Đồng hành chiến lược

Bộ trưởng Quốc phòng hai nước Pháp và Đức vừa có chuyến thị sát khu vực Sahel của châu Phi, nơi được coi là một “điểm nóng khủng bố”. Động thái này cho thấy, hai quốc gia chủ chốt của châu Âu đang khẳng định quyết tâm phối hợp nhằm hỗ trợ lực lượng quân sự đa quốc gia của nhóm năm nước Sahel trong cuộc chiến chống phiến quân Hồi giáo.

Đồng hành cùng Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly trong chuyến công du khu vực Sahel của châu Phi, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen tham gia hai chặng dừng chân tại Niger và Mali, nhằm thể hiện sự ủng hộ chung của hai cường quốc châu Âu trong việc cung cấp thiết bị quân sự và huấn luyện cho lực lượng G5. Chuyến thăm này diễn ra trong bối cảnh Đức tuyên bố ủng hộ Pháp kêu gọi các đối tác châu Âu và quốc tế hỗ trợ tài chính, thiết bị quân sự để sớm đưa lực lượng đa quốc gia của Sahel (G5 Sahel) đi vào hoạt động khi tình hình an ninh tại khu vực này đang “nóng” lên từng ngày. Ngoài Pháp và Đức, lực lượng G5 Sahel cần sự hỗ trợ từ các đồng minh châu Âu khác, như Italy, Tây Ban Nha. Paris và Berlin cũng công bố kế hoạch tổ chức hội nghị kêu gọi tài trợ vào tháng 9 tới tại Berlin (Đức) nhằm huy động khoản tài chính 400 đến 500 triệu euro/năm. Liên hiệp châu Âu (EU) mới đây cam kết tài trợ khoảng 50 triệu euro trong khi Pháp tuyên bố đóng tám triệu euro trong năm nay cho hoạt động của các lực lượng ở Sahel.

Chuyến công tác chung của hai Bộ trưởng Quốc phòng thể hiện rõ mục tiêu tăng cường hợp tác quốc phòng - an ninh giữa Đức và Pháp kể từ khi Tổng thống Emmanuel Macron chính thức bước vào điện Élyseé hồi tháng 5 vừa qua. Pháp coi Sahel là "cái nôi" của phiến quân và các tổ chức buôn lậu, gây ra nhiều nguy cơ tiềm tàng đối với châu Âu.

Là quốc gia đầu tàu châu Âu, Đức cũng là “điểm đến” của nhiều người di cư châu Phi. Với số dân có nguồn gốc nhập cư ở Đức đạt mức kỷ lục trong năm 2016, mối đe dọa từ các phần tử Hồi giáo trà trộn trong dòng người nhập cư vào Đức đang khiến Berlin đau đầu. Bởi thế, sử dụng một lực lượng ngay trên địa bàn Sahel để trấn áp mối đe dọa khủng bố là lựa chọn được cả Đức và Pháp ủng hộ, trong bối cảnh việc can thiệp quân sự sâu hơn của châu Âu vào khu vực này không khả thi.

Lực lượng G5 Sahel, gồm binh sĩ từ các quốc gia Mali, Mauritania, Burkina Faso, Niger và CH Chad, đang được xem là hy vọng lớn nhất với khu vực Tây Phi trong cuộc chiến chống phiến quân. Giới quan sát nhận định, với nhiệm vụ chính là đấu tranh chống các nhóm Hồi giáo cực đoan và tổ chức tội phạm xuyên quốc gia đang hoành hành tại khu vực sa mạc Sahara rộng lớn, lực lượng này sẽ tạo thuận lợi để Pháp dần rút khoảng 4.000 binh sĩ của mình hiện đóng tại khu vực.

Những năm qua, khu vực Sahel rộng lớn và khô hạn trở thành chiến trường đẫm máu của các nhóm thánh chiến, trong đó một số nhóm có liên hệ mạng lưới khủng bố al-Qaeda và tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS). Nhiều nước châu Âu, nhất là Pháp, lo ngại rằng, nếu không được kiểm soát chặt chẽ, các nhóm này có thể đe dọa an ninh khu vực. Tháng 3 vừa qua, nhóm G5 Sahel thông qua kế hoạch thành lập lực lượng chung 5.000 binh sĩ, sau đó đã quyết định tăng gấp đôi số binh sĩ, do địa bàn hoạt động rộng. Lực lượng này sẽ phối hợp phái đoàn gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Mali và lực lượng Pháp làm nhiệm vụ chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia và nhập cư bất hợp pháp tại khu vực.

Kế hoạch triển khai lực lượng đa quốc gia G5 Sahel đã giành được sự ủng hộ tuyệt đối của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Cơ quan này đã thông qua nghị quyết cho phép lực lượng đặc nhiệm sử dụng “mọi biện pháp cần thiết” để lập lại hòa bình và an ninh tại khu vực Sahel. Đây là một thay đổi bất ngờ, bởi trước đây Mỹ từng phản đối dự thảo nghị quyết do Pháp đệ trình về vấn đề này. Washington coi đây là “một sứ mệnh quá lớn và thiếu chính xác”. Bởi thế, việc Mỹ ủng hộ việc thông qua nghị quyết nêu trên cho thấy tính cấp bách của vấn đề, khi bảo đảm an ninh cho khu vực Sahel không thể chậm trễ. Và Pháp hy vọng Mỹ sẽ có những hỗ trợ cụ thể cho khu vực này.

Sự ổn định và phát triển của khu vực Sahel mang tính quyết định không chỉ với châu Phi, mà với cả châu Âu. Những chuyến thăm liên tục diễn ra gần đây của các nhà lãnh đạo châu Âu tới các nước vùng Sahel cho thấy chiến lược “một mũi tên trúng hai đích”, vừa giúp các cường quốc mở rộng ảnh hưởng, vừa hạn chế mối đe dọa an ninh cho “lục địa già” từ khu vực Sahel nằm cách không xa châu Âu.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/item/33663602-dong-hanh-chien-luoc.html