Đồng Nai: Mở rộng dân chủ, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân

Năm 2016, Đồng Nai đã hoàn thành, đạt và vượt 23/24 chỉ tiêu so với nghị quyết đề ra.

Tổng sản phẩm quốc nội (GRDP) trên địa bàn tăng 8,2%; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 77,3 triệu đồng/người; 96/133 xã (72%) trong toàn tỉnh và 5/11 huyện đạt nông thôn mới... Đóng góp vào kết quả này có việc thực hiện hiệu quả quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của dân, tạo đồng thuận giữa Đảng, chính quyền với nhân dân.

Thực hiện QCDC và đối thoại giữa người đứng đầu với dân, trong năm 2016, cấp tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy thực hiện 2 cuộc đối thoại với dân về tình trạng ngập nước ở Biên Hòa và khiếu kiện đất đai ở Long Khánh; 11/11 huyện, TX. Long Khánh, TP. Biên Hòa xây dựng được kế hoạch và tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân...

Thông qua công tác giám sát của Ban chỉ đạo QCDC, MTTQ, các đoàn thể chính trị và nhân dân từ tỉnh đến cơ sở cho thấy, sau đối thoại, cấp ủy, chính quyền các cấp đã chỉ đạo quyết liệt việc giải quyết những vướng mắc, bức xúc trong dân. Nhờ vậy, người dân càng tin tưởng, đồng thuận với Đảng, chính quyền và tích cực tham gia có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, góp phần hoàn thành mục tiêu kinh tế xã hội năm 2016.

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân thực hiện tốt QCDC năm 2015.

Nỗ lực phục vụ nhân dân

Bài học thành công của thị trấn Long Thành thời gian qua là việc mở rộng thực hiện QCDC trong dân, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân trong tất cả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Cán bộ công chức nơi đây, nhất là bộ phận “một cửa” luôn nằm lòng phương châm “4 xin” (xin chào và mời ngồi khi dân đến, xin hỏi những yêu cầu của dân, xin lỗi dân khi không nghe rõ hoặc chưa hiểu hết chính sách và xin cảm ơn khi dân hoàn tất thủ tục ra về).

Chủ tịch UBND thị trấn Long Thành Trần Văn Thân cho hay, nhờ phát huy hiệu quả QCDC mà trọng tâm là “4 xin” và thực hiện tốt việc đối thoại trong dân đã tạo sự đồng thuận trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Những chủ trương, quyết sách khi đi vào cuộc sống phải hợp lòng dân, được sự đồng lòng của dân và đảm bảo quyền lợi cho dân mới mang lại hiệu quả. Kinh nghiệm thành công khi di dời tiểu thương từ chợ cũ sang chợ mới nơi đây chính là bài học sâu sắc về việc mở rộng QCDC không chỉ với thị trấn mà còn là kinh nghiệm hay cho toàn tỉnh.

Từ một xã nghèo đặc biệt khó khăn của huyện Cẩm Mỹ, Lâm San đã nỗ lực vươn lên cán đích nông thôn mới vào cuối năm 2015. Hiện nay, nhiều tiêu chí của nông thôn mới được nâng lên, đời sống nhân dân được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 40 triệu đồng/năm, đặc biệt giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 39% năm 2010 xuống còn dưới 1,5% theo tiêu chí mới hiện nay. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Đào Ngọc Minh cho biết: “Mở rộng và phát huy quyền làm chủ của dân, Lâm San đã vươn lên thoát nghèo, hoàn thành các mục tiêu nông thôn mới.

Người dân trong xã đã tự nguyện tham gia trên 10.000 ngày công lao động; hiến gần 8 ha đất, chặt bỏ hàng ngàn cây cà phê, tiêu, điều làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa gắn với trụ sở ấp mà không lấy tiền bồi thường. Người dân còn đóng góp hơn 11 tỷ đồng cùng sự hỗ trợ của Nhà nước để làm 19 tuyến đường nhựa và 7 tuyến đường bê tông với tổng chiều dài trên 26 km; phấn đấu đến năm 2020, Lâm San không còn mét đường đất nào. Cùng với huy động sức dân, xã đã phát huy quyền làm chủ của dân trong giám sát việc thực hiện xây dựng 6 nhà văn hóa ấp, 10 km đường điện hạ thế, 7 km đường điện thắp sáng trị giá hàng tỷ đồng...

Bí thư Huyện ủy Cẩm Mỹ Nguyễn Thị Hoàng chia sẻ, bài học ở Lâm San cũng là bài học kinh nghiệm quý để đến cuối năm 2016, Cẩm Mỹ có 8/13 xã đạt nông thôn mới, 2 xã đã hoàn thành hồ sơ chờ thẩm duyệt. Riêng năm 2016, toàn huyện đã huy động cho mục tiêu nông thôn mới 709 tỷ đồng, trong đó dân đóng góp trên 71%, thu nhập bình quân đầu người đạt 39,6 triệu đồng, tăng hơn 3 triệu đồng so với năm 2015…

Phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng

Phó bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Tư cho rằng, việc mở rộng và thực hiện QCDC còn phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy các cấp, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, của cán bộ, đảng viên trong thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời, mở rộng dân chủ còn huy động trí tuệ, sức mạnh của nhân dân trong việc tham gia xây dựng và bảo vệ Đảng, chính quyền, đồng thuận với cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Thực tế cho thấy, Ban chỉ đạo QCDC từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục được kiện toàn, củng cố và phát huy vai trò, trách nhiệm. Nhờ vậy, huy động được sức mạnh to lớn từ dân tham gia đóng góp vào thành công các sự kiện chính trị, mục tiêu kinh tế - xã hội trên địa bàn. Toàn tỉnh huy động được toàn dân tham gia và làm nên thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 với trên 2,1 triệu cử tri trong tỉnh đi bầu cử, đạt 99,57%.

Các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đánh giá việc thực thi công vụ năm 2015 có 20/20 sở, ngành cấp tỉnh hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, trong đó có 7 đơn vị đạt xuất sắc; tỉnh Đồng Nai được Bộ Nội vụ xếp thứ 3 cả nước về cải cách hành chính; 1.854/1.970 công chức ở 171 xã, phường, thị trấn lấy phiếu tín nhiệm trong dân có 59,44% đạt tốt, 38,3% khá, mức trung bình còn 2,1% và mức kém còn 0,16%.

Trong tổng số 1.461 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phải thành lập Ban Thanh tra nhân dân theo quy định của Nghị định 99 của Chính phủ có 739/1.461 đơn vị được đánh giá tốt (chiếm tỷ lệ 50,6%), 666/1.461 đơn vị được đánh giá hoạt động khá (45,6%), không có Ban Thanh tra nhân dân hoạt động yếu, kém. Trên 90% xã, phường, thị trấn; hơn 90% cơ quan hành chính sự nghiệp thực hiện tốt QCDC ở cơ sở.

Phó bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Tư khẳng định: Sức mạnh, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng có được là biết dựa vào dân, biết trọng dân, tin dân. Mở rộng và phát huy quyền làm chủ của dân còn huy động sức mạnh to lớn trong dân để hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội và chăm lo tốt đời sống mọi mặt của dân.

“Trong đợt kiểm tra thực hiện QCDC cuối năm 2016 này, các đoàn kiểm tra cần lưu ý vào những điểm còn hạn chế, những nơi mà cán bộ công chức còn bị đánh giá yếu kém để tập trung chấn chỉnh, kịp thời khắc phục, thực hiện có hiệu quả QCDC và phong trào “Dân vận khéo” gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị trong thực thi nhiệm vụ”, Phó bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.

Theo LĐĐN

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/dong-nai-mo-rong-dan-chu-tao-su-dong-thuan-cao-trong-nhan-dan-p43853.html