Đồng hành cùng nhà nông

Những năm qua Phân viện Thú y miền Trung (đóng tại TP Nha Trang, Khánh Hòa) đã luôn tìm tòi, nghiên cứu ra các loại vacxin mới góp phần phòng chống các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và thủy hải sản để trở thành địa chỉ tin cậy của nông dân.

Dây chuyền sản xuất vacxin mới được đưa vào hoạt động

Phân viện có chức năng nhiệm vụ nghiên cứu khoa học phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh động vật nuôi, các loài thủy hải sản; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học và xử lý môi trường; chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ; thực hiện các dịch vụ thú y và chăn nuôi, tham gia đào tạo nguồn nhân lực về thú y; chẩn đoán bệnh động vật trong khu vực miền Trung, Tây Nguyên; sản xuất các loại vacxin, chế phẩm sinh học và thuốc thú y.

Phân viện từ đơn vị bao cấp sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo quy định của Chính phủ. Qua 40 năm xây dựng và phát triển, từ ngày đầu thành lập trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, song với tinh thần đoàn kết, khắc phục khó khăn, nỗ lực bền bỉ không ngừng của tập thể các thế hệ lãnh đạo và CBCNV, Phân viện đã vượt qua thách thức và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Phân viện Thú y miền Trung có trên 100 cán bộ nhân viên được đào tạo trong và ngoài nước, trong đó có 26 tiến sĩ, thạc sĩ, 29 cử nhân có trình độ chuyên môn cao. Hệ thống tổ chức chuyên môn, nghiên cứu khoa học, dây chuyền sản xuất - kinh doanh chính quy, nhiều trang thiết bị hiện đại; hệ thống quản lý phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn ISO 17025, được công nhận Phòng Thí nghiệm An toàn sinh học cấp độ II.

Từ nguồn ngân sách nhà nước cấp và vốn huy động, Phân viện đã đầu tư triển khai dự án “Xây dựng cơ sở sản xuất thực nghiệm vacxin công nghệ cao” với tổng kinh phí đầu tư trên 90 tỷ đồng dự kiến được đưa vào sử dụng trong năm 2016.

Chỉ tính từ năm 2011 - 2015, Phân viện đã triển khai thực hiện gần 20 đề tài, dự án hợp tác nghiên cứu khoa học thuộc cấp Nhà nước, cấp Bộ và cấp cơ sở, nhiều kết quả nghiên cứu khoa học đã được ứng dụng trong sản xuất tạo ra sản phẩm mới, góp phần đáp ứng những đòi hỏi cấp bách của thực tiễn phòng chống dịch bệnh tại các địa phương, có sức cạnh tranh trên thị trường.

Các quy trình phòng, trị dịch bệnh tổng hợp được nghiên cứu, triển khai áp dụng tại các trang trại, hộ chăn nuôi đảm bảo an toàn cho vật nuôi, góp phần đắc lực khắc phục tình hình dịch bệnh xảy ra trong khu vực, như bệnh Coryza ở gà, cầu trùng bê, cúm H5N1 trên gia cầm, tai xanh trên lợn…

Nhiều công trình nghiên cứu của Phân viện đã được công bố tại các hội thảo khoa học và được đăng tải trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trong và ngoài nước.

Kiểm tra đánh giá chất lượng vacxin trong phòng thí nghiệm

Với tổng số hàng chục sản phẩm vacxin và sinh phẩm thú y các loại, trong đó có 12 sản phẩm vacxin của Phân viện đạt Cúp vàng Nông nghiệp Việt Nam, 2 sản phẩm đạt giải “Bông lúa vàng VN 2015“ đã có mặt trên hầu hết các tỉnh thành trong cả nước. Đáp ứng kịp thời nhu cầu phòng chống bệnh và tạo thuận lợi cho người chăn nuôi. Điển hình là vacxin đa giá tiêm một mũi phòng 2 -3 bệnh đỏ cho lợn, vacxin Lasota chịu nhiệt dễ bảo quản, vận chuyển đến các vùng sâu, vùng xa; các sản phẩm mới như vacxin E. coli phù đầu, vacxin tụ huyết trùng dê, cừu...

Sản phẩm vacxin kép Tụ huyết trùng và Đóng dấu lợn nhược độc đông khô đã đoạt Giải “Bông lúa vàng VN 2015” và giải Nhất hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc (Giải thưởng Vifotec) lần thứ 13 (năm 2014 - 2015). Phòng Chẩn đoán Bệnh động vật của Phân viện tham gia với Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương giải trình tự bộ gene của virus H5N1.

Đặc biệt, Phân viện đã tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và sản xuất, hợp tác với Công ty MJ Biologics (Mỹ) sản xuất thử nghiệm vacxin phòng bệnh tai xanh ở lợn. Đồng thời, Phân viện đã thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ thú y; tập huấn, chuyển giao kỹ thuật phòng chống dịch bệnh cho các hộ chăn nuôi; tham gia tư vấn về kỹ thuật thú y trên một số đảo ở quần đảo Trường Sa và làm công tác xã hội hàng trăm triệu đồng.

TS Nguyễn Đức Tân, Giám đốc Phân viện Thú y miền Trung cho biết: "Con đường chúng tôi đang đi là đúng hướng, góp phần vào sự phát triển chung của ngành nông nghiệp nước ta. Phân viện không chỉ phát triển thành công trong nghiên cứu khoa học, mà còn khẳng định thương hiệu. Niềm vui lớn nhất của chúng tôi là đã được người nông dân tin tưởng vào sản phẩm của mình".

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/dong-hanh-cung-nha-nong-post176142.html