ĐT Việt Nam thất bại tại AFF Cup 2016: Nước mắt giữa mùa đông

1. Ở Mỹ Đình, có 3 khoảnh khắc mùa đông đáng nhớ: Phút 90+1 trận chung kết SEA Games 2003 khi Văn Quyến sút cú đờ-mi vô lê gỡ hòa 1-1 trước Thái Lan. Rồi pha đánh đầu hất bóng thần thánh của Công Vinh phút 90+4 trong trận chung kết AFF Cup 2008, vẫn trước Thái Lan và mới nhất, ở phút 90+3, Vũ Minh Tuấn đưa Việt Nam trở lại với sự sống từ chỗ tuyệt vọng trong trận bán kết lượt về với Indonesia.

Nhưng chỉ có 1 thời khắc đưa bóng đá Việt Nam đến đỉnh vinh quang, 2 lần còn lại, chúng ta “chết” ngay ngưỡng cửa thiên đường. Cả 3 mùa đông ấy, Mỹ Đình ngập tràn nước mắt nhưng đến 2 lần, là của bi kịch. Tại sân đấu này, tuyển Việt Nam nhiều lần thất bại, nhưng tuyệt nhiên không có nước mắt. Ngoại trừ 3 lần ấy.

Cầu thủ của ĐT Việt Nam đã khóc rất nhiều sau thất bại tại AFF Cup

2. Đúng, đó là 3 lần mà rất nhiều người chúng ta đã khóc. Hạnh phúc tột cùng và thăm thẳm niềm đau. Chúng tôi muốn nhắc đến con số 3 ít ỏi đó để tin rằng, không phải lúc nào nước mắt cũng dễ dàng rơi xuống sau một thất bại đáng tiếc. Hay nói đúng hơn, khi người ta cắn chặt môi mà vẫn phải khóc, dù ở cảm xúc nào đi nữa, dứt khoát phải có ý nghĩa nhất định.

Sau những giọt nước mắt 2003, bóng đá Việt Nam có một thế hệ cầu thủ tài năng đặc biệt và dù trải qua “cơn bão 2005” thì phần lớn thế hệ ấy cũng đã đến được với bến bờ vinh quang 2008. Đó là khoảng thời gian mà bóng đá Việt Nam dồn dập nhiều biến cố nhất nhưng lại mạnh mẽ nhất.

Những giọt nước mắt sau trận đấu với Indonesia, cũng cho chúng ta một niềm tin như vậy. Đấy là nước mắt của sự tiếc nuối chứ không phải thất bại. Chúng ta đã làm tốt, chỉ là chưa thật quá tốt. Chúng ta có một trận đấu hay, nhưng kết quả không hoàn hảo. Chúng ta khiến đối thủ phải khiếp sợ, lo lắng rồi hoảng hốt nhưng lại không đủ bản lĩnh để kết liễu trận đấu như một kẻ chuyên nghiệp. Nhưng không sao, ở trận đấu đó, bên cạnh những sai lầm cố hữu mang tính hệ thống, chúng ta có thể nhìn thấy những chàng trai mà tuổi đời chỉ mới 21-23 vẫn đứng vững trong 120 phút đòi hỏi thần kinh thép. Ở cái tuổi đó mà họ đã trải nghiệm những cảm giác dễ sợ nhất của một trận cầu sống còn, thì nếu không ngã xuống, chắc chắn họ sẽ đứng rất vững và đi thật mạnh mẽ trong một ngày không xa.

3. Hôm qua, Lê Công Vinh chia tay đội tuyển. Xin cảm ơn và tạm biệt anh.

Hãy để ý đến một chi tiết đặc biệt: Lê Công Vinh là người đã khóc nhiều nhất ở cả 3 thời khắc quan trọng nhất của bóng đá Việt Nam tại sân Mỹ Đình. Anh đã sống cả sự nghiệp của mình cùng những khoảng khắc đáng nhớ nhất của bóng đá Việt Nam và cuộc chia tay của anh lúc này, không phải là nỗi buồn mà là sự ra đi đầy kiêu hãnh.

Nếu năm 2003, Công Vinh nức nở như một đứa trẻ khi chứng kiến các đàn anh đổ gục xuống sân sau bàn thắng của Nattapon, 5 năm sau anh chạy quanh các khán đài sân Mỹ Đình để khóc trong hạnh phúc thì bây giờ, cuộc chia tay của Lê Công Vinh chỉ là sự khép lại hành trình đẹp của một thế hệ, mở ra một khung trời mới cho những cầu thủ như Văn Thanh, Xuân Trường, Văn Toàn...những đồng đội mà Công Vinh cũng đã kịp truyền nguồn cảm hứng cùng khao khát chiến thắng như 13 năm trước.

Mùa đông lạnh nhưng nước mắt lại ấm, thế nên hãy cứ khóc và hãy hi vọng.

Theo SGGP

Nguồn Thể Thao VN: http://thethaovietnam.vn/tuyen-quoc-gia/dt-viet-nam-that-bai-tai-aff-cup-2016-nuoc-mat-giua-mua-dong-292-217081.html