Đóng 'tổn' nuôi con chữ vùng biên

Con đường đến Thượng Trạch (Quảng Bình) ẩm ướt, trơn trượt, quanh co theo triền núi vốn đã khó đi, nay phải chở thêm nhiều đồ dùng, thức ăn trong chiếc "tổn" nặng, nên thầy Nguyễn Ngọc Phương - Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Thượng Trạch phải chạy xe với tốc độ "rùa bò". Thầy Phương bảo: "chở nặng và đường đi khó, nên chậm chậm cho chắc". Chậm và chắc, khiến chúng tôi mất đến mấy giờ đồng hồ mới lên đến nơi công tác của thầy Phương. Đến nơi, tôi mới tự trả lời được vì sao "tổn" của thầy Phương lại nhiều và nặng đến thế - khi nhìn những lớp học run bần bật trong gió cùng những đứa trẻ đồng bào người dân tộc Ma Coong đến trường với nỗi lo thiếu trước hụt sau...

Lớp hai không ba, lớp ba không bảy...

“Tổn” của thầy giáo Nguyễn Ngọc Phương – Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học (TH) số 2 Thượng Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) là một thùng hàng gồm mắm muối, gạo và các nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ các nhu cầu cơ bản. Tất nhiên là không thể thiếu những cuốn vở, cây bút, đây là những món quà thầy mua ở vùng xuôi để tặng thêm cho các trò của mình. Nhu yếu phẩm của ngư dân mua sắm, chuẩn bị cho một chuyến biển dài ngày gọi là "tổn". Với những giáo viên miền núi như thầy Phương, phải sắm "tổn" thì đủ biết ngôi trường vùng họ dạy xa xôi, cách biệt đến nhường nào rồi.

Thầy trò vùng biên xã Thượng Trạch đang phải học ghép trong những phòng học tạm bợ.

Ảnh: Lê Phi Long

Đặt “tổn” lên chiếc xe máy, thầy Phương trực chỉ hướng tây Quảng Bình, phía biên giới Việt - Lào để thẳng tiến lên bản Cà Roòng với quãng đường ngoằn ngoèo gần 100km. Đã gần 10 năm nay, thầy Phương phụ trách 4 điểm trường tại các bản 61, bản Troi, bản Tuộc và bản A Ki (xã Thượng Trạch) với bán kính khoảng 13km, đây là các bản xa xôi cách trở và khó khăn nhất của tỉnh Quảng Bình với 100% học sinh là người dân tộc Ma Coong. Đến trường, dựng chiếc xe máy vào góc lớp học được dựng lên bởi những tấm gỗ đã bị mối ăn gần sập, thầy Phương xắn quần để đến các bản kiểm tra tình hình đến lớp của học sinh. Điểm trường xa nhất trong số 4 điểm trường thầy Phương phụ trách phải mất 3 giờ đi bộ vượt rừng.

Bước chân vào điểm trường 61, có 2 phòng học được dựng tạm bởi những tấm gỗ mà tôi ước chừng tuổi đời đã trên 10 năm, mục nát gần hết. Ở trên bảng, thầy Lê Duy Hòa mắt đã đeo kính lão, cẩn thận dò từng chữ khi em Y Ngân đang tập đọc sách lớp 5. Ở bàn bên cạnh, Y Hoa thì đang đọc sách lớp 2. Lớp học nhỏ với diện tích chừng 20 mét vuông rộn ràng tiếng trẻ đồng bào tập đọc tiếng Kinh. Ở lớp bên cạnh, thầy Hồ Thượng Hải đang nắn nót từng chữ trên bảng “lớp 2: 03 học sinh; lớp 3: 07 học sinh; lớp 4: 03 học sinh; lớp 5: 08 học sinh”. "Lớp hai không ba, lớp ba không bảy" - tôi trố mắt vì sỉ số của lớp học quá ít ỏi. Thầy Phương cười: “Các thầy ở đây đều dạy lớp ghép vì mỗi lớp chỉ được vài học sinh thôi. Một lúc nhưng lại dạy nhiều giáo án của các lớp với các trình độ khác nhau”.

Trời đã xế trưa, cách lớp học chừng vài mét có tiếng leng keng của soong chảo va đập vào nhau. Hỏi, thì ra mọi người đang chuẩn bị bữa trưa, việc dạy học và sinh hoạt gói gọn trong bán kính chừng 10 mét vuông. 12 giờ, bữa trưa được dọn ra. Thầy bưng cơm, thầy bưng canh, thầy đĩa rau, chén nước mắm, thầy dĩa cá kho… Tôi đếm tất cả được 6 thầy, tưởng có còn cô nào đó đang lúi húi dưới bếp nấu ăn mà chưa lên. Nghe tôi hỏi, thầy Phương cười lớn “làm chi có cô mô, ở đây tất cả 6 thầy cùng nhau sống và dạy học cho con em đồng bào. Tui và mấy anh em cứ nói vui với nhau “đây không có “cô giáo như mẹ hiền” mà là “thầy giáo như mẹ hiền” như các em hay nói”.

Thầy "giữ em" để trò được đến trường

Thầy Võ Anh Tuân – Hiệu trưởng Trường TH số 2 Thượng Trạch cho biết, ở đây có 10 điểm trường với 39 cán bộ giáo viên toàn từ dưới miền xuôi lên. Cơ sở vật chất còn rất nhiều thiếu thốn, phòng học, phòng ở giáo viên ở một số điểm bản phải mượn nhà dân như ở điểm trường Nôồng Cũ, bản 51, Chăm Pu… Thầy Phương kể, hoàn cảnh của học sinh nơi đây các thầy đều nắm rõ, ngày dạy chữ, tối không quản trời mưa gió rét các thầy cũng đến từng nhà để vận động cha mẹ các em cho các cháu đến trường. Đặc biệt, vào mùa mưa lũ đến thì 7/10 điểm trường bị chia cắt, phải đợi nước lũ rút thì mới về đến tận nhà vận động các cháu đến trường được. Thường khoảng 2 ngày thì nước lũ rút. Nhiều lúc nước lũ về đột ngột, các thầy phải chăm các cháu, giữ lại điểm trường. Trong số các thầy giáo tại đây, thầy Nguyễn Văn Nhất năm nay 31 tuổi, công tác đã hơn 5 năm là ở xa nhất, nhà thầy ở huyện Lệ Thủy – cách trường chừng 200 cây số.

Để tiếp xúc và vận động được các cháu đến trường, việc đầu tiên là các thầy phải biết được tiếng người dân bản địa là tiếng Ma Coong. Kể đến đây, thầy Phương ngậm ngùi, “điều đáng nói là người Ma Coong chỉ có tiếng nói riêng chứ chưa có chữ viết, vậy nên những ngày đầu mới tiếp cận anh em chúng tôi rất khó khăn. Rồi người trước dạy lại người sau, từng ngày tiếp cận với cuộc sống người dân nên bây giờ thầy mô cũng rành như dân bản”. Còn nhớ, những ngày đầu năm học vừa qua là những ngày khó khăn nhất của thầy Hồ Thượng Hải. Em Y Ngân (học sinh lớp 5 tại điểm trường 61) có hoàn cảnh rất khó khăn, bố mẹ sống ly thân, cái ăn cái mặc cũng không được đầy đủ. Để vận động em đến trường, thầy Hải phải lặn lội vượt rừng để đến tận nhà thuyết phục và vận động. Ngày này qua ngày khác, để con chữ đến được với Y Ngân thầy Hải đã phải kiên trì thuyết phục và xem em như con mình. Mẹ Y Ngân sau khi ly thân đã lấy bố dượng người Lào. Những khi mẹ Y Ngân sang Lào với bố dượng, Y Ngân phải ở nhà trông em nên không thể đến trường, quán xuyến toàn bộ việc trong nhà, để giúp Y Ngân, thầy Hải phải đến nhà trông em giúp Y Ngân, nhờ vậy gia đình mới để Y Ngân được đến lớp như chúng bạn. Hỏi, thầy Hải cười hiền “việc đó với anh em giáo viên cắm bản như bọn tui thấy rất bình thường, miễn sao con chữ đến được với các em là toại nguyện, khó khăn mấy anh em tui cũng khắc phục được mà”. Đặc biệt vào mùa rẫy, các em đều phải ở nhà… trông em để ba mẹ lên rẫy. Những lúc đó, không ai hết chính là các thầy chia nhau… trông em để giúp anh chị như Y Ngân được đến trường.

Trời đã xế chiều, đi một vòng kiểm tra các lớp học xong, thầy Phương khăn gói chuẩn bị các vật dụng cần thiết rồi đợi các thầy để cùng nhau vào bản A Ki – cách hơn 13km đường rừng. Hỏi, mắt thầy rơm rớm rồi cho biết, vào để thắp hương cho em Đinh Duấn học sinh lớp 2 tại điểm trường A Ki vừa qua đời sáng nay. Đinh Duấn là con anh Đinh Ki, gia đình 5 anh em. Khi mới sinh ra cháu bị khuyết tật rốn, suy dinh dưỡng nặng. Thấu hiểu được hoàn cảnh, các thầy đã tìm mọi cách để giúp gia đình em. Cách đây chừng 5 tháng, các thầy đã vận động gia đình và đem em về thành phố Đồng Hới để nhập viện phẫu thuật rốn. Toàn bộ các khoản chi phí liên quan các thầy đều lo liệu và kêu gọi ủng hộ thêm cho em và gia đình. Thấy Đinh Duấn khỏe lại, được tiếp tục đến trường, các thầy ai cũng vui mừng khôn xiết. “Nào ngờ mấy ngày nay Đinh Duấn không đến lớp, các thầy đến thăm, mua đường sữa bồi dưỡng cho em, vận động gia đình đem em về xuôi cứu chưa nhưng không kịp, em đã qua đời vào sáng nay, em mất do bị suy kiệt” – thầy Phương kể mà mắt đỏ hoe. Tương tự như Đinh Duấn, điều kiện sống, học tập và chăm sóc sức khỏe cho các em nhỏ nơi đây còn rất nhiều thiệt thòi.

Đời sống bà con dân bản nơi đây đang còn chịu nhiều thiệt thòi, khó khăn. Ảnh: Lê Phi Long

Báo cáo của nhà trường cho thấy, toàn trường có 21 phòng học tại tất cả 10 điểm trường ở các bản nhưng chỉ có 3 phòng học kiên cố, 5 phòng bán kiên cố, 11 phòng tạm còn lại là phòng mượn nhà dân. Đặc biệt các phòng học tại điểm trường ở bản 61 và 51 đã xuống cấp trầm trọng, toàn bộ tại các điểm trường đều không có nhà vệ sinh. Trống tan trường, thấy các em chạy vội ra phía những lùm cây xa xa, thầy Phương ngại ngùng giải thích “đến lớp học còn tạm bợ, huống hồ là nhà vệ sinh, đành phải chấp nhận vậy thôi anh ạ. Chúng tôi mong muốn có được một lớp học với khoảng vài phòng trên mảnh đất vừa san phẳng này để thay thế mấy phòng học mục nát kia nhưng khó quá, kinh phí đâu ra nên rất mong nhận được sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm để các em có điều kiện học tập tiếp thu kiến thức. Chúng tôi thuê máy xúc san đất đây để hy vọng, chứ không biết đến bao giờ…”.

“Em yêu trường em, với bao bạn thân; và cô giáo hiền, như yêu quê hương; cắp sách đến trường trong muôn vàn yêu thương” – lời bài hát được các em nhỏ đồng bào dân tộc Ma Coong nắm tay nhau hát rồi vượt những con dốc về nhà cứ day dứt mãi trong tôi. Cà Roòng, Cồn Roàng, Cờ Đỏ, A Ki… - để con chữ đến với được vùng biên sao mà bấp bênh đến thế!

LÊ PHI LONG

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/phong-su/dong-ton-nuoi-con-chu-vung-bien-617499.bld