Động lực lớn nhất thúc đẩy con người là đói, khát hay sợ hãi?

"Động lực thúc đẩy con người" đã được nghiên cứu bởi nhiều nhà khoa học trong nhiều thập kỉ qua. Tất cả nhằm tìm lời giải đáp cho câu hỏi: Điều gì khiến chúng ta có những hành động và cách thức ứng xử khác nhau?

Tác giả Michael J. Krashes và các đồng nghiệp tại Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ vừa công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí Neuron. Nghiên cứu này chỉ ra động lực, ở khía cạnh nào đó, là nguyên nhân của hành động lựa chọn cái này thay vì cái khác.

Thập niên 1940, nhà tâm lý học người Mỹ H. Abraham Maslow đã tạo ra tháp nhu cầu gồm 5 nhu cầu: nhu cầu thể lý, nhu cầu an toàn, nhu cầu được giao lưu tình cảm, nhu cần được kính trọng và nhu cầu tự thể hiển bản thân. Trong những năm qua, các nhà nghiên cứu đồng thời công nhận và chỉ trích, thậm chí khuếch đại lý thuyết của Maslow. Vậy giữa đói, khát và lo lắng, điều gì tạo nên nhiều động lực nhất?

Tháp nhu cầu của Maslow

Trong trường hợp vừa đói vừa khát, chuột chọn thức ăn

Theo Krashes, các nghiên cứu hiện nay đều tiến hành trong điều kiện kiểm soát chặt chẽ và tập trung vào một trạng thái hoạt động nhất định, khiến cho việc xác định trạng thái nào nổi bật hơn trở nên khó khăn.

Để giải quyết vấn đề này, Krashes tiến hành một loạt nghiên cứu với loài chuột, lần lượt để chuột trong các trạng thái đói, khát, sợ hãi, lo lắng và thiếu các nhu cầu xã hội. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng optogenetics - kỹ thuật dùng ánh sáng kiểm soát tế bào, đặc biệt là tế bào thần kinh agouti-related peptide (AgRP).

Agouti-related peptide (AgRP) là tế bào thần kinh quan trọng nằm dưới vùng đồi não để điều chỉnh cảm giác thèm ăn.

Nhóm chuột thứ nhất bị bỏ đói suốt 24 giờ hoặc kích hoạt tế bào thần kinh AgRP để có cảm giác đói, chúng cũng bị bỏ khát trong nhiều giờ liền. Nhóm 2 chỉ bị bỏ khát. Khi được chọn giữa thức ăn và nước uống, tất cả nhóm 1 chọn thức ăn trong khi nhóm 2 chỉ uống nước. Điều này chứng tỏ đói tạo ra động lực thúc đẩy hơn cả khát.

Vượt qua sợ hãi khi phải đối mặt với đói

Trong một thí nghiệm khác, các nhà nghiên cứu tiếp tục kích hoạt tế bào AgRP để gây đói cho chuột. Đồng thời, họ thả chuột vào môi trường có hóa chất mùi thơm gây lo lắng và sợ hãi cho động vật gặm nhấm. Khi thức ăn được đặt trong buồng bên cạnh, những con chuột đói đã vượt qua nỗi sợ để có được thức ăn. Những con không đói chọn ở lại khu vực “an toàn”. Điều thú vị là càng tới gần thức ăn, hoạt động của AgRP càng tăng lên, chứng tỏ tế bào thần kinh phản ứng với sự cạnh tranh cho nhu cầu thực phẩm.

Như vậy, đói tiếp tục vượt qua sợ hãi trong việc thúc đẩy động lực của sinh vật. Điều này cũng gián tiếp giải thích cho cách thức động vật và con người tiến hóa.

Hiệu quả điều trị béo phì có thể được nâng cao

Tờ Medical News Today đã có cuộc trao đổi với Krashes về sự liên quan giữa nghiên cứu của ông với điều trị béo phì bởi các tế bào thần kinh có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh lượng thức ăn ăn vào và trọng lượng cân bằng của cơ thể

Nghiên cứu của Krashes có thể tạo ra hy vọng mới cho điều trị béo phì

Krashes sẽ tiếp tục thực hiện thí nghiệm nghiên cứu hành vi tìm kiếm thức ăn khi đói. “Cụ thể, chúng tôi muốn xác định hành vi tìm kiếm thức ăn bị ảnh hưởng như thế nào bởi cấu trúc xã hội, khoảng cách địa lý, kẻ thù và khát trên nhiều động vật để tăng độ chính xác của nghiên cứu” - ông chia sẻ.

Bạn đọc có thể tham khảo thông tin chi tiết tại mục Thế giới

Kim Tiến

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/dong-luc-lon-nhat-thuc-day-con-nguoi-la-doi-khat-hay-so-hai-d47430.html