Đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành

ND - Đề án tái cấu trúc nền kinh tế hay còn gọi là đề án tiếp tục đổi mới và đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế giai đoạn 2011 - 2020 theo hướng nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế đã chính thức được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) trình Thủ tướng Chính phủ. Để thực hiện đề án này, một trong những nhóm giải pháp được Bộ KH&ĐT kiến nghị là nâng cao hiệu quả và đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu công nghiệp và dịch vụ bằng cách xác định rõ những ngành, sản phẩm ưu tiên phát triển trong giai đoạn tới.

Cơ cấu ngành còn manh mún Theo Bộ KH&ĐT, trong 10 năm qua, cơ cấu kinh tế ngành và nội bộ ngành đã chuyển dịch tích cực. Tỷ trọng nông, lâm nghiệp thủy sản đã giảm từ khoảng 24,5% năm 2000 xuống còn khoảng 22%; công nghiệp và xây dựng tăng từ khoảng 37% lên gần 40%, dịch vụ tiếp tục duy trì ở mức khoảng 38% GDP. Tỷ trọng công nghiệp chế biến tăng lên và chiếm khoảng 60% giá trị sản xuất công nghiệp; các ngành công nghệ cao đã chiếm khoảng 25% giá trị sản lượng công nghiệp. Một số ngành dịch vụ đã phát triển khá nhanh và đang từng bước mở rộng quy mô như thương mại, nhà hàng, khách sạn, du lịch, vận tải, kho bãi; đặc biệt, dịch vụ viễn thông đã có bước phát triển đột phá, đưa ngành viễn thông nước ta trở thành ngành dịch vụ hiện đại, có năng lực cạnh tranh trong khu vực. Tuy nhiên, đánh giá một cách toàn diện cơ cấu kinh tế ngành vẫn còn manh mún, nhỏ và phân tán; chưa phát huy tốt lợi thế so sánh của đất nước; đang chủ yếu dựa vào các ngành khai thác tài nguyên, sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên và lao động phổ thông. Không chỉ vậy, trình độ công nghệ và mức độ chế tác của các ngành công nghiệp hiện còn thấp; sản xuất công nghiệp phần lớn còn ở dạng gia công, lắp ráp, chủ yếu dựa vào nhập khẩu nguyên liệu và các sản phẩm trung gian từ bên ngoài; giá trị gia tăng và trình độ công nghệ còn thấp; chưa có sản phẩm chủ lực mới; chưa có sản phẩm có thương hiệu quốc gia, có vị thế trong thị trường khu vực và quốc tế. Trong số 112 ngành kinh tế quốc dân hiện nay có 26 ngành đóng góp từ 1% GDP trở lên, chủ yếu là những sản phẩm nông nghiệp, thủy sản và khai khoáng, các sản phẩm công nghiệp sơ chế và dịch vụ phục vụ tiêu dùng sử dụng nhiều lao động phổ thông. Có 21 sản phẩm có đóng góp từ 0,5% đến dưới 1% GDP nhưng cũng chủ yếu là sản phẩm sơ chế, nguyên liệu và một số dịch vụ. Chỉ có năm sản phẩm công nghiệp chế biến gồm: ô-tô, xe máy, xe đạp và phụ tùng, các phương tiện vận tải khác, máy móc thiết bị điện và dệt. Phát triển các ngành có lợi thế cạnh tranh Trên cơ sở thực trạng cơ cấu kinh tế ngành hiện nay của nước ta và xu thế thị trường thế giới trong những năm tới, đề án kiến nghị ưu tiên phát triển một số ngành, sản phẩm để tăng cường, củng cố và phát triển năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong những năm tiếp theo. Đó là: Luyện kim; Lọc dầu và hóa dầu; Đóng tàu và các phương tiện vận tải khác; Thiết bị điện dân dụng; Điện tử tin học; Dịch vụ logistics (vận tải hàng hóa, cảng biển, dịch vụ hải quan, kho bãi và bảo quản hàng hóa, dịch vụ phân phối...); Dịch vụ du lịch (nhà hàng, khách sạn, lữ hành, vận tải hành khách, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, văn hóa, giải trí, mua sắm, làng nghề truyền thống, sản xuất, chế biến và cung cấp thực phẩm...). Đây là những ngành có tiềm năng phát triển và có thị trường, có thể trao đổi được qua thương mại quốc tế, có tương tác và thúc đẩy các ngành khác có liên quan cùng phát triển trong quá trình thay đổi mô hình tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đặc biệt có tác động kết nối kinh tế vùng và kết nối kinh tế nước ta với khu vực và thế giới. Trong thời gian tới, theo Bộ KH&ĐT, cần phát triển các ngành này thành các ngành có lợi thế cạnh tranh, bổ sung cho các ngành có lợi thế cạnh tranh hiện tại; đồng thời, thay thế dần một số ngành sử dụng nhiều lao động hiện nay như dệt may, da giày, chế biến gỗ... Tiếp tục hiện đại hóa bưu chính viễn thông và hạ tầng công nghệ thông tin. Muốn làm được điều này, Bộ KH&ĐT cho rằng, cần thực hiện theo cách thức vừa tuần tự tiệm tiến, vừa tăng tốc đột phá. Rút ngắn thời gian cần thiết để chuyển đổi thành công lên ngành công nghệ cao, năng suất cao, giá trị gia tăng cao chính là tăng tốc và đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành. Một khi ngành ưu tiên tăng tốc đã được chọn, thì phải lựa chọn và sử dụng công nghệ thuộc loại hiện đại nhất và áp dụng phương thức tổ chức sản xuất và quản lý tiên tiến nhất để phát triển ngành đó. Doanh nghiệp có vai trò quyết định trong đổi mới và chuyển dịch theo cách tiệm tiến và từng bước. Vai trò của Nhà nước là tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi, thực sự cạnh tranh bình đẳng để thị trường thực sự phân bổ tốt các nguồn lực từ doanh nghiệp, ngành và vùng sử dụng kém hiệu quả sang nơi sử dụng có hiệu quả hơn. Để tạo sự chuyển dịch tăng tốc, đột phá cho cơ cấu kinh tế ngành, vai trò của Nhà nước là quyết định. Nhà nước không những xác định ngành ưu tiên, mà còn phải trực tiếp hoặc tham gia đầu tư dưới các hình thức thích hợp, trực tiếp xây dựng cơ sở hạ tầng cứng và mềm, dẫn dắt, định hướng và lôi kéo các nhà đầu tư và các bên khác có liên quan cùng tham gia thực hiện chương trình tăng tốc, đột phá phát triển các ngành, sản phẩm ưu tiên. Bên cạnh đó, cần nhanh chóng quy hoạch phát triển các khu công nghiệp liên hoàn, các khu kinh tế tự do quy mô lớn thành các vùng lãnh thổ động lực tăng trưởng; kết hợp và kết nối phát triển công nghiệp với đô thị hóa, xây dựng một số khu, cảng trung chuyển hàng hóa thương mại quốc tế, để tổ chức sản xuất công nghiệp, cung ứng dịch vụ theo quy mô lớn, theo nhóm các sản phẩm có liên quan với nhau, bổ sung phụ trợ lẫn nhau. Xây dựng và thực hiện các chương trình đồng bộ phát triển các ngành ưu tiên phát triển đặt dưới sự chỉ đạo tập trung, thống nhất từ trung ương (về mục tiêu, nguồn lực, cơ chế và cách thức thực hiện, theo dõi, đánh giá và bổ sung, điều chỉnh...). Hoàn thành và vận hành có hiệu quả khu công nghệ cao; nghiên cứu triển khai một số khu nghiên cứu cải tiến kỹ thuật và đổi mới công nghệ. HẢI THU

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=168200&sub=55&top=38