Dự án 500 trí thức trẻ ưu tú về xã nghèo: Không có chỗ cho cán bộ yếu kém

Chiều qua (16-10) Bộ Nội vụ đã tổ chức cuộc họp triển khai "Đề án thí điểm tuyển chọn 500 trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020”. Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên (Bộ Nội vụ) Vũ Đăng Minh một số vấn đề xung quanh Dự án này.

Ông Minh cho biết: Ngày 30-9, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án thí điểm tuyển chọn 500 trí thức trẻ tăng cường về các xã nghèo nhất nước để các bạn trẻ này cùng đội ngũ cán bộ cốt cán của xã tham gia phát triển kinh tế-xã hội nông thôn, miền núi. Cũng giống Dự án 600 Phó Chủ tịch về các xã nghèo mà Bộ Nội vụ đang thực hiện, đội ngũ cán bộ trẻ của dự án này sẽ là cán bộ nguồn bổ sung cho các địa phương.

PV: Thưa ông, thời gian qua, có rất nhiều dự án tăng cường nguồn nhân lực về vùng khó đã được các cấp, các ngành triển khai. Bộ Nội vụ cũng đang triển khai "Dự án 600 Phó Chủ tịch tăng cường về xã”, tại sao lại phải có thêm một dự án tăng cường nguồn nhân lực cho vùng khó vào thời điểm này, thưa ông?

Ông Vũ Đăng Minh: Để miền núi tiến kịp miền xuôi, Đảng, Nhà nước các cấp các ngành đã dành nhiều ưu tiên đặc biệt cho vùng khó. Về tăng cường đội ngũ cán bộ cho xã khó, trước đây đã có những trí thức trẻ theo dự án của Bộ Quốc phòng về giúp bà con phát triển kinh tế. Hoặc cách đây hơn 10 năm, Trung ương Đoàn cũng triển khai dự án 500 trí thức trẻ tình nguyện về tham gia phát triển kinh tế nông thôn miền núi theo Quyết định 354 của Chính phủ.

Có sự khác biệt giữa các chương trình này với dự án mà Bộ Nội vụ đang thực hiện. Chẳng hạn, với Dự án của Trung ương Đoàn, yêu cầu đội viên của dự án là sinh viên có bằng cao đẳng, đại học, còn Dự án chúng tôi thực hiện sẽ chỉ tuyển đội viên có bằng đại học. Điểm khác biệt thứ 2 là những đội viên tham gia dự án của Trung ương Đoàn trước khi tăng cường về xã họ không biết mình sẽ làm việc gì tại xã mà phải chờ xã bố trí. Chính quyền xã bố trí công việc gì đội viên phải thực hiện công việc đó nên hiệu quả không cao. Đối với Dự án 600 Phó chủ tịch xã và 500 trí thức trẻ về xã thì khác hẳn. Nếu như đội viên dự án 600 Phó Chủ tịch xã về để chỉ đạo, điều hành một số lĩnh vực được phân công giúp địa phương phát triển kinh tế, thì dự án 500 trí thức trẻ sẽ tuyển các cán bộ làm trực tiếp công tác chuyên môn. Như vậy, trước khi tuyển dụng, họ sẽ biết mình về để nhận nhiệm vụ gì. Do đó, trong điều kiện tuyển dụng cũng sẽ cụ thể. Nếu tuyển chức danh văn phòng hành chính phải tốt nghiệp chuyên ngành hành chính, thống kê, công nghệ thông tin. Nghĩa là họ phải có chuyên môn sâu về công việc mình sẽ làm.

Được biết, hiện cả nước có trên 5000 xã nghèo tại sao con số tuyển dụng chỉ dừng lại ở số 500 mà không cao hơn hoặc thấp hơn?

- Lúc đầu chúng tôi đã đề xuất tuyển chọn 3.000 đội viên cho dự án. Tuy nhiên, khi đề án được đưa ra để lấy ý kiến đóng góp, nhiều ý kiến cho rằng, căn cứ vào nguồn lực hiện tại không nên tuyển chọn số lượng quá đông. Mà nhiều ý kiến đề nghị: Nên áp dụng việc thực hiện thí điểm ở 500 xã đặc biệt khó khăn sau đó tổng kết, rút kinh nghiệm trước khi đưa ra quyết định cuối cùng là có nhân rộng mô hình hay không.

Thưa ông, để giải tỏa những băn khoăn về chuyện "công chức 100 triệu”, Bộ Nội vụ đang đổi mới hình thức thi tuyển thông qua máy tính, thi tuyển cạnh tranh để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Trong khi dự án này lại là xét tuyển, có vẻ dự án này đang ngược xu thế nâng cao chất lượng đội ngũ?

- Tôi không đồng tình quan điểm này. Thực tế quy trình tuyển chọn của chúng tôi rất chặt chẽ. Những người được tuyển dụng phải ý thức rằng nơi họ đến công tác rất nhiều chông gai, thử thách, cần tinh thần xung kích tình nguyện. Thứ 2, trong quá trình tuyển chọn, điểm về công tác chuyên môn được chúng tôi đưa lên hàng đầu. Ngoài ra các bạn phải ý thức rằng, họ là các "sứ giả” đi xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế miền núi ở vùng khó khăn thì đòi hỏi có bầu máu nóng, có tinh thần xung kích tình nguyện, phải quyết tâm dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới. Chúng tôi đã chọn 600 Phó Chủ tịch cho xã nghèo, các bạn trẻ này đã phát huy khả năng rất tốt ở địa phương. Chưa hề có chuyện tiêu cực trong tuyển chọn cán bộ ở những dự án này.

Với những người không đáp ứng yêu cầu công việc thì sao, tiêu chí nào đánh giá hiệu quả công việc của đội viên dự án một cách thực chất?

- Dự án nói rõ, sau khi hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao ở vùng nghèo thời hạn 5 năm, cũng giống các dự án tăng cường cán bộ về xã trước đây, những cán bộ này sẽ có những quyền lợi nhất định. Chẳng hạn, cán bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ qua xem xét nếu đủ điều kiện họ sẽ được xét chuyển thành cán bộ, công chức cấp xã hoặc công chức từ cấp huyện trở lên, được ưu tiên xét tuyển khi tuyển sinh vào hệ đào tạo sau đại học, được chính quyền địa phương ưu tiên sắp xếp, ổn định công việc, điều kiện về chỗ ở và các khoản hỗ trợ khác. Tuy nhiên, nếu đội viên không đáp ứng yêu cầu công việc sẽ không chờ kết thúc dự án mà sẽ loại ngay.

Trân trọng cảm ơn ông!

Lục Bình (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=70525&menu=1371&style=1