Đồng Nai: Đánh cờ - Thú vui tao nhã ven sông Đồng Nai

Sau buổi tập thể dục dưỡng sinh, người ta sẽ lại thấy những đám đông bất chấp khoảng cách tuổi tác, cùng ngồi lại với nhau bên những bàn cờ lót vội dưới đất, thưởng thức không khí trong lành.

Từ xa xưa, thú chơi cờ tướng đã được coi là một thú chơi tao nhã và trí tuệ, vừa được tầng lớp quý tộc yêu thích, lại vừa rất gần gũi với người dân lao động. Ngày nay, thú chơi cờ cũng có nhiều thay đổi. Thay vì chơi cờ ở chốn trang viên, phòng trà thì người ta lại chọn những nơi vừa thoáng mát vừa có người qua lại đông vui để chơi.

Vào mỗi buổi sáng, hay buổi chiều, trên hè phố, chúng ta lại có thể bắt gặp những bàn cờ tướng với rất đông người xem. Cờ tướng giờ không chỉ còn là của 2 người mà mọi người đều có thể cùng tham gia. Người bàn ra, kẻ tán vào, người đứng, kẻ ngồi… ai cũng muốn mách nước cho người trong cuộc khiến không khí trên bàn cờ trở nên sôi động và kịch tính vô cùng. Đây cũng chính là một trong những yếu tố biến cờ tướng trở thành thói quen đối với nhiều người nhất là đối với người cao tuổi.

Những “bàn” cờ ven sông Đồng Nai ở TP. Biên Hòa này không chỉ riêng của 2 người. Họ tụ tập với nhau để bình phẩm, “mách” những nước cờ hay và bàn về những câu chuyện đời với nhau.

Ở TP. Biên Hòa, khu vực ven sông Đồng Nai, đường Nguyễn Văn Trị, mỗi buổi sáng, sau những bài tập thể dục sớm, có người tập dưỡng sinh, có người chạy bộ, đánh cầu, … người qua lại trên con đường này đều thấy những đám đông tụ tập ven sông, quây tròn quanh những “bàn” cờ tướng được trải vội dưới những bóng cây cao, cùng nhau bàn luận về những nước cờ, xen lẫn vào đó là những câu chuyện nhỏ của cuộc thường ngày, tất cả những hình ảnh đó đều làm nên hình ảnh một buổi sáng yên bình, đầy sức sống nơi chốn thị thành vội vã.

Có thể nói, thú chơi cờ tướng ven sông Đồng Nai của những cụ già, người trẻ ở đây đã trở thành một thói quen, một nếp sinh hoạt trở thành đặc trưng của người dân nơi đây. Dù là người già người trẻ, những ai có niềm đam mê với cờ tướng đều có thể đến đây, cùng tham gia chơi hoặc bàn luận với những người xung quanh khiến không khí lúc nào cũng rất sôi nổi.

Mỗi bàn cờ chỉ có hai người chơi, nhưng lại có rất nhiều người tụ tập, người thì quan sát nước đi, cách đánh, người thì bàn luận với nhau về thế cờ, có người lại mách nước cho người chơi, chỉ một bàn cờ nhưng lại có đủ các hoạt động, nhưng ai ai cũng giữ cho mình một tinh thần vui vẻ, thoải mái, không hề có ý ăn thua mà học hỏi nhau và thỏa mãn đam mê là chính.

Chơi cờ tướng không chỉ dành cho nam giới, mà nữ giới có đủ đam mê cũng có thể chơi, vì vậy, thỉnh thoảng trong những đám đông của bàn cờ lại thấy nổi bật lên một bóng hồng nào đó. Trong lịch sử chơi cờ Việt Nam cũng không hề thiếu các bậc nữ lưu, danh nhân nữ sĩ như Bà Huyện Thanh Quan, Đoàn Thị Điểm… họ đều là những tay cao thủ cờ tướng chứ không riêng gì bậc quân tử.

Cờ tướng mang trong mình nó sức hút kì lạ, khiến người ta say mê nó, luôn tìm tòi và học hỏi những biến hóa trong chơi cờ, bởi vậy mà có chuyện một nước cờ hay cũng có thể lưu danh muôn thuở, lưu truyền trong giới chơi cờ. Hay việc phá giải thế cờ khó của người khác cũng là một thách thức đối với người chơi.

Nước ta cũng có “Chuyện ở Bích Mai Trang” với ván cờ giữa chủ ngôi biệt thự này với một nữ kỳ thủ trẻ. Ván cờ giữa Cao Bá Quát và vua Tự Đức hay câu chuyện đánh cờ của Phạm Đình Trọng và Nguyễn Hữu Cầu… đều là những câu chuyện truyền kỳ. Người đánh cờ không chỉ đánh cờ bằng niềm vui, mà còn rút ra từ nó những triết lý nhân sinh đáng quý của đời người.

Chỉ cần 32 quân cờ với một bàn gỗ, hoặc một tờ giấy, thậm chí một vài ô gạch là chơi được. Cờ tướng dễ làm người chơi đam mê, vì với 32 quân, nhưng lại biến hóa thành hàng vạn nước đi. Dưới những tàng cây xanh rợp bóng, nắng sớm bên dòng sông Đồng Nai, những kỳ thủ không chuyên lại tụ tập cùng nhau bắt đầu một ván cờ. Không chỉ người "trong cuộc" mới hồi hộp và căng thẳng mà bên ngoài bàn đấu những "quân sư" cũng nát óc tìm hướng đi cho phe mình ủng hộ.

Một ván cờ tướng chỉ 2 người chơi nhưng nhiều khi xung quanh lại có 5,6 "quân sư" cùng bàn tán càng làm cho ván cờ thêm hấp dẫn. Không cần sân bãi cầu kỳ, những ván cờ vỉa hè lại đem đến cho người ta những niềm vui khó diễn tả, đó là sự thỏa mãn khi nghĩ ra một nước cờ mới, là niềm vui khi gặp được một đối thủ ngang tài, hay đơn giản chỉ là được xem một trận cờ hay cũng có thể làm người ta vui vẻ, tâm trạng phấn khởi ấy như là lời chào cho một buổi sáng với nắng mai trên tán lá.

Ngoài tham gia chơi cờ tướng hàng ngày, người cao tuổi đam mê bộ môn này khi nghe ở đâu có người có nước cờ hay, chơi cờ giỏi là các cụ tìm đến để được so tài, trao đổi kinh nghiệm, bàn luận chuyện nhân tình thế thái. Chơi cờ vừa là để giải trí, vừa để rèn tính, cho nên bộ môn này thu hút không ít thanh niên tham gia. Chơi cờ không những giúp người ta tu tâm dưỡng tính, mà còn góp phần giúp giới trẻ xa rời những tệ nạn, những thú chơi không lành mạnh. Giữa bàn cờ không phân tuổi tác, chỉ so kỳ nghệ, cho nên những cảnh tượng một già một trẻ ngồi cùng nhau bên bàn cờ đã không còn xa lạ.

Là môn giải trí mang tính trí tuệ và đượm vẻ tao nhã, không những rèn luyện trí óc cho người chơi cờ mà còn dạy người chơi cờ cách đối nhân xử thế, dạy cho họ biết Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí – Tín. Thú vui của cờ tướng của những cụ già, thanh niên trên đường Nguyễn Văn Thọ ven sông Đồng Nai đã trở thành một hình ảnh sinh hoạt lành mạnh của người dân nơi đây.

Mỗi buổi sáng, đi ngang qua những bàn cờ “người chơi thì ít, kẻ mách nước thì nhiều” ấy, bên cạnh những triết lý hay những câu chuyện đời thường, ẩn trong nó lại là một vẻ yên bình đến lạ của một vùng đô thị tấp nập.

Bảo Phương/KD&PL

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/dong-nai-danh-co-thu-vui-tao-nha-ven-song-dong-nai-p42418.html