Đông Nam Á với mối lo 'kẻ thù trước ngõ'

GD&TĐ - Indonesia, Malaysia và Philippines đã bắt đầu tiến hành tuần tra hàng hải chung, mục tiêu là phối hợp trong cuộc chiến chống các nhóm vũ trang Hồi giáo.

Các nước này cũng lập trung tâm điều hành hàng hải chia sẻ thông tin tình báo nhằm ngăn chặn các nhóm vũ trang có liên hệ với nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại miền Nam Philippines chạy sang các nước láng giềng. Mối lo ngại IS mở rộng hoạt động tại khu vực Đông Nam Á đã hiện hữu…

Bất an từ lỗ hổng an ninh

Những phần tử “thánh chiến” mang tư tưởng cực đoan đang cầm súng cho tổ chức IS tại Iraq và Syria là mối hiểm họa an ninh vô cùng to lớn khi chúng “di chuyển” sang những khu vực mới, đặc biệt trong bối cảnh IS bị đánh tan tác tại Iraq và Syria.

Cuộc chiến với khủng bố đã lan sang Đông Nam Á bắt đầu từ Philippines. Cuộc tấn công của những tay súng có liên hệ với IS tại thành phố Marawi, Philippines khiến hơn 300 người chết.

Sự thất thủ và thương vong quá lớn tại Marawi đã bộc lộ lỗ hổng an ninh nghiêm trọng cũng như cho thấy sự chuyển hướng có ý đồ rõ ràng IS tới những khu vực có năng lực chống khủng bố còn yếu tại Đông Nam Á.

Mỹ, một trong những quốc gia có vai trò lớn nhất trong cuộc chiến chống khủng bố quốc tế, cũng bày tỏ sự lo ngại. Hiện Mỹ có một số binh sĩ đặc nhiệm ở Philippines giữ vai trò “cố vấn và hỗ trợ”, và Mỹ đang cung cấp giám sát không lưu giúp Philippines chiếm lại Marawi, thành phố có hơn 200.000 người. Tuy nhiên, các nhà lập pháp, bao gồm cả Đảng Cộng hòa của Tổng thống Donald Trump, muốn Mỹ có vai trò lớn hơn, kể cả hỗ trợ dưới mặt đất vì lo ngại khu vực này sẽ trở thành một thành trì mới cho các tay súng Hồi giáo cực đoan hội tụ.

Mối lo chung

“Tôi không chắc IS có chuyển dịch hoạt động sang khu vực Đông Nam Á không nhưng có điều chắc chắn là nhiều tay súng đang tìm cách thâm nhập khu vực này” - nghị sĩ Joni Ernst, bang Iowa, nhận xét.

Theo cơ quan tình báo và chống khủng bố Mỹ thì IS đã công khai tiếp nhận thành viên các tổ chức khủng bố. Trong một đoạn video tháng 6/2016, IS kêu gọi những kẻ ủng hộ tại Đông Nam Á tới Philippines nếu không thể đến Syria.

Có khoảng 40 người nước ngoài, hầu hết từ nước láng giềng Indonesia và Malaysia, trong tổng số hơn 500 tay súng phiến quân tại Marawi - theo số liệu quân đội Philippines cung cấp. Theo ghi nhận thì có ít nhất 1 người Ả-rập Xê-út, 1 người Chechnya và 1 người Yemen trong tổng số hơn 200 phiến quân đã bị tiêu diệt trong 4 tuần giao tranh vừa qua.

IS đang trở nên nguy hiểm hơn khi kết hợp được sức mạnh khủng bố địa phương. Theo một video mà hãng tin AP nhận được từ quân đội Philippines, có mặt thủ lĩnh một tổ chức Hồi giáo cực đoan ở Philippines, tham gia trong các vụ tấn công của IS. Isnilon Hapilon nằm trong danh sách khủng bố bị Mỹ truy nã gắt gao nhất, với tiền thưởng lên tới 5 triệu USD cho thông tin dẫn tới bắt được tên này.

Giới chức Mỹ đang đánh giá có bao nhiêu phần tử nào trong khoảng 1.000 tay súng người Đông Nam Á tới Iraq và và Syria trong những năm gần đây - đã trở lại Philippines. Nhiều khu vực thiếu kiểm soát an ninh quanh Marawi có thể bị quân khủng bố kiểm soát thành lãnh địa khủng bố như những năm 1990.

Các quốc gia khác cũng có mối lo ngại tương tự. Singapore gần đây cảnh báo IS có ảnh hưởng “vượt xa” so với những tổ chức khủng bố như al-Qaeda và Jemaah Islamiyah từng hoành hành trước đây. Jemaah Islamiyah đã thực hiện những vụ tấn công khủng bố lớn trong khu vực vào những năm 2000. Đã có những bằng chứng về việc IS chủ mưu trong những vụ tấn công tại Indonesia và Malaysia và âm mưu bất thành tại Singapore, trong năm qua.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/dong-nam-a-voi-moi-lo-ke-thu-truoc-ngo-3443922-b.html