"Động lực" thúc đẩy tăng trưởng GDP của VN từ 2008-2012

(DĐDN) - Theo một nghiên cứu được Moody’s Analytics – một công ty chuyên tư vấn và nghiên cứu kinh tế độc lập hàng đầu trên thế giới - thực hiện cho Visa - sự tăng trưởng trong việc sử dụng các sản phẩm thanh toán điện tử như thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ đã đóng góp 1,2 tỷ đôla (25 nghìn tỷ đồng) vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam.

Nghiên cứu trên 56 quốc gia (bao gồm Việt Nam), đại diện cho 93% GDP trên toàn cầu, kết luận: “Việc sử dụng thẻ giúp tăng tính hiệu quả, thúc đẩy nền kinh tế phát triển.”

Trên thế giới, ngành thanh toán điện tử đã đóng góp 983 tỷ đôla vào GDP của 56 quốc gia được nghiên cứu từ 2008 đến 2012. GDP tại những quốc gia này đã tăng trung bình 1,8% trong cùng khoảng thời gian.

“Với mức đóng góp 0,32% (tương đương với 1,2 tỷ đôla) vào GDP của Việt Nam nhờ sự gia tăng trong việc sử dụng thẻ, chúng ta không thể phủ nhận những lợi ích của ngành thanh toán điện tử tại đây, cũng như tầm quan trọng của việc duy trì một thị trường mở nhằm khuyến khích sự cạnh tranh và sáng tạo trong ngành. Qua các số liệu này, chúng tôi có thể thấy những tác động tích cực trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là kết quả trực tiếp của việc sử dụng thẻ, gắn liền với những lợi ích của thanh toán điện tử mang đến như tăng cường bảo mật, thuận tiện khi không cần sử dụng tiền mặt và tăng hiệu quả khi thanh toán,” Bà Lorijon Bacchi - Giám đốc Visa tại Việt Nam phát biểu.

“Mặc dù đây là một động thái tích cực, các nghiên cứu của Euromonitor lại chỉ ra rằng 92,4% tổng số các giao dịch trong năm 2011 được thực hiện bằng tiền mặt. Thêm vào đó, theo số liệu của Ngân hàng Thế Giới, 79% người dân Việt Nam không sử dụng tài khoản ngân hàng. Hãy thử tưởng tượng những lợi ích có thể mang lại cho nền kinh tế nếu chúng ta có thể khuyến khích họ sử dụng việc thanh toán điện tử.”

Bà Bacchi cho biết thêm: “Chúng tôi rất vui mừng trước những triển vọng phát triển ngành thanh toán điện tử tại Việt nam thông qua những sáng tạo và các giải pháp mới. Chúng tôi hi vọng được tiếp tục hợp tác với các doanh nghiệp trong nước, đối tác chính phủ và các tổ chức liên quan trong ngành để tiếp tục mở rộng và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong nước.”

“Dù trong bối cảnh kinh tế khó khăn, sự phát triển của thẻ thanh toán đã giúp tăng sức tiêu thụ của người tiêu dùng mà nhờ đó, đóng góp vào tăng trưởng GDP,” ông Mark Zandi - chuyên gia kinh tế tại Moody’s Analytics chia sẻ. “Mức tiêu thụ phát triển song song với việc các hình thức thanh toán điện tử đang trở nên ngày càng quen thuộc và dễ tiếp cận hơn đối với người tiêu dùng toàn cầu. Đồng thời, các kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng chính phủ cần áp dụng những chính sách khuyến khích chuyển đổi sang hình thức thanh toán điện tử hiệu quả và an toàn.”

Những điểm chính của nghiên cứu bao gồm:

Tăng trưởng kinh tế trong khu vực: Sự phát triển của thanh toán điện tử đã giúp tăng GDP xuyên suốt Châu Á Thái Bình Dương. Tại Nhật Bản, GDP tăng gần 25 tỷ đôla. Tại Indonesia, GDP tăng 6 tỷ đôla. Tại Thái Lan, sự phát triển của việc sử dụng thẻ đã đóng góp 2 tỷ đôla vào GDP của quốc gia này.

Giá trị của thanh toán điên tử: Nghiên cứu đã kết luận rằng sự gia tăng trong việc sử dụng thẻ tín dụng và ghi nợ giúp thúc đẩy các hoạt động kinh tế bằng cách giảm chi phí giao dịch và nâng cao hiệu quả cho dòng chảy sản phẩm và dịch vụ. Sự xuất hiện của thẻ tín dụng và ghi nợ đã giúp đỡ người tiêu dùng rất nhiều trong việc tối ưu hóa các quyết định tiêu dùng bởi tính bảo mật và khả năng tiếp cận các nguồn tiền gửi hay tín dụng nhanh chóng. Các điểm chấp nhận thẻ cũng được hưởng lợi từ việc giảm lượng tiền mặt trong hệ thống, loại bỏ gánh nặng và rủi ro liên quan đến việc giữ tiền mặt. Thêm vào đó, sự tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử và các phương thức thanh toán qua điện thoại di động cũng sẽ không thể phát triển nếu không có hệ thống thanh toán điện tử toàn cầu với khả năng chuyển tiền an toàn, dễ dàng và đảm bảo tới các điểm chấp nhận thẻ.

Tác động từ sự tăng trưởng của thị trường thẻ trong tương lai: Moody’s Analytics ước tính sức tiêu dùng hàng năm của 56 quốc gia được nghiên cứu sẽ tăng trung bình 0,056% với mỗi 1% tăng trưởng của việc sử dụng thẻ. Sử dụng số liệu ghi nhận tốc độ tăng trưởng thẻ thanh toán hiện nay và các hiệu ứng cộng (additive effects) trong việc tính toán GDP trong tương lai, Moody’s Analytics ước tính sức tiêu dùng sẽ tăng thêm 0,25% và GDP sẽ tăng thêm 0,16%.

Sự tăng trưởng của thị trường thẻ thúc đẩy phục hồi kinh tế: Từ năm 2008 đến 2012, GDP thực trên thế giới chỉ đạt trung bình 1,8%/năm. Nếu thị trường thẻ không phát triển, chỉ số này sẽ chỉ đạt mức 1,6%/năm. Sự tăng trưởng của thị trường thẻ là một yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, mà nếu thiếu nó thì nền kinh tế thế giới sẽ phục hồi chậm hơn rất nhiều sau cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu

Khảo sát này là phiên bản thứ hai được thực hiện sau một nghiên cứu được Moody’s Analytics thực hiện từ 2003 đến 2008.

Ngọc Nhi

Nguồn DĐDN: http://dddn.com.vn/20130408050344837cat7/dong-luc-thuc-day-tang-truong-gdp-cua-vn-tu-20082012.htm