Dòng tiền tiếp tục “chảy” vào bất động sản?

Các chuyên gia cho rằng việc giảm lãi suất của ngân hàng chỉ nhằm vào các lĩnh vực ưu tiên và không ưu đãi đối với lĩnh vực bất động sản sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn vốn cho lĩnh vực này từ nay đến cuối năm 2017 và những năm tiếp theo.

Bất động sản sẽ không nằm trong nhóm 5 ngành ưu tiên được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm lãi suất điều hành và cho vay ngắn hạn.

Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông báo điều chỉnh giảm lãi suất điều hành thêm 0,25% và giảm 0,5% lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với một số lĩnh vực, đối tượng ưu tiên bắt đầu từ ngày 10/7, hàng loạt ngân hàng cũng đồng loạt giảm lãi suất.

Việc Ngân hàng Nhà nước vừa điều chỉnh giảm lãi suất điều hành và cho vay ngắn hạn sẽ góp phần cung ứng nguồn vốn đến với các cá nhân, doanh nghiệp trong 5 lĩnh vực ưu tiên nhanh chóng và kịp thời hơn. Tuy nhiên lĩnh vực bất động sản không được hưởng ưu đãi, vậy sắp tới, dòng tiền liệu có tiếp tục “chảy” vào lĩnh vực này?

Theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành cho rằng, mặc dù không được ưu đãi như các ngành khác nhưng bất động sản từ nay đến cuối năm vẫn sẽ phát triển bình thường. Tuy nhiên, hiện nay khá nhiều trường hợp mua bất động sản là để đầu cơ chứ không phải mua để ở. Do đó, qua năm 2018 và đầu 2019, bất động sản sẽ bắt đầu xuất hiện những rủi ro. Chính vì thấy trước những rủi ro đó nên NHNN không ưu đãi cho lĩnh vực bất động sản là có lý do. Như vậy, dòng tiền từ nay đến cuối năm sẽ rất hạn chế rót vào bất động sản.

Còn Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc hạ lãi suất được áp dụng cho những lĩnh vực ưu tiên, nhưng những lĩnh vực ưu tiên đó cũng chiếm một tỷ trọng lớn trong nền kinh tế và việc ưu tiên cho 5 lĩnh vực đó chắc chắn sẽ có tác động cho nền kinh tế. Tuy nhiên, việc dòng vốn đổ nhiều vào 5 lĩnh vực ưu tiên đó sẽ lấy đi những dòng vốn cần thiết cho lĩnh vực bất động sản. Với việc lĩnh vực bất động sản không thuộc nhóm ngành ưu tiên nên các ngân hàng sẽ không giảm lãi suất cho bất động sản mà ngược lại lãi suất cho tín dụng bất động sản có thể sẽ tăng lên trong thời gian tới.

Theo quy định của NHNN, tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn giảm từ 60% xuống còn 50%, thu hẹp nguồn vốn cho vay nói chung và dĩ nhiên nó sẽ ảnh hưởng đến nguồn vốn cho vay bất động sản. Thứ hai, hệ số rủi ro áp dụng cho tín dụng kinh doanh bất động sản tăng từ 150% lên 200% cũng có tác động làm giới hạn quy mô cho vay bất động sản. Bên cạnh đó, lãi suất huy động cũng trong xu hướng tăng, vì vậy sẽ đẩy lãi suất cho vay tăng lên. Nếu các ngân hàng đổ quá nhiều tiền vào bất động sản sẽ dẫn đến giá bất động sản tăng nhanh, tăng nguy cơ bong bóng. Đến một lúc nào đó bóng bóng sẽ vỡ và gây thiệt hại khó lường.

Ngoài ra, một nguyên nhân nữa hạn chế dòng tiền chảy vào BĐS là theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), trong thời gian tới lượng kiều hối sẽ sụt giảm nghiêm trọng do Donald Trump ký sắc lệnh hạn chế chuyển tiền ra khỏi nước Mỹ. Trung bình mỗi năm, lượng kiều hối chảy về Việt Nam khoảng 10-12 tỷ USD, riêng năm 2016 lượng kiều hối đổ về hơn 9 tỷ USD trong đó TP.HCM chiếm khoảng 5 tỷ USD và khoảng 21% trong số đó được đầu tư vào bất động sản. Trong 6 tháng đầu năm 2017, kiều hối vào TP.HCM đạt mức 2,1 tỷ USD. Tuy nhiên 6 tháng cuối năm có thể sụt giảm 50% vì phần lớn kiều hối được gởi về từ Mỹ.

Tấn Lợi

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/dong-tien-tiep-tuc-chay-vao-bat-dong-san-d59905.html