Đồng tiền và thái độ của Trung Quốc chưa đủ 'hấp dẫn'

Đồng tiền và thái độ của Trung Quốc chưa đủ “hấp dẫn” với nhiều quốc gia khác trong khối ASEAN, nhà nghiên cứu từ Đại học Quốc gia Singapore nhận định.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Lào hôm 25.7.

“Sự thân cận của Campuchia với Trung Quốc đã quá nổi tiếng. Nhưng các quốc gia khác rất quan ngại trước hành động đe dọa của Trung Quốc - ông Rajeev Ranjan Chaturvedy trả lời BBC sáng ngày 26.7, sau Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN tại Lào - Trung Quốc đang cố gắng có được sự ủng hộ của nhiều nước trong khu vực ASEAN, nhưng không may việc này lại không xảy ra. Đồng tiền với thái độ của Trung Quốc chưa đủ hấp dẫn. Và vì thế, chúng ta chứng kiến vành đai kinh tế Con đường Tơ lụa trên biển của Trung Quốc đạt được rất ít thành công với ASEAN. Trong thực tế, rõ ràng mục đích của ASEAN phải do các nước ASEAN thiết lập”.

Nhà nghiên cứu ở Viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS nhận định, ASEAN “có động thái cẩn thận” trước vấn đề Biển Đông và “các lãnh đạo chính trị ASEAN khá trưởng thành”, trước việc đã có thể đưa ra tuyên bố chung dù không đề cập đến phán quyết ngày 12.7 của Tòa trọng tài tại The Hague.

“Các quốc gia ASEAN hoàn toàn hiểu sự cần thiết của kinh tế và nhiều nước đang đa dạng hóa quan hệ của họ để có nhiều giải pháp thay thế. Khi vấn đề an ninh và chiến lược vẫn còn đó, sự thực dụng về kinh tế sẽ giúp các quốc gia ASEAN vẫn đi cùng nhau”, ông Chaturvedy nói.

“Rõ ràng các nước ASEAN đang lệ thuộc nặng nề vào Trung Quốc trong quan hệ kinh tế và thương mại. Tôi không kỳ vọng sẽ có thêm thay đổi lớn nào trong cách tiếp cận của Trung Quốc".

“Tuy nhiên, ASEAN có thể mở rộng mạng lưới thương mại và kinh tế của họ với các cường quốc khác. Đa dạng hóa trong kinh tế sẽ giúp ASEAN giảm phụ thuộc vào Trung Quốc và sẽ giúp tăng cường ổn định và hòa bình trong khu vực”.

“Phán quyết của Tòa trọng tài đã làm rõ rất nhiều thứ trên giấy tờ, nhưng không có gì thay đổi trên thực địa cả. Đừng trông đợi bất cứ thay đổi kịch tính nào trong vấn đề Biển Đông phức tạp. Tôi nghĩ, phát triển một khuôn khổ chính trị và có tương tác thường xuyên ở mọi cấp độ sẽ giúp thiết lập lại niềm tin và xây dựng” - nhà nghiên cứu theo dõi vấn đề Biển Đông này cho hay.

Tuy nhiên, ông cũng nhận định: “Các nước ASEAN có thể trông đợi một sự tự kiềm chế từ Trung Quốc vì Bắc Kinh đã có đủ những thách thức từ trong nội bộ, và ASEAN cũng nên tránh bất cứ hành động khiêu khích nào”.

Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN vừa diễn ra tại Lào, và các quốc gia tham dự cuối cùng cũng ra tuyên bố chung sau nhiều phiên họp khẩn cấp.

Vấn đề Biển Đông có được đề cập đến trong tuyên bố này, nhưng không nhắc gì đến Phán quyết ngày 12.7 của Tòa Trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc trên Biển Đông.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/the-gioi/dong-tien-va-thai-do-cua-trung-quoc-chua-du-hap-dan-576747.bld