Đồng mía lớn ở Sơn Hòa

Nhìn cánh đồng mía bạt ngàn ở huyện Sơn Hòa (Phú Yên), ít ai nghĩ rằng chủ sở hữu cánh đồng mía này chỉ một số người. Có người sở hữu đến 80-90 ha đất mía.

Ông Miên bên đồng mía cho năng suất cao nhờ cơ giới hóa SX

Để có được “sự thật” này, những người đứng đầu chính quyền huyện Sơn Hòa từ rất sớm đã biết nhìn xa trông rộng về chuyện tạo điều kiện cho nông dân tích tụ đất đai.

Gặp ông chủ đất tiên phong

Về huyện Sơn Hòa, nơi được mệnh danh thủ phủ cây mía ở tỉnh Phú Yên, tôi khó tin vào mắt mình khi được biết cánh đồng mía bạt ngàn trước mắt thuộc quyền sở hữu của chỉ một số người. Lòng thắc mắc: Từ khi nào ở vùng đất bán sơn địa này xuất hiện những người có ý thức tích tụ đất đai sớm đến vậy, nhất là trong bối cảnh nông nghiệp manh mún đang phủ trùm cả khu vực Duyên hải Nam Trung bộ?

Đi tìm lời giải, tôi diện kiến người tiên phong trong chuyện tích tụ đất đai ở đây, ông Đoàn Đắc Miên (67 tuổi) ở thôn Nguyên An, xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa.

Đã cận kề tuổi thất thập mà ông Miên vẫn đang điều hành sản xuất đến 14 ha đất chuyên trồng mía. Mà nào có phải dân bản địa, ông tha phương mãi từ Bắc Ninh vào đây, rồi làm giàu trên đất Phú Yên. Ông Miên kể: Năm 1984 ông vào làm ở Trạm máy kéo nông nghiệp Sơn Hòa. Dân miền Bắc vốn rất quý đất đai, lại định cư trên vùng đất đỏ bazan bạt ngàn đang còn hoang hóa, ông cứ tiếc thầm.

Những năm đầu của thập niên 90, ông Miên quyết định nghỉ việc ở trạm máy kéo, xin đất làm trang trại. Ông được chính quyền huyện Sơn Hòa gật đầu cái rụp, duyệt luôn cho ông vùng đất bạt ngàn, vốn trước đây là đất rẫy của đồng bào dân tộc thiểu số bỏ lại, đi du canh nơi khác.

“Từ Bắc Ninh tôi bỏ nghề cơ khí vào đây đâu phải để nối nghiệp cơ khí ở nơi đất khách quê người, lòng tôi đã nhắm tới những vùng đất mênh mông còn hoang hóa ở Sơn Hòa này. Tôi nghĩ, muốn làm giàu trên đất thì không thể canh tác manh mún. Khi tôi làm đơn xin 40 ha đất tại thôn Nguyên An làm trang trại, lãnh đạo xã và huyện duyệt ngay cả vùng rừng bạt ngàn. Hai vợ chồng bắt tay vào việc khai hoang vỡ hóa ngay”, ông Miên nhớ lại.

Mênh mông đồng mía ở huyện Sơn Hòa

Nhớ lại công cuộc khai hoang, ông Miên buông lời: “Không thể kể hết nỗi cơ cực. Đã nhờ 1 người bạn làm giám đốc xí nghiệp cơ giới ở huyện ủng hộ phương tiện cơ giới, nhưng phải cả năm vợ chồng tôi mới có được vùng đất bằng phẳng để trồng mía từ đó đến giờ”. Hiện nay, vùng đất vợ chồng ông Miên khai hoang đã chia bớt cho con cái, em út hết 30 ha, gia đình ông vẫn còn sở hữu 14 ha đã được chính quyền cấp sổ.

Sản xuất tập trung, mạnh dạn đầu tư

Càng gắn đời với cây mía, ông Miên nhận ra một điều: Muốn cây mía “đẻ” ra tiền, cần phải có mức đầu tư thỏa đáng. Để có nước tưới mía, ông Miên đầu tư trên 200 triệu đào 2 cái ao, thêm 200 triệu nữa xây bồn chứa trên cao nằm giữa đồng mía. Nước được đưa từ ao lên bồn, trong bồn luôn chứa sẵn lượng nước khoảng 2.800 lít. Từ bồn chứa có hệ thống tự xả nước vào ruộng mía. Nơi nào xa, từ 300 m trở lên thì cho máy bơm trung chuyển. Có hệ thống tưới, cây mía của ông Miên không bao giờ sợ hạn.

Mới đây, ông Miên đầu tư thêm gần 100 triệu mua hệ thống tưới nhỏ giọt để làm thí điểm trên 2 ha. “Sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt cái lợi đầu tiên là tiết kiệm được nước, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, sau đó là tiết kiệm được nhân công”, ông Miên nói.

Ông Miên còn là người đầu tiên ở Sơn Hòa dám đầu tư tiền tỷ để cơ giới hóa SX. Ông khoe: “Mới tháng 3 năm ngoái tôi đầu tư trên 1,5 tỷ đồng để tậu nguyên 1 giàn máy Kubota gồm 1 máy cày đa năng kèm bộ công cụ và 1 máy xới cỏ”.

Chiếc máy đa công dụng ông Miên mua 1,5 tỷ đồng

Chiếc máy ông Miên mới mua rất đa dụng. Sau khi làm đất bằng phẳng, chiếc máy tiếp tục làm nhiệm vụ trồng mía. Nó tự xẻ rãnh, cắt mía giống thả xuống rãnh, rồi bón phân, lấp rãnh. Khi máy vận hành, chỉ cần 3 người trên máy, 1 người lái và 2 người thả những đọt giống. Một ngày nó có thể trồng hoàn thiện trên 1 ha mía.

Ông Miên tính toán, từ ngày có máy, giá thành sản phẩm được giảm thấp hẳn. “Nếu như trước đây tôi thuê máy cày 1 ha đất phải mất 2 triệu đồng, giờ có máy này chỉ tốn 600.000đ tiền dầu. Trước đây thuê máy xới cỏ mất 800.000đ/ha, giờ chỉ còn tốn có 50.000đ tiền dầu”. Hiện nay, giàn máy của ông Miên ngoài phục vụ cho 14 ha mía nhà, còn phục vụ cho 30 ha mía của các con và anh em trong gia đình, nhưng vẫn chưa hết công suất. Lúc máy rảnh, ông cho những chủ mía trong vùng thuê máy.

Áp dụng công nghệ cao vào trồng mía, năng suất mía được nâng cao đáng kể. Nếu như hiện nay, năng suất mía bình quân ở huyện Sơn Hòa chỉ từ 50-60 tấn/ha thì đồng mía của ông Miên luôn đạt năng suất từ 110-140 tấn/ha/vụ. Năm nào giá mía xuống thấp lắm thì đồng mía của ông Miên vẫn cho lãi ròng 500 triệu đồng/12 ha.

Muốn đầu tư như ông Miên phải có nhiều đất để canh tác tập trung. Nhưng thời đó muốn tích tụ đất đai không phải dễ, nếu không có sự ủng hộ của chính quyền địa phương. Câu chuyện bộc bạch của ông Cao Minh Hòa, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Sơn Hòa, người từng có 2 nhiệm kỳ làm Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa (từ năm 2004 đến năm 2014) đã giải mã câu hỏi vì sao ở địa phương này có nhiều chủ đất lớn đến như vậy.

“Thật lòng mà nói, thời điểm ấy chúng tôi cũng ngại ra mặt ủng hộ chuyện nông dân tích tụ đất đai. Nhưng đặc thù của Sơn Hòa cây mía là cây kinh tế mũi nhọn, làm mía manh mún thì không lấy gì ăn, lại không đảm bảo nguyên liệu cung cấp cho nhà máy.

Do đó, nếu nông dân nào không làm nông nghiệp nữa, chuyển làm dịch vụ khác sang nhượng đất, những người có điều kiện làm nông nghiệp quy mô lớn mua lại đất để SX tập trung, đầu tư cơ giới hóa, chúng tôi vẫn tạo điều kiện thuận lợi để họ mua bán. Đến khi Luật Đất đai mở rộng thì cấp sổ cho họ. Hồi ấy chúng tôi chỉ nghiêm cấm những người lùng mua đất của những hộ nghèo, của đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, hiện nay ở Sơn Hòa có rất nhiều người đang sở hữu đến 60-70 ha đất”, ông Cao Minh Hòa kể.

“Hiện ở Sơn Hòa những chủ đất trẻ có người đang sở hữu đến 80-90 ha đất trồng mía. Họ mua có, thuê có. Nếu bây giờ mua thì đất có giá 300 triệu/ha, giá thuê đất từ 10-15 triệu/ha/năm. Ai cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy đường KCP khi mua đất được nhà máy cho vay hỗ trợ 50 triệu/ha, thu hồi nợ bằng sản phẩm, chính quyền hỗ trợ cho vay vốn”, ông Đoàn Đắc Miên cho hay.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/dong-mia-lon-o-son-hoa-post180841.html