Đột phá cho ngành 'công nghiệp không khói' Bạc Liêu

Với gần 50 di tích lịch sử, văn hóa có giá trị tham quan, nghiên cứu, cùng với bờ biển đẹp, rừng ngập mặn tươi tốt, sự kết hợp hài hòa, phong phú về bản sắc văn hóa của ba tộc người Kinh, Hoa, Khmer, Bạc Liêu đang nỗ lực phấn đấu để trở thành "địa chỉ đỏ" thu hút đầu tư, phát triển du lịch.

Đồng muối Bạc Liêu là điểm đến du lịch hấp dẫn du khách

Bạc Liêu được đánh giá là tỉnh có tiềm năng phát triển du lịch lớn của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Hiện nay, tại 13 tỉnh ĐBSCL có 33 điểm du lịch tiêu biểu thì Bạc Liêu có 8 điểm, chiếm gần 25% toàn vùng. Từ lợi thế đó, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL đã đưa Bạc Liêu vào nhóm các tỉnh có sản phẩm du lịch vùng kinh tế trọng điểm vùng. Sản phẩm du lịch “Một điểm đến - Bốn địa phương +” trong chuỗi gồm 4 địa phương Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau và nay Bạc Liêu là điểm đến thứ 5 - điểm đến văn hóa.

Các loại hình du lịch văn hóa, du lịch tín ngưỡng tại Bạc Liêu được đầu tư phát triển như: Đồng Nọc Nạng, tháp cổ Vĩnh Hưng, đình An Trạch, chùa Minh, chùa Bang, nhà thờ Tắc Sậy, khu nhà Công tử Bạc Liêu...; du lịch sinh thái, du lịch miệt vườn với sân chim Bạc Liêu, vườn nhãn cổ, khu du lịch sinh thái Hồ Nam, du lịch làng nghề...; các công trình văn hóa có kiến trúc đẹp như quảng trường Hùng Vương, nhà hát Ba nón lá, cây đàn kìm…; các lễ hội truyền thống tiêu biểu như lễ hội Kỳ Yên, Dạ cổ hoài lang, lễ hội nghinh Ông, lễ Quan âm Nam Hải, Tết Chol Chnam Thmay, lễ hội Ok om bok…

Văn hóa ẩm thực tại Bạc Liêu có các đặc sản nổi tiếng như nhãn da bò, bánh xèo vườn nhãn, bún nước lèo xóm Mới, bánh tằm Ngan Dừa… Ngoài ra, tỉnh còn đăng cai thành công nhiều sự kiện lớn về văn hóa, thể thao và du lịch cấp quốc gia, quốc tế như chương trình Vầng trăng cổ nhạc, Liên hoan Đờn ca tài tử Nam Bộ…

Để phát huy giá trị các công trình văn hóa du lịch, từ năm 2005 đến năm 2015 tỉnh Bạc Liêu đã đầu tư hơn 627 tỷ đồng tu bổ, nâng cấp; xúc tiến, mời gọi các tổ chức, đơn vị tham gia đầu tư phát triển du lịch vào địa phương với tổng vốn hơn 2.000 tỷ đồng. Điển hình như các dự án nâng cấp, tôn tạo khu nhà Công tử Bạc Liêu, xây dựng khu du lịch sinh thái Nam Hải, khu du lịch sinh thái gắn liền với dự án Nhà máy Điện gió Bạc Liêu…

Bên cạnh đó, tỉnh cũng quan tâm cải thiện chất lượng dịch vụ lưu trú du lịch. Tính đến hết tháng 9/2016, toàn tỉnh có 50 cơ sở lưu trú, trong đó 29 khách sạn từ 1 đến 3 sao. Tỉnh Bạc Liêu phát huy tốt giá trị của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ, phát triển nhiều sản phẩm lưu niệm như đờn kìm, hàng đan lát, tranh ảnh nghệ thuật…

Từ năm 2012 trở lại đây doanh thu từ du lịch-dịch vụ của Bạc Liêu tăng trung bình 20,5%/năm. Trong đó năm 2015 đạt khoảng 970 tỷ đồng; khách du lịch đạt khoảng 1,1 triệu lượt người.

Trong 9 tháng của năm 2016, Bạc Liêu đã đón khoảng 1 triệu lượt khách, đạt 71% kế hoạch năm, tăng 5% so với cùng kỳ 2015.

Tuy đã có bước tiến bộ đáng kể nhưng ngành du lịch Bạc Liêu vẫn còn kém phát triển, tỉ trọng du lịch-dịch vụ trong cơ cấu kinh tế còn rất nhỏ bé, chưa tương xứng với tiềm năng.

Nguyên nhân là do công tác quy hoạch và phê duyệt quy hoạch, triển khai dự án của các nhà đầu tư còn chậm; đầu tư hạ tầng du lịch chưa thực sự tương xứng với tiềm năng; huy động các nguồn lực phát triển du lịch chưa đạt yêu cầu; tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch chưa được quan tâm đúng mức; liên kết tour tuyến chưa rộng rãi, còn chắp vá; trình độ nhân lực ngành du lịch còn thiếu và yếu. Ngoài ra, công tác thu hút vốn đầu tư các dự án còn ít; chưa có nhiều sản phẩm du lịch tạo điểm nhấn; các dịch vụ du lịch chưa thực sự phong phú và chất lượng dịch vụ vẫn chưa cao. Sự phối hợp giữa các ngành, các cấp, các địa phương trong phát triển du lịch chưa thực sự gắn kết.

Năm 2016, Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh quyết tâm thực hiện tốt chương trình hành động du lịch với kinh phí dự kiến hơn 1,9 tỷ đồng; phấn đấu đạt doanh thu du lịch-dịch vụ trên 1.000 tỷ đồng (tăng 7,5%); đón tiếp trên 1,2 triệu lượt khách du lịch (tăng 9%); khách sử dụng dịch vụ lưu trú đạt 400.000 lượt (tăng 9,3%), khách quốc tế đạt khoảng 38.000 lượt (tăng 8%); xây dựng mới từ 1-2 sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh và đề nghị Hiệp hội Du lịch ĐBSCL công nhận là điểm du lịch tiêu biểu.

Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Bạc Liêu cũng đề ra mục tiêu tổng quát đến năm 2020 đón hơn 2 triệu lượt khách du lịch, doanh thu du lịch đạt hơn 2.000 tỷ đồng...

Trong thời gian tới, với tiềm năng và vị thế có sẵn cùng với những nỗ lực của các ban, ngành chức năng, Bạc Liêu sẽ tiếp tục nỗ lực trong phát triển du lịch, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống của người dân.

NN

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/du-lich/dot-pha-cho-nganh-cong-nghiep-khong-khoi-bac-lieu/290139.vgp