Đông Nam Á đang nổi lên là khu vực xảy ra nhiều vụ cướp biển tấn công nhất thế giới

26 thuyền viên châu Á đã được về nhà sau hơn 4 năm bị bọn cướp biển châu Phi giam giữ. Tuy nhiên, nếu vẫn đi biển, chẳng cần đi đâu xa, chỉ ngay trong các vùng biển khu vực...

26 thuyền viên châu Á đã được về nhà sau hơn 4 năm bị bọn cướp biển châu Phi giam giữ. Tuy nhiên, nếu vẫn đi biển, chẳng cần đi đâu xa, chỉ ngay trong các vùng biển khu vực, họ rất có thể lại phải đối đầu với cướp biển. Điểm nóng về tệ nạn này không còn là vùng biển Somalia mà đã nổi lên một “trung tâm” cướp biển khác: Đông Nam Á.

Sembara Oktafian đang ở trong buồng máy một tàu lai dắt khi nó trên hành trình hướng về Philippines thì có âm thanh lạ. Có tiếng la hét, tiếng súng nổ. Các tay súng lạ mặt từ đâu xuất hiện trên boong tàu và thông điệp của chúng rất rõ ràng: đi theo chúng tao, không tuân lệnh sẽ bị bắn chết. Chúng bắn một thành viên thủy thủ đoàn và bắt cóc 4 người khác.

Abu Sayyaf

“Bọn cướp có vẻ ngoài rất dữ tợn, tay lăm lăm súng AK-47”, ông Sembara nói với báo New York Times. “Tôi nghĩ chúng sẽ giết hết chúng tôi, nhưng chúng chỉ bắt các bạn tôi đi”.

Ba người Indonesia (hàng đầu, bên trái) và một người Na Uy (hàng đầu, giữa) bị nhóm Abu Sayyaf bắt cóc. Họ được thả sau khi bọn bắt cóc nhận được tiền chuộc (Ảnh: aljazeera.com)

Vụ tấn công xảy ra hồi tháng 4/2016, ở khu vực biển Celebes, phía nam Philippines, không phải là cá biệt, nếu không muốn nói là phổ biến. Tính trên quy mô toàn cầu, Đông Nam Á đang nổi lên là khu vực xảy ra nhiều vụ cướp biển tấn công nhất thế giới, vượt qua cả Mũi Horn, châu Phi (gồm hai quốc gia Somalia và Ethiopia), theo Cơ quan Hàng hải quốc tế. Và các chính phủ trong khu vực đang phải rất vất vả xử lý vấn đề.

“Ở Somalia, số lượng các vụ tấn công đã giảm rõ rệt”, Noel Choong, lãnh đạo trung tâm thông tin về cướp biển ở Kuala Lumpur, Malaysia, nói. “Ở Nigeria, các vụ tấn công vẫn diễn ra, nhưng không nhiều bằng khu vực châu Á”.

Trong năm 2015, có 178 vụ cướp biển tấn công ở Đông Nam Á, trong khi khu vực vùng vịnh Aden và biển Đỏ gần Somalia không xảy ra vụ nào. Trong nửa đầu năm nay, Đông Nam Á chiếm 1/3 các vụ tấn công toàn cầu.

Những kẻ tấn công tàu lai dắt của Indonesia, đang kéo theo một sà lan chở than đá, sau đó được xác định là thành viên của tổ chức cực đoan Abu Sayyaf, có căn cứ chính ở miền nam Philippines. Tổ chức này đã thực hiện các vụ bắt cóc tống tiền hơn hai thập kỷ qua. Tổ chức này cũng cam kết trung thành với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).

Abu Sayyaf được cho là đã thực hiện hầu hết các vụ bắt cóc trên biển ở Đông Nam Á, tuy nhiên cũng có các nhóm tội phạm khác hoạt động trên các vùng biển khu vực này.

Từ tháng 3 đến tháng 8/2016, Abu Sayyaf đã bắt cóc 25 thủy thủ Indonesia và 6 thủy thủ Malaysia trong các cuộc tấn công dọc theo tuyến hải trình thương mại sống còn của các tàu chở than đá qua quần đảo Sulu. Mới đây nhất, nhóm cực đoan này còn bắt tiếp 9 thủy thủ Indonesia.

Phối hợp trấn áp

Các Chính phủ Indonesia, Malaysia và Philippines hồi tháng 5 đã thống nhất tiến hành các cuộc tuần tra hải quân phối hợp ở vùng biển Sulu, thiết lập đường dây nóng. Tháng 8 vừa qua, các nước thống nhất cho phép các lực lượng chống cướp biển được qua lại vùng biển của nhau để truy kích bọn cướp.

Hải quân Indonesia đang tuần tra đề phòng cướp biển (Ảnh: themalaymailonline.com)

Hải quân Indonesia đã ngăn cản thành công một vụ bắt cóc tàu chở dầu ngoài khơi đảo Borneo hồi tháng 5, bắt giữ 9 nghi can. Nhưng các vụ tấn công nhằm vào tàu chở dầu trở nên ít thường xuyên hơn khi giá dầu thế giới sụt giảm, theo một báo cáo gần đây.

Thay vào đó, nhiều nhóm cướp đang nhắm tới các tàu chuyên chở hàng hóa thương mại có giá trị cao, có thể bán trên thị trường chợ đen như dầu cọ thô. “Hầu hết các nhóm tội phạm đánh chiếm tàu chở xăng dầu đều chờ đợi giá dầu cao trở lại, và khi ấy các vụ bắt cóc tàu dầu sẽ lại phổ biến”, Karsten von Hoesslin, một chuyên gia về cướp biển nói. “Cho đến lúc ấy, họ sẽ tấn công các tàu hàng khác, nhất là những tàu chở loại hàng đang có giá trên thị trường”.

Trước khi nạn cướp biển bùng phát, Đông Nam Á có thời gian gặt hái thành công trong việc đàn áp các loại hình tội phạm trên biển.

Năm 1993, người ta ghi nhận khoảng 20 vụ tấn công ở Đông Nam Á, nhưng rồi con số hằng năm cứ tăng dần, đến mức gần 250 vụ trong năm 2000.

Các cuộc tuần tra chung giữa hải quân Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan ở eo biển Malacca - một trong những tuyến hải lộ tấp nập nhất thế giới, đã đẩy lùi số vụ tấn công tàu thương mại trong giai đoạn 2006-2009. Trong năm 2008, chỉ có 54 vụ tấn công trong đó có một số vụ bọn cướp biển chưa thực sự ra tay đã bị ngăn chặn, so với 92 vụ ở vịnh Aden và biển Đỏ.

Những vụ bắt cóc gần đây đã đánh động Chính phủ Indonesia, bởi các tàu lại dắt của nước này là mục tiêu chính đối với nhóm phiến quân Abu Sayyaf.

Chính phủ Indonesia đã phải chi ra hơn 1 triệu USD để đổi lấy tự do cho 10 thủy thủ nước này, bị AbuSayyaf bắt cóc hồi cuối tháng, theo một tờ báo trong nước. Một số ngày sau vụ bắt cóc nói trên, Abu Sayyaf tấn công tàu lai dắt T. B. Henry, với ông Sembara trên khoang. Ông và 5 đồng nghiệp trên tàu, gồm cả người bị bắn trọng thương, được bỏ lại trong khi những kẻ tấn công bắt đi 4 người. Lý do là xuồng cao tốc của bọn chúng không thể mang thêm.

Tháng 6/2016, ở biển Sulu, Abu Sayyaf tấn công tiếp một tàu lai dắt , bắt đi 7 người Indonesia. Tháng 8/2016, hai trong số các con tin, bị đe dọa chặt đầu, đã trốn thoát khỏi đảo Jolo (Philippines), nơi có căn cứ của Abu Sayyaf, bằng cách bơi ra biển để rồi được cứu.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/dong-nam-a-dang-noi-len-la-khu-vuc-xay-ra-nhieu-vu-cuop-bien-tan-cong-nhat-the-gioi-post178778.html