Dự án 'băm nát' bán đảo Sơn Trà: Du lịch sinh thái hủy hoại môi trường

Giữa lợi ích kinh tế và môi trường sinh thái, người ta sẽ chọn thứ nào?

Những sai phạm của Công ty Biển Tiên Sa trong việc triển khai dự án xây dựng khu nghỉ dưỡng ở Bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng đã rất rõ ràng.

Một góc bán đảo Sơn Trà đã bị đào xới loang lổ.

Sau nhiều cuộc kiểm tra của các ban, ngành chức năng và lãnh đạo Đà Nẵng, công trình này đã bị đình chỉ thi công những hạng mục chưa được cấp phép. Tuy nhiên, điều này cũng chưa đủ để khiến người dân an lòng, bởi đằng sau câu chuyện về những sai phạm của chủ đầu tư, còn là một câu hỏi tưởng như không cần tới đáp án, song trên thực tế lại rất khó để trả lời: Giữa lợi ích kinh tế và môi trường sinh thái, người ta sẽ chọn thứ nào? Và Đà Nẵng, một nơi vẫn được mệnh danh là “Thành phố đáng sống nhất”, theo cách của mình, đã chọn việc biến 1/4 bán đảo Sơn Trà thành khu du lịch nghỉ dưỡng, bất chấp việc nơi đây có vị thế đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh.

Người ta cũng vô tình hay cố ý quên rằng Sơn Trà cũng là nơi cư trú của Voọc Chà vá Chân nâu, một loài động vật quý hiếm của Việt Nam có tên trong sách đỏ và vừa được chọn làm biểu tượng của Đà Nẵng trong APEC 2017.

Sự xuất hiện của những biệt thự nghỉ dưỡng, khách sạn nguy nga tráng lệ cũng đồng nghĩa với việc người ta đã nói không một cách lạnh lùng, tàn nhẫn với sự sống của không chỉ loài Vooc Chà vá chân nâu, mà còn nhiều loại sinh vật khác nữa, bởi chắc chắn rằng, môi trường của Khu du lịch thiên nhiên Quốc gia Sơn Trà sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Điều này đã được chính Giám đốc Sở TN -MT Đà Nẵng thừa nhận, rằng dự án chưa được phê duyệt điều chỉnh báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng vẫn ngang nhiên triển khai.

Lý do được nhà đầu tư lý giải cho sai phạm của mình cũng thật điềm nhiên: Do áp lực về tiến độ nên phải vừa thi công vừa xin giấy phép (?!) Vì sao 40 móng biệt thự cùng với một hệ thống công trình phụ trợ đi kèm được gấp rút triển khai với những chiếc máy ủi, máy xúc gầm gào ầm ĩ cả ngày lẫn đêm, nhưng chính quyền sở tại lại không hề hay biết? Trong khi thực tế, nếu người dân cơi nới hay xây nhà không phép thì ngay lập tức đã có lực lượng chức năng đến lập biên bản xử phạt.

Chỉ đến khi báo chí phản ánh, người dân bất bình thì mới thấy sự vào cuộc của các ban ngành chức năng. Nguyên nhân là do chính quyền thờ ơ, tắc trách, buông lỏng quản lý hay vì một lý do nào khác? Câu chuyện “con voi chui vừa lỗ kim” đã không còn xa lạ mà là thực tế xảy ra ở nhiều dự án hiện nay.

Dẫu gì thì dự án khu du kịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng ở Sơn Trà cũng sẽ là hiện thực dù ở tương lai gần hay xa và dẫu có tiếc nuối hay xót xa thì nó cũng là một điều không thể thay đổi. Mỗi lựa chọn đều có sự xung đột về lợi ích, về những cái được và mất mà đôi khi cái giá phải trả lại không thể đo đếm được bằng tiền. Người viết bài này bỗng nhớ tới nhan đề bộ phim “Khi đàn chim trở về”. Và có thể, với Đà Nẵng, nó chỉ là một hoài niệm vào một ngày không xa.../.

Thu Hồng/VOV

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/du-an-bam-nat-ban-dao-son-tra-du-lich-sinh-thai-huy-hoai-moi-truong-604730.vov