sự nghiên cứu, thẩm định của các Bộ và cơ quan khoa học, nói như ông Điểu K'ré hai năm trước, vấn đề này đã có các Bộ lo. Từ phía lãnh đạo Bộ, người đứng đầu ngành Tài nguyên - Môi trường, ông Phạm Khôi Nguyên, nhiều lần khẳng định các dự án "đảm bảo an toàn": "an toàn là về mặt thiết kế, an toàn về chạy mô hình, an toàn về học tập kinh nghiệm nước ngoài để đưa vào Việt Nam". Hơn nữa, các dự án đã được "thẩm định cẩn thận". Cụ thể, theo Bộ trưởng, hai khu xử lý bùn đỏ của Tân Rai và Nhân Cơ đã được hội đồng quốc gia và chuyên gia nước ngoài "thẩm định rất cẩn thận". Hệ số an toàn đã gấp hai lần, động đất tính cấp 7 nhưng tính trừ hao lên cấp 9. Tuy nhiên, như ông Nguyên cũng thừa nhận, sự an toàn này là về mặt lí thuyết. Sau thảm họa bùn đỏ ở Hungary, Bộ này cũng đã kiến nghị với Chính phủ thành lập một đoàn sang Hungary để khảo sát, tìm hiểu nhằm rút kinh nghiệm. Lập luận của Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên đã bị chính người trong cuộc, ông Nguyễn Văn Ban, nguyên Trưởng ban Dự án nhôm của TKV, người từng tham gia triển khai dự án Tân Rai, phản bác. Theo ông Ban, phương pháp xử lý bùn đỏ kiểu thải ướt đang áp dụng đối với hai dự án bô xít Tây Nguyên không phải là phương pháp tiên tiến. Mặc dù TKV cho biết thực hiện theo kiểu chia ô nhưng mỗi ô vẫn là một hồ bùn đỏ và các hồ nhỏ này nằm trong một hồ bùn đỏ lớn, tức nếu có biến động thiên tai thì các hồ này sẽ bị tàn phá như nhau, nguy cơ thảm họa vẫn có thể xảy ra như ở Hungary, ông Ban cho hay. Ông Nguyễn Văn Ban nhấn mạnh: "Không ai có thể lường trước được những nơi xây dựng hồ chứa bùn đỏ đó có xảy ra những trận mưa lũ lớn làm vỡ hồ không. Có thể khi thiết kế chúng ta dựa vào tài liệu khí tượng thủy văn hàng trăm năm để tính nhưng với sự biến đổi khí hậu, thiên tai xảy ra đột biến và ghê gớm như hiện nay, việc thiết kế các hồ chứa bùn đỏ cần phải xem xét hết sức kỹ lưỡng, phải lấy những hệ số an toàn cao hơn rất nhiều, kể cả hệ số dự tính cho những đột biến xảy ra đối với thời tiết". Được - mất: Cái nào lớn hơn? Bên cạnh vấn đề bùn đỏ và nguy cơ thảm họa môi trường, những người đề nghị dừng dự án lưu ý, khả năng sinh lời trong khai thác bô-xít Tây Nguyên "không hiện thực, thậm chí hầu như chắc chắn là lỗ". Vấn đề vận tải và cảng cho việc sản xuất, xuất khẩu alumina hiện tại và trong vài năm tới "hoàn toàn bế tắc chưa thể giải quyết". Nhà máy sản xuất alumina Tân Rai nếu làm xong, cũng có thể có nguy cơ phải nằm đắp chiếu một thời gian. Thế nhưng, như ông Lê Thanh Phong nói: "Lúc này đã xây dựng nhà máy, chuẩn bị đi vào hoạt động, còn nói gì nữa". "Nếu dừng nhà máy, thiệt hại lớn, nặng nề là nhãn tiền bởi đã đầu tư trên 400 triệu USD vào dự án bô-xít Tây Nguyên trong tổng vốn đầu tư khoảng 12.000 tỷ đồng (khoảng 600 triệu USD)", ông Dương Văn Hòa viện lí do. Trong khi đó, TS Nguyễn Quang A, một trong những người ký tên đề nghị tạm dừng dự án, cho rằng, nếu "dừng ngay, chúng ta chỉ mất 35 triệu USD, nhưng nếu tiếp tục, dự án này sẽ chịu chung số phận với Vinashin, mất 4,5 tỉ USD hoặc hơn nữa. Đừng để rơi vào tình trạng "đâm lao phải theo lao". Là người từng tham gia vào dự án Tân Rai, ông Nguyễn Văn Ban thì cho rằng: "Bây giờ nếu cảm thấy không an toàn thì việc dừng dự án là đúng, là cần thiết. Nhưng có dừng hay không thì phải trên cơ sở xem xét thiết kế, giải pháp có đủ độ tin cậy hay không. Nếu không đủ độ tin cậy thì dừng dự án. Hiện chúng ta có hai dự án, Tân Rai dự kiến tháng 4 sang năm vận hành nên từ nay đến đó thẩm định kỹ và thấy đảm bảo mới cho vận hành, nếu không thì dừng vĩnh viễn hoặc dỡ thiết bị chuyển địa điểm nhà máy. Còn Nhân Cơ mới khởi công nhưng thật sự chưa làm, dự kiến ngày 25/10 mới làm nên có thể dừng vì dự án này cũng phi kinh tế và các điều kiện khác không đảm bảo. Tôi vừa đọc thông tin của TKV thấy tiền đền bù cho các dự án này từ 300 triệu đồng/ha đất màu giờ lên 1,2 tỷ, tức chi phí đã tăng, tính hiệu quả của dự án sẽ giảm. Một dự án bôxit bao giờ cũng phải đạt song song ba mục tiêu là hiệu quả kinh tế, bảo đảm về môi trường và an sinh xã hội". Hiểu cái khó này, các nhân sĩ - trí thức ký tên trong bản kiến nghị, nhấn mạnh việc dừng dự án là "một quyết định rất đau đớn chưa hề có trong lịch sử kinh tế Việt Nam và sẽ là một tổn thất lớn mà nền kinh tế phải chịu đựng, nhất là Nhà máy chế biến alumina Tân Rai đã hoàn thành một phần lớn và đã làm được nhiều việc quan trọng trong triển khai dự án Nhà máy Nhân Cơ". Nhưng "dù sao, sẽ vẫn còn rẻ hơn cái giá phải trả không thể lường hết được và thậm chí không thể cứu vãn được cho những hệ quả và thảm họa có thể xảy ra", các nhân sĩ viết trong thư. Trước những ý kiến tranh luận nhiều chiều những ngày qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc cho hay, Chính phủ sẽ lắng nghe để thảo luận thêm nhằm đi đến quyết sách cuối cùng trong vấn đề này. Các thành viên Chính phủ sẵn sàng trả lời về bôxit trên tinh thần nhìn thấy những vấn đề về biến đổi khí hậu, về công nghệ, thiết bị đảm bảo an toàn, đảm bảo tính hiệu quả về kinh tế - xã hội và môi trường. "Việc có dừng dự án hay không là vấn đề lớn. Dự án bô-xít đã được Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội thông qua. Việc dừng hay không Trung ương, Chính phủ, Quốc hội sẽ xem xét cụ thể sau", ông Phúc nói. Để tạo thêm chỗ dựa cho việc Đảng, Chính phủ và Quốc hội đưa ra quyết định đúng đắn liên quan đến việc dừng hay tiếp tục dự án bô-xít, mời các bạn cùng gửi các phân tích, thảo luận về dự án này về Diễn đàn Kinh tế Việt Nam VNR500 - Báo VietNamNet. Mọi ý kiến xin gửi về: vnr500@vietnamnet.vn. Xin trân trọng cảm ơn.

Nguồn VietnamNet: http://vnr500.vn/2010-10-24-du-an-bo-xit-tay-nguyen-tiep-hay-dung-