Đồng Nai: 15 năm 'Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa'

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã hình thành phong trào thi đua rộng khắp, từng bước đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

Qua 15 năm triển khai thực hiện, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh Đồng Nai tích cực hưởng ứng. Từ đó đã hình thành phong trào thi đua rộng khắp, từng bước đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực, tệ nạn xã hội, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh, góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - trật tự trên địa bàn tỉnh.

Nhiều kết quả thiết thực

Ngày 31/8/2000, Đồng Nai đã tổ chức lễ phát động phong trào TDĐKXDĐSVH, ra mắt Ban chỉ đạo của tỉnh và ban hành quy chế, triển khai kế hoạch hoạt động. Để thực hiện có hiệu quả, Ban chỉ đạo của tỉnh đã thống nhất chia phong trào thành 7 chương trình do các ban, ngành liên quan trực tiếp làm chủ nhiệm.

Cụ thể, chương trình 1: “Cuộc vận động TDĐKXDĐSVH khu dân cư” do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh làm Chủ nhiệm; chương trình 2: “Xây dựng xã, phường làm tốt công tác phòng, chống ma túy, mại dâm” do Sở Lao động - thương binh và xã hội làm chủ nhiệm; chương trình 3: “Xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” do Liên đoàn Lao động tỉnh làm chủ nhiệm; chương trình 4: “Xây dựng gia đình văn hóa” và chương trình 5: “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” do Sở Văn hóa - thể thao và du lịch làm chủ nhiệm; chương trình 6: “Phát huy sáng kiến, sáng tạo trong học tập, lao động” do Sở Khoa học - công nghệ làm chủ nhiệm; Chương trình 7: “Xây dựng gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy làm chủ nhiệm.

Qua hơn 15 năm triển khai hoạt động, Ban chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh đã không ngừng nỗ lực, từng bước đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào. Đặc biệt phong trào đã từng bước đi vào chiều sâu, phát huy hiệu quả thiết thực, tránh được tính hình thức trong triển khai thực hiện. Có thể kể đến các phong trào tiêu biểu như xây dựng “Người tốt, việc tốt” góp phần hình thành nhân cách con người trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.

Cán bộ xã đến tận nhà truyền đạt tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa cho người dân.

Thông qua công tác tuyên truyền, vận động và triển khai thực hiện từ tỉnh đến cơ sở đã xuất hiện nhiều gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến trong các lĩnh vực đời sống xã hội. Cụ thể đã phát hiện và biểu dương hơn 40.000 tấm gương người tốt, việc tốt, tuyên dương 1.722 tấm gương người tốt, việc tốt tiêu biểu cấp tỉnh. Bên cạnh đó, phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa” hiệu quả đã góp phần nâng cao vai trò, vị trí gia đình trong xây dựng đời sống văn hóa. Khi phong trào bắt đầu được triển khai, toàn tỉnh chỉ có 59,07% hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, đến năm 2015 con số này đã đạt 98,44%.

Thông qua cuộc vận động “TDĐKXDĐSVH ở khu dân cư”, các chính sách giảm nghèo, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước dần đi vào cuộc sống bằng chương trình cho vay ưu đãi, trợ cấp khó khăn. Từ đó đã tạo điều kiện cho nhiều hộ thoát nghèo vươn lên làm kinh tế, nhiều khu dân cư đã xóa hộ đói, giảm hộ nghèo, trở thành khu dân cư văn hóa tiêu biểu nhiều năm liên tục. Đặc biệt với đặc trưng thu hút đông đảo công nhân lao động đến sinh sống và làm việc, chương trình “Xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” đã được quan tâm triển khai.

Nếu như năm 2001, toàn tỉnh có 205/540 cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa (đạt tỷ lệ 38%) thì đến năm 2015 đã có 1.656/1.659 cơ quan đơn vị hành chính nhà nước đạt chuẩn văn hóa và 611/830 doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, đạt tỷ lệ hơn 73,6%.

Để phong trào thực sự là nhu cầu xã hội

Một trong những dấu ấn rõ nét từ phong trào TDĐKXDĐSVH chính là việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Trong đó, việc xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở và các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng được duy trì và phát triển rộng khắp. Tính đến nay, 100% đơn vị cấp huyện trong tỉnh có Trung tâm Văn hóa - thể thao đi vào hoạt động ổn định; 117/171 đơn vị cấp xã có Trung tâm Văn hóa thể thao - học tập cộng đồng; 613/1.007 ấp, khu phố có Nhà văn hóa - khu thể thao ấp, có 11 nhà văn hóa dân tộc thiểu số trong toàn tỉnh.

Từ một xã có đời sống văn hóa nghèo nàn, người dân ít có điều kiện tiếp xúc các chương trình văn hóa, sinh hoạt cộng đồng, đến nay xã Xuân Thiện (huyện Thống Nhất) đã xây dựng được Trung tâm Văn hóa - thể thao học tập cộng đồng, Nhà văn hóa dân tộc Chơ Ro, các sân bóng đá, bóng chuyền, câu lạc bộ võ thuật, bóng bàn, khu vui chơi giải trí cho trẻ em... Sự đa dạng các thiết chế văn hóa thiết yếu cùng đời sống văn hóa tinh thần sôi nổi của người dân nơi đây là một trong những kết quả mà phong trào TDĐKXDĐSVH mang lại trong thời gian qua.

Là xã vùng sâu, vùng xa, thế nhưng các chương trình, phong trào xây dựng đời sống văn hóa đều được triển khai đầy đủ, dịch vụ văn hóa phong phú đáp ứng được nhu cầu vui chơi giải trí, sáng tạo văn hóa của người dân. Đặc biệt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số đã được quan tâm thực hiện thông qua việc duy trì các nghi thức, lễ hội truyền thống.

Việc thực hiện phong trào gắn với xây dựng và phát triển nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Xuân Lộc đã góp phần không nhỏ trong nâng cao đời sống văn hóa tinh thần người dân vùng nông thôn. Trong 7 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, toàn huyện đã xây dựng được 8 trung tâm văn hóa cộng đồng, 83/83 nhà văn hóa ấp được đầu tư xây mới và nâng cấp. Theo Chủ tịch UBND huyện Hồ Văn Hà, việc phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa cơ sở đã tạo điều kiện cho người dân tham gia các hoạt động vui chơi giải trí, thể thao, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng và sáng tạo văn hóa của người dân.

Nhiều Trung tâm văn hóa thể thao các xã đã thực hiện tốt việc kêu gọi đầu tư xã hội hóa kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể thao. Đây cũng là yếu tố quan trọng góp phần cùng địa phương thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới.

Được biết, đến hết năm 2015, chỉ tiêu gia đình văn hóa và ấp, khu phố văn hóa trong toàn tỉnh đều đạt và vượt so với chỉ tiêu đề ra, cao hơn bình quân chung của cả nước. Phó cục trưởng Cục Công tác phía Nam Bộ VH-TTDL Lê Duy Khánh đánh giá cao những kết quả mà phong trào đạt được trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đã có sự kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế từ hộ gia đình với việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, tạo động lực thúc đẩy phong trào phát triển sâu rộng và bền vững.

Ngoài ra, phong trào còn có tác động tích cực trong việc xây dựng nông thôn mới, phường, xã văn minh. Đặc biệt đã từng bước huy động được sức dân và toàn hệ thống chính trị, chính quyền cơ sở cùng tham gia giải quyết các vấn đề bức xúc về văn hóa - xã hội ở khu dân cư. Qua đó tạo chuyển biến tích cực, đem lại sự chủ động của người dân trong thực hiện trách nhiệm cá nhân xây dựng văn hóa cộng đồng. Tuy nhiên, trên thực tế phong trào vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế.

Nhiều địa phương còn chạy theo thành tích, phong trào mang nặng tính hình thức. Một số gia đình, khu phố, ấp được công nhận văn hóa nhưng tình hình an ninh trật tự chưa đảm bảo, bạo lực gia đình vẫn còn diễn ra. Do đó, Ban chỉ đạo phong trào các cấp cần tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức về ý nghĩa của phong trào để phong trào thực sự là nhu cầu của xã hội, người dân đóng vai trò chủ thể trong triển khai thực hiện. Đặc biệt chú trọng đẩy mạnh xã hội hóa xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, có giải pháp huy động nguồn lực đảm bảo điều kiện, nội dung hoạt động của các thiết chế văn hóa cơ sở gắn với nhu cầu văn hóa tinh thần ngày càng cao của người dân.

Nhóm PVMĐ/KD&PL

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/dong-nai-15-nam-toan-dan-doan-ket-xay-dung-doi-song-van-ho%cc%81a-p41691.html