"Đồng phục biển hiệu" ở Thủ đô: "Sao chỉ có 2 màu?"

Biển quảng cáo trên tuyến phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn đều cao bằng nhau và chỉ có 2 màu xanh - đỏ. Việc này đã gây ra những phiền toái không nhỏ cho cả người kinh doanh lẫn khách hàng trên tuyến đường này.

Nhiều cửa hàng bắt buộc phải sử dụng màu xanh – đỏ thay cho màu đặc trưng của thương hiệu.

"Không còn lựa chọn nào khác!"

Đó là lời than vãn của một chủ cửa hàng máy lọc nước trên đường Lê Trọng Tấn (Hà Nội). Người này cho biết đã kinh doanh mặt hàng máy lọc nước của một nhãn hiệu từ vài năm nay. Trước đây biển quảng cáo của cửa hàng cao tới gần 3m, có màu xanh lá cây cùng logo thương hiệu đặc trưng rất dễ nhận biết, cùng với tấm biển LED treo ngang nhấp nháy khiến việc thu hút khách hàng cũng dễ dàng.

“Thế nhưng khi tuyến đường kiểu mẫu Lê Trọng Tấn được đưa vào sử dụng, cơ quan chức năng thông báo chiều cao bảng biển là 1,1m và chỉ được sơn hai màu là xanh dương và đỏ, phông chữ in hoa chứ không được dùng chữ cách điệu. Không còn lựa chọn nào khác, tôi phải chọn biển màu xanh dương dù chẳng hề liên quan tới nhãn hàng đang kinh doanh”.

Đồng quan điểm, bà Phương (chủ một cửa hàng kinh doanh chăn ga gối đệm trên phố Lê Trọng Tấn) cho biết: "Vốn dĩ logo của thương hiệu có màu xanh lá cây thế nhưng phía chính quyền lại chỉ cho chúng tôi 2 lựa chọn màu xanh dương hoặc đỏ. Không còn cách nào khác, tôi phải treo thêm một tấm biển phụ ở trong nhà phía dưới tấm biển chính để giúp khách hàng dễ nhận biết”.

Một cửa hàng với hai tấm biển quảng cáo khác hẳn nhau. Không khó để so sánh tấm biển quảng cáo nào hấp dẫn hơn, thu hút khách hàng hơn.

Chạy dọc 2 vòng tuyến phố, cộng với 4 cuộc điện thoại, chị Hoài Thu (33 tuổi, Tây Hồ, Hà Nội) mới tìm được cửa hiệu cắt tóc quen thuộc. “Các tấm biển xanh xanh đỏ đỏ na ná nhau khiến tôi phải vòng vèo mãi mới tìm được cửa hiệu cắt tóc quen thuộc, trước đây chỉ cần nhìn từ xa thấy biển đèn LED có hình cây kéo nhấp nháy, chưa cần đọc chữ cũng đã biết đó là nơi mình cần đến rồi”, chị nói.

Nhầm lẫn thương hiệu, đi nhầm cửa hàng... là tình trạng chung của rất nhiều người kinh doanh và khách hàng đang gặp phải trên tuyến phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn. Nhiều ý kiến cho rằng việc biển quảng cáo chỉ có hai màu xanh – đỏ rất dễ gây nhầm lẫn cho khách hàng. Chưa kể có những trường hợp chủ cửa hàng mất tới hàng chục triệu đồng để thuê thiết kế, in ấn biển quảng cáo thì nay đành xếp xó chỉ còn biết bán sắt vụn.

“Tại sao chỉ có 2 màu?”

Đó là thắc mắc của PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng Hà Nội khi nói về màu sắc biển quảng cáo trên tuyến đường Lê Trọng Tấn: “Tại sao phải bắt buộc sử dụng màu xanh – đỏ, trong khi sở thích về màu sắc của mỗi người là không có gì để tranh cãi?”.

Một số "ông lớn" như ngân hàng Techcombank, VIB bank lại tỏ ra khá chậm chân khi vẫn chưa thay thế biển quảng cáo cho phù hợp với quy định của tuyến phố kiểu mẫu.

Về khái niệm đẹp và mỹ quan, ông Hùng so sánh: “Tuyến phố giống như một vườn hoa và mỗi cửa hàng, biển hiệu giống như một bông hoa. Nếu bông hoa đó đứng một mình thì không đẹp, một rừng hoa mọc tự do cũng chưa chắc đẹp. Nhưng nếu một vườn hoa nhiều màu sắc được chăm sóc theo một mô hình, nguyên tắc nhất định thì chắc chắn sẽ đẹp!”

Xét về khía cạnh đồng bộ, ông Hùng cho rằng: “Phải có quy hoạch đồng bộ từ trước đó thì việc đồng bộ biển quảng cáo mới có thể làm tốt được. Tuy nhiên mặt tiền của mỗi ngôi nhà khác nhau sẽ không thể đồng bộ biển quảng cáo đẹp như ý được. Nếu những nhà xây cao tầng rồi, sẽ phải treo biển trên cao, chẳng lẽ lại bắt những hộ đó phá nhà đi xây lại để phù hợp?”

PGS.TS Nguyễn Văn Hùng cho rằng, về vấn đề đổi mới, làm đẹp cho mỹ quan thành phố, cần cân nhắc kỹ lưỡng và xin ý kiến đóng góp của nhiều chuyên gia cũng như những người liên quan trực tiếp là các hộ kinh doanh trên tuyến phố.

“Truyền thống của người Việt Nam từ xưa đến nay rất duy tâm về vấn đề phong thủy, chính vì vậy, việc chỉ có 2 màu như hiện nay sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý của người kinh doanh”, ông Hùng góp ý thêm.

Nguồn 24H: http://www21.24h.com.vn/tin-tuc-trong-ngay/dong-phuc-bien-hieu-o-thu-do-sao-chi-co-2-mau-c46a789995.html