Động thái mới: Trung Quốc muốn làm hòa với Mỹ

Thành tựu quân sự nổi bật nhất năm 2012 (P2) Thành tựu quân sự nổi bật nhất năm 2012 (P1) Chuyên gia Nga: TQ lập 11 tập đoàn công nghiệp quân sự

Đề xuất của phía Trung Quốc được đưa ra tại Diễn đàn Lam Đình lần thứ tám do Bộ Ngoại giao Trung Quốc tổ chức. Ông Trương Chí Quân cho rằng Mỹ và Trung Quốc là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Yếu tố này khiến quan hệ Trung-Mỹ là một trong những mối quan hệ quan trọng nhưng phức tạp nhất.

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, ông Trương Chí Quân

Đề xuất bốn điểm của ông Trương Chí Quân gồm: 1. Hai nước cần trao đổi thẳng thắn và đi sâu nhằm tránh những hiểu lầm liên quan đến các chiến lược của mỗi bên;

2. Hai nước cần mở rộng mạnh mẽ các điểm sáng trong quan hệ hợp tác thực tế. Trung Quốc và Mỹ cần nắm bắt cơ hội để hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng mới, năng lượng sạch và phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ tăng cường đầu tư hai chiều, thiết lập cơ chế giao lưu trao đổi giữa các địa phương và nhân dân hai nước, khai thác tiềm năng hợp tác và tích cực mở rộng các lợi ích chung;

3. Hai bên cần hợp tác để đảm bảo đối thoại và hợp tác có nhiều tác dụng hơn tranh cãi và bất đồng ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương;

4. Hai bên cần thực sự tôn trọng các lợi ích cốt lõi của nhau.

Ngoài đề xuất liên quan tới Mỹ, ông Trương Chí Quân còn khẳng định Trung Quốc luôn là một láng giềng tốt, bạn tốt và đối tác tốt của các nước láng giềng.

Hiện phía Mỹ chưa đưa ra phản ứng chính thức trước đề xuất của Trung Quốc. Tuy nhiên, hồi tháng 11 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho rằng Trung Quốc cần được khuyến khích để trỗi dậy một cách hòa bình, với tư cách là một bên có trách nhiệm trong khu vực.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại Perth, Australia hồi tháng 11/2012

Phát biểu này được bà Hillary đưa ra khi tham dự lễ khánh thành trung tâm Mỹ - Châu Á tại Đại học Tây Australia ở thành phố Perth. Bà Hillary Clinton cũng tái khẳng định Mỹ tiếp tục hiện diện tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và Washinton đã thông qua một chiến lược thúc đẩy Ấn Độ đóng vai trò lớn hơn trong các vấn đề Châu Á.

Ngoại trưởng Mỹ thậm chí còn tiết lộ chính quyền Tổng thống Barack Obama hoan nghênh các cuộc tập trận chung giữa hải quân Australia và Ấn Độ, đồng thời đánh giá Australia và Mỹ cần tiếp tục tăng cường hợp tác.

Đề cập tới cái mà Trung Quốc gọi là lợi ích quốc gia cốt lõi, phía Mỹ ngay từ hồi cuối tháng 10 đã cho biết giới lãnh đạo Trung Quốc không ám chỉ quần đảo tranh chấp Senkaku trên biển Hoa Đông hiện do Nhật Bản kiểm soát là lợi ích quốc gia cốt lõi tại các cuộc đàm phán hồi tháng 9 với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton.

Mỹ khẳng định Senkaku nằm trong phạm vi ảnh hưởng Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật

Theo đó, khi thảo luận các vấn đề về lãnh thổ với Ngoại trưởng Hillary, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã không đưa ra bình luận ám chỉ quần đảo tranh chấp Senkaku là một phần trong các lợi ích quốc gia cốt lõi - một thuật ngữ mà Bắc Kinh thường sử dụng để ám chỉ các vùng lãnh thổ chủ chốt mà Trung Quốc quyết nắm giữ hoặc kiểm soát.

Theo nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ, quần đảo Senkaku cũng không được nhắc tới là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc trong các cuộc gặp riêng rẽ giữa bà Hillary với Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Ngoại trưởng Dương Khiết Trì.

Trong khi đó, Mỹ nhiều lần khẳng định rõ rằng quần đảo Senkaku nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật Bản. Mới đây Quốc hội Mỹ cũng đã thông qua dự luật ủng hộ Nhật Bản trong vấn đề này khi thừa nhận quyền quản lý của Tokyo đối với Senkaku.

Minh J

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/bon-phuong-24h/201212/dong-thai-moi-Trung-Quoc-muon-lam-hoa-voi-My-2209161/