Đồng Nai dự tính di chuyển TTHC: Giới đầu tư rục rịch săn đất nền

Thông tin TP Biên Hòa đề nghị điều chỉnh quy hoạch, trong đó dự tính chuyển khu Trung tâm hành chính của tỉnh Đồng Nai về Khu công nghiệp Biên Hòa 1 đang khiến thị trường bất động sản (BĐS) trong khu vực có dấu hiệu... tăng nhiệt.

Thị trường nhộn nhịp

Thông tin TP Biên Hòa đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai cho điều chỉnh quy hoạch đã tạo ra những hiệu ứng đối với thị trường BĐS. Xung quanh các khu vực giáp ranh với TP Hồ Chí Minh như Biên Hòa, Nhơn Trạch, thậm chí là Long Thành "nở rộ" những văn phòng môi giới nhà đất.

Anh Nguyễn Việt Dũng, nhân viên một văn phòng môi giới nhà đất, có trụ sở trên Xa lộ Hà Nội, tuyến đường huyết mạch từ TP Hồ Chí Minh đi Biên Hòa (Đồng Nai) cho biết, trung bình mỗi ngày có hàng chục khách hàng từ TP Hồ Chí Minh đến văn phòng tìm hiểu mua đất khu vực giáp ranh TP Hồ Chí Minh.

Nhân viên môi giới đang tư vấn cho khách hàng tại dự án Long Hưng (Biên Hòa, Đồng Nai). Ảnh: Việt Tâm

Nhân viên môi giới đang tư vấn cho khách hàng tại dự án Long Hưng (Biên Hòa, Đồng Nai). Ảnh: Việt Tâm

Theo anh Dũng, khách hàng tìm hiểu về thị trường BĐS Đồng Nai thời gian qua phần lớn đều nhắm vào phân khúc đất nền và có thể chia làm 2 nhóm khá rõ rệt. Nhóm thứ nhất là những nhà đầu tư. Họ chủ yếu mua đất có diện tích lớn để phân lô, bán nền. Nhóm thứ hai là những người có nhu cầu ở thật. Họ tìm mua những lô đất dự án có diện tích chừng 60 - 70m2 với giá 500 - 600 triệu đồng/nền để xây nhà ở.

Tuy nhiên, thông tin về quy hoạch chỉ như "phụ gia" góp phần cho thị trường nhộn nhịp hơn và giá đất có khả năng sẽ tăng cao hơn so với trước. Bởi theo anh Dũng, không phải đến khi TP Biên Hòa đề nghị điều chỉnh quy hoạch, thị trường BĐS khu vực này mới trở nên nhộn nhịp. Thực tế, trong khoảng thời gian 2 tháng trở lại đây, nhu cầu mua đất tại Biên Hòa đã gia tăng khá mạnh.

Lợi thế từ hạ tầng

Theo Quy hoạch chung đã được phê duyệt từ năm 2010, TP Biên Hòa có 30 phường, xã chia thành 4 khu vực đô thị với 21 phân khu khác nhau. Cuối tháng 10/2016, TP Biên Hòa đề xuất tỉnh Đồng Nai cho điều chỉnh ranh giới trong một số phân khu cho phù hợp với tình hình phát triển chung, đồng thời giúp TP này thực hiện nhanh các dự án trọng điểm của tỉnh. Cụ thể, TP Biên Hòa đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai cho điều chỉnh quy hoạch tại 11 khu vực, trong đó, điều chỉnh lớn nhất là chuyển Trung tâm hành chính của tỉnh từ xã Tam Phước về Khu công nghiệp Biên Hòa 1.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân căn bản giúp thị trường BĐS Đồng Nai khởi sắc trong thời gian qua chính là nhờ yếu tố hạ tầng kết nối hoàn thiện.

Ông Nguyễn Thanh Lâm - Phó Giám đốc Sở Xây dựng kiêm Chủ tịch Hội BĐS Đồng Nai cho biết, từ đầu năm 2016, thị trường Đồng Nai đã có dấu hiệu khởi sắc ở những nơi có hạ tầng giao thông phát triển hoặc sắp được triển khai. Đồng thời, trong thời gian qua, BĐS Đồng Nai liên tiếp đón nhận những thông tin tốt đến từ hạ tầng, như việc Chính phủ chấp thuận chủ trương xây dựng cầu Cát Lái kết nối TP Hồ Chí Minh và Đồng Nai; Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh kiến nghị nối tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên đến TP Biên Hòa, và mới đây nhất là thông tin về việc Biên Hòa đề xuất tỉnh Đồng Nai cho phép điều chỉnh quy hoạch, di chuyển Trung tâm hành chính của tỉnh từ xã Tam Phước về Khu công nghiệp Biên Hòa 1... đã giúp thị trường BĐS Đồng Nai trở nên nhộn nhịp hơn. Trong đó, Biên Hòa trở thành tâm điểm, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Theo ông Trương Công Thắng - Trợ lý Tổng Giám đốc Tập đoàn Donaco.op (Đồng Nai), một nguyên nhân nữa khiến Biên Hòa trở thành "điểm nóng" của thị trường Đồng Nai là do khu vực này có lợi thế kết nối hạ tầng quá thuận lợi với TP Hồ Chí Minh, nhưng giá đất lại rẻ hơn rất nhiều. Chẳng hạn như giá đất Khu đô thị Kinh tế mở Long Hưng (TP Biên Hòa) hiện đang được giao dịch với giá từ 7 - 8 triệu đồng/m2. Trong khi đó, giá đất tại một số dự án tại khu vực giáp ranh thuộc TP Hồ Chí Minh (quận 9) đang ở mức 16 - 17 triệu đồng/m2.

Chị Thục Quyên, nhân viên môi giới tại dự án này cho biết, khách hàng chủ yếu đến từ các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP Hồ Chí Minh. "Trong bối cảnh giá đất tại TP Hồ Chí Minh dù đã ở mức khá cao nhưng vẫn đang cho thấy dấu hiệu tiếp tục tăng lên, thì việc nhiều người có nhu cầu về nhà ở tìm về các địa phương lân cận như Biên Hòa (Đồng Nai) hoặc Bình Dương để mua đất an cư hoặc đầu tư cũng là điều dễ hiểu" - chị Quyên nhận định.

Chuyên gia nhận định

Giãn dân là tất yếu, giá nhà đất sẽ tăng!

Khi nhu cầu ở và đầu tư tăng lên, nhiều khả năng trong thời gian tới, giá nhà đất tại các khu vực giáp ranh TP Hồ Chí Minh sẽ tăng lên. Đó là nhận định của bà Trần Thị Cẩm Tú - Tổng Giám đốc Công ty Exim Real Estate (EXIMRS).

Theo bà Tú, TP Hồ Chí Minh hiện có gần 13 triệu dân với khoảng 200.000 công chức, viên chức và hơn 20.000 hộ dân sống trong các khu nhà lụp xụp trên và ven kênh rạch hoặc trong các chung cư hư hỏng nặng. Mỗi năm TP có khoảng 50.000 cặp kết hôn mới.

Dưới góc độ kinh doanh, đây là yếu tố tiềm năng, nhưng đồng thời cũng là thách thức lớn nhất của thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh. Bởi nhu cầu nhà ở của người dân thực tế là rất lớn. Tuy nhiên, với giá nhà đất khá cao, việc tiếp cận nhà của các đối tượng này càng trở nên khó khăn hơn.

Trong bối cảnh giá nhà đất tại TP Hồ Chí Minh ngày một tăng cao, việc người dân "dạt" ra vùng ven như Biên Hòa (Đồng Nai), Dĩ An (Bình Dương) hay Đức Hòa (Long An) theo xu hướng giãn dân với mục đích "an cư" sẽ là tất yếu. Trong đó, với cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, cộng với việc phát triển công nghiệp trên 25 năm qua, Biên Hòa đang nắm giữ lợi thế hơn hẳn các khu vực khác.

Về nguyên tắc, khi nhu cầu ở và đầu tư tăng lên, nhiều khả năng giá nhà đất tại Biên Hòa sẽ tăng lên theo thời gian; trong đó, phân khúc đất nền sẽ chiếm lợi thế lớn nhất. Bởi theo quan niệm truyền thống, từ xưa đến nay, đất nền vẫn được nhà đầu tư và người mua nhà ưa chuộng do linh hoạt trong việc xây dựng. Hơn nữa, tâm lý nhiều người Việt cũng vẫn thích ở nhà riêng, đó là cơ hội của thị trường đất nền.

Gia Việt ghi

Việt Tâm

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/dong-nai-du-tinh-di-chuyen-tthc-gioi-dau-tu-ruc-rich-san-dat-nen-272363.html