ĐỒNG NAI: Hơn 500 công nhân ngừng việc tập thể yêu cầu tăng lương

Chiều 4.3, tại Cty TNHH sản xuất toàn cầu Lixil Việt Nam (DN 100% vốn Nhật Bản, chuyên sản xuất khung, ống nhôm, có CĐCS, tại KCN Long Đức, H.Long Thành), có 515/1.500 công nhân tham gia ngừng việc tập thể, do CN yêu cầu Cty thực hiện điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng theo Nghị định 122/2015/NĐ-CP của Chính phủ và chi trả tiền phụ cấp độc hại cho công nhân lao động đúng theo quy định của pháp luật.

Công nhân muốn điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng

Ngay sau khi sự việc xảy ra, đoàn công tác LĐLĐ H.Long Thành cùng các ngành chức năng đã đến Cty làm việc. Theo một cán bộ có trách nhiệm, nguyên nhân CN ngừng việc tập thể là do không muốn Cty áp dụng một mức tăng lương theo kiểu “cào bằng” mà phải điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng theo quy định, tránh việc sẽ khiến nhiều CN làm việc thâm niên cao sẽ bị thiệt thòi.

Một CN chia sẻ: Tại Cty có nhiều chế độ cho CN chưa thực hiện tốt, nhưng CN vẫn cố gắng làm việc, cống hiến nhiều năm cho Cty, do đó nếu Cty tăng lương cho CN thì phải công bằng đối với những CN có nhiều năm cống hiến cho Cty. Ngoài ra, CN ngừng việc tập thể để yêu cầu Cty phải trả chế độ phụ cấp độc hại, nâng cao chất lượng bữa ăn cho CN và giảm bớt các quy định CN cho là hà khắc. Tuy nhiên, đến chiều cùng ngày 4.3, việc thương lượng vẫn chưa thành công. Chiều cùng ngày, trao đổi với PV Báo Lao Động, bà Lê Thị Thanh Nguyệt - PCT LĐLĐ H.Long Thành cho biết: Hiện đoàn công tác đang chờ Cty làm việc với Cty mẹ, sau đó mới ra thông báo chính thức cho CN.

Công ty cho rằng không vi phạm

Sau khi làm việc với cơ quan chức năng, BGĐ Cty Lixil cho rằng: Số tiền Cty tăng lương lần này là không vi phạm so với quy định của pháp luật. Cty sẽ tiến hành xây dựng thang bảng lương theo đúng quy định và thông báo cho nhân viên biết để làm cơ sở chi trả lương.

Đối với việc nâng lương cho nhân viên thuộc G16, G17 sẽ dựa vào kết quả đánh giá và nâng lương vào tháng 4, tháng 10 hằng năm như trước đây (G17 lên G16 tăng 200.000 đồng, G16 lên G15 tăng 330.000 đồng). Về tiền thâm niên, Luật Lao động không quy định nhưng Cty đã tính vào thời gian làm việc để nâng lương cho nhân viên. Phần phụ cấp độc hại, Cty sẽ rà soát lại các công việc có yếu tố nặng nhọc độc hại theo danh mục ngành nghề của Nhà nước quy định và sẽ tính tiền phụ cấp nặng nhọc độc hại dựa theo thang bảng lương cho nhân viên thuộc đối tượng được phụ cấp. Về chất lượng bữa ăn giữa ca, Cty sẽ phối hợp với Ban chấp hành CĐCS thường xuyên kiểm tra chất lượng bữa ăn để đảm bảo sức khỏe cho nhân viên. Còn các nội dung khác như (nghỉ giữa ca 15 phút, quà vào dịp lễ tết, thêm thời gian nghỉ thai sản, tăng khẩu phần ăn, nghỉ phép bệnh không trừ chuyên cần…; Cty sẽ phối hợp với CĐCS thương lượng để đưa vào thỏa ước lao động tập thể và sẽ thực hiện những nội dung thương lượng được.

Đại tá Trần Tiến Đạt - Trưởng CA TP.Biên Hòa cho biết: Đang tiếp tục xử lý và sẽ làm hết trách nhiệm vụ xô xát giữa anh Nguyễn Thanh Hải, công tác tại CA tỉnh Đồng Nai với 4 CN khác khiến 4 CN này bị thương phải đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Theo xác minh ban đầu, ngày 26.2, anh Hải tham gia đảm bảo an ninh trật tự tại Cty Pouchen VN, xã Hóa An, TP.Biên Hòa, Đồng Nai đã xảy ra xô xát với công nhân làm 4 người bị thương nhẹ. Theo đại tá Đạt, sau khi có kết quả xử lý sẽ thông báo.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/cong-doan/dong-nai-hon-500-cong-nhan-ngung-viec-tap-the-yeu-cau-tang-luong-525049.bld