Dự án 'bất động', ô nhiễm vùng lên

Các dự án chậm tiến độ vốn là “bệnh kinh niên” của nhiều công trình về hạ tầng, dân sinh trên cả nước.

Các dự án chậm tiến độ vốn là “bệnh kinh niên” của nhiều công trình về hạ tầng, dân sinh trên cả nước. Ngoài việc gây tốn kém ngân sách, kinh phí, đi kèm với việc “rùa bò” là sự ô nhiễm nặng nề của môi trường, đảo lộn nghiêm trọng cuộc sống của người dân xung quanh…

Người dân khu vực bị “vạ lây”

Nhiều người dân ở phường Thụy Khuê (quận Tây Hồ, Hà Nội) phản ánh rằng những năm gần đây họ luôn phải chịu đựng tình trạng ô nhiễm từ mương Thụy Khuê. Việc cải tạo, cống hóa tuyến mương này diễn ra từ năm 2012, nhưng chỉ diễn ra rục rịch rồi lại đứng yên khiến cuộc sống người dân đảo lộn không biết nên xoay xở theo chiều hướng nào.

Thực ra đây không phải là mương thoát nước mà là một nhánh của sông Tô Lịch, dài khoảng 3km (kéo dài từ dốc La Pho đến cống Đõ, quận Tây Hồ, Hà Nội). Người ta gọi là mương vì nó ngày càng nhỏ và đặc quánh những rác với rác. Nước đã không còn chảy mà chỉ nhúc nhích. Đáng chú ý, xung quanh mương, rất đông hộ dân và có chợ bán hàng, người ta coi luôn đây là bãi thải lộ thiên để tiện tay hất luôn túi ni-lông, rau úa, rác rưởi xuống. Một số hộ dân đã tranh thủ cơi nới nhà lấn chiếm lòng mương và cắm vòi xả thải thẳng ra càng khiến đoạn mương đi vào bế tắc. Công nhân của Công ty Thoát nước Hà Nội liên tục vớt rác, khơi thông dòng chảy nhưng vớt đến đâu rác lại đầy đến đó.

Do những trục trặc từ dự án mương Thụy Khuê, người dân xung quanh vẫn phải sống tạm bợ trong ô nhiễm.

Hệ quả là mùi xú uế nồng nặc bốc lên suốt khu vực, ruồi muỗi bay tứ tung. Những hôm nắng to, người dân phải bịt khẩu trang, đóng cửa. Ngày mưa to thì cái mương làm việc dâng nước bẩn và rác vào từng nhà dân. Nhà cửa của bà con cũng không dám xây dựng mới vì quy hoạch chưa rõ, phần vì sợ dự án chậm thì công trình xuống cấp theo. Khổ hơn cả là những hộ dân phải hàng ngày chung sống xung quanh con mương này.

Tình trạng các dự án chậm triển khai gây ô nhiễm môi trường khiến người dân bức xúc diễn ra ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Dự án gia cố thân đê và cứng hóa mặt đê tả sông Thao và đê hữu sông Lô nằm trên địa bàn phường Bến Gót, TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ được triển khai từ nhiều năm nay vẫn chưa hoàn thiện khiến những hộ dân sống ở khu vực hoặc thường xuyên qua lại vô cùng khổ sở. Quanh khu vực này lại có nhiều bãi tập kết than, vật liệu xây dựng, xăng dầu nên khối lượng xe tải lớn thường xuyên qua lại kéo theo bùn đất rơi xuống đường nên tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, nhà nào cũng phải căng bạt che và đóng kín cửa, nhiều người già, trẻ em khốn khổ vì các triệu chứng tai, mũi, họng. Một số hộ kinh doanh ăn uống bị phá sản vì ô nhiễm bụi bặm khiến khách chạy xa. Họ nhiều lần chặn không cho xe ôtô lưu thông trên tuyến đường này nhưng cũng chẳng giải quyết được vấn đề.

Và còn nhiều dự án khác có vốn đầu tư từ ngân sách, dự án của doanh nghiệp, cá nhân cũng “treo”, gây tích tụ rác rưởi, để người dân phải chịu ô nhiễm oan đã và đang gây nhiều hệ lụy cho người dân...

Nguyên nhân do đâu?

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới các dự án chậm tiến độ, gây ô nhiễm môi trường và “điểm nhấn” trong số đó là yếu tố quy hoạch. Ban quản lý dự án “Cải thiện môi trường vệ sinh khu dân cư xung quanh mương thoát nước Thụy Khuê” cho biết, họ gặp khó khăn chủ yếu là khâu giải phóng mặt bằng nên dự án vẫn chưa thể tiếp tục thi công.

Hay ở Dự án gia cố thân đê và cứng hóa mặt đê tả sông Thao và đê hữu sông Lô có tổng mức đầu tư hơn 264 tỷ đồng và do Sở NN&PTNT Phú Thọ làm chủ đầu tư, nguyên nhân chính khiến dự án chậm tiến độ là do tại thời điểm phương án bồi thường, hỗ trợ năm 2013 thì chưa xây dựng xong khu tái định cư nên các hộ dân không đồng ý nhận tiền. Đến năm 2015, hạ tầng khu tái định cư mới được hoàn thành và bàn giao cho các hộ dân. Tuy nhiên, do đơn giá bồi thường hỗ trợ có chênh lệch tăng lên nên các hộ dân không đồng ý nhận tiền, nhận đất tái định cư.

Ngoài ra, đối với các công trình của tư nhân, doanh nghiệp thì khó khăn là do không lường trước về kinh phí, vốn đầu tư.

Thiết nghĩ, việc dự án chậm tiến độ quá lâu không những ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân mà còn khiến vệ sinh môi trường khu vực cũng bị “vạ lây”. Có thể thấy rằng nổi lên vấn đề bất cập trong giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, ở một số dự án, công trình thì năng lực thi công cũng như việc thẩm định dự án của chủ đầu tư và các đơn vị liên quan kém, cộng với sự cẩu thả trong xử lý môi trường khi thi công. Giải pháp nằm trong tay các nhà quản lý, quy hoạch và các ban giải phóng mặt bằng, cần có sự phối hợp đồng bộ và tính đến những yếu tố cần ưu tiên sao cho mỗi dự án dựng lên đừng kéo người dân vào chịu khổ cùng.

Thành Lê

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/du-an-bat-dong-o-nhiem-vung-len-n125408.html