Đồng Tháp xây dựng thị xã Hồng Ngự thành trung tâm kinh tế cửa khẩu

Là thị xã trung tâm vùng biên giới của tỉnh Đồng Tháp, thị xã Hồng Ngự đang được Trung ương và tỉnh quan tâm đầu tư nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội nhằm khai thác tốt tiềm năng, lợi thế vùng biên giới.

UBND tỉnh Đồng Tháp cũng đã thông qua quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội thị xã Hồng Ngự đến năm 2020; tiếp tục mở rộng và phát triển mạnh thương mại - dịch vụ tại thị xã; đẩy mạnh các hoạt động kinh tế cửa khẩu tại Mộc Rá, Á Đôn và kênh Cụt; hình thành mạng lưới các trung tâm và tuyến điểm về thương mại - dịch vụ làm vệ tinh giao lưu kinh tế và hậu cần cho hoạt động kinh tế cửa khẩu. Thị xã phấn đấu đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế trong 10 năm tới tăng từ 13,5 đến 15%/năm, thu nhập bình quân đầu người từ 2.800 đến trên 3.000 USD/người/năm; tỷ lệ đô thị hóa của thị xã vào khoảng 74% để xây dựng thị xã thành trung tâm của vùng kinh tế Hồng Ngự và vùng kinh tế cửa khẩu, góp phần quan trọng vào phát triển chung của tỉnh. Với qui hoạch trên, từ nay đến năm 2015, Đảng bộ thị xã Hồng Ngự sẽ tập trung mọi nguồn lực để xây dựng thị xã phát triển nhanh, bền vững. Lấy thương mại - dịch vụ và phát triển đô thị làm khâu đột phá, đồng thời đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp theo hướng hiện đại và xây dựng nông thôn mới, thị xã phấn đấu ổn định tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 14%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 1.500 USD (hiện nay là 788 USD), tổng nguồn vốn huy động đầu tư trên địa bàn đạt 3.300 tỷ đồng. Sau hơn một năm chia tách từ huyện biên giới Hồng Ngự, đến nay kinh tế của thị xã Hồng Ngự vẫn tiếp tục tăng trưởng ở mức cao, đạt bình quân 14,07%/năm. Hệ thống cơ sở hạ tầng của thị xã đã được hoàn thiện, mở ra triển vọng lớn cho phát triển thương mại - dịch vụ của thị xã trung tâm vùng biên giới của tỉnh. Hiện nay, kinh tế của thị xã Hồng Ngự vẫn dựa vào nông nghiệp - thủy sản, nhưng theo đánh giá của UBND tỉnh, lĩnh vực thương mại - dịch vụ của thị xã Hồng Ngự đang có bước phát triển nhanh và phát triển theo hướng phục vụ tốt hơn cho nhu cầu sản xuất, tiêu dùng; tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ năm 2010 ước đạt 2.116 tỷ đồng. Lĩnh vực công nghiệp - xây dựng cũng có bước phát triển khá, ước tính giá trị thu nhập tăng thêm trong năm nay đạt 140 tỷ đồng, góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của tỉnh. Sản xuất nông nghiệp từng bước đi vào chiều sâu, phát huy tốt lợi thế tiềm năng của địa phương. Các hoạt động tài chính - tín dụng, ngân hàng phát triển nhanh, đáp ứng tốt cho nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế ở địa phương. Tuy mới thành lập, nhưng cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch theo hướng tích cực, khu vực nông - thủy sản giảm xuống còn 52,9% (so với 63,96%), công nghiệp - xây dựng tăng lên 28,2%, thương mại dịch vụ chiếm 18,9% trong cơ cấu kinh tế. Công nghiệp - xây dựng tăng trưởng khá, nhiều dự án, công trình quan trọng được triển khai như khu đô thị bờ Đông, dự án kè chống xói lở bờ sông Tiền, cụm dân cư giai đoạn 2, tuyến dân cư An Thành, trường học, trạm y tế...đã tạo ra bộ mặt đô thị khang trang, đẹp đẽ./.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=430660&co_id=30065