Đóng gói sản phẩm cloud: Sự hoang mang của các ông trùm công nghệ

Cặp vợ chồng Diane Green và Mendel Rosenblum, những nhà sáng lập chính của VMware, chắc hẳn không thể ngờ rằng phát minh đơn giản đầu tiên của họ về việc tận dụng một cách hiệu quả các nguồn lực dư thừa trên máy tính x86 lại có thể định hướng sự phát triển ngành CNTT trên thế giới 20 năm sau.

Phát minh quan trọng có thể nói là bậc nhất trong ngành CNTT thế giới cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21 đã dẫn đến sự bùng nổ về cái gọi là đám mây (cloud) hay điện toán đám mây (cloud computing), và điện toán đám mây đã thay đổi thế giới CNTT một cách ngoạn mục. Từ khi có VMware, doanh số phần cứng và thiết bị của các ông lớn công nghệ như IBM, Oracle, HP… bị sụt giảm một cách nghiêm trọng. Dù không thích thú gì, các ông lớn vẫn phải bắt tay với VMware để hợp tác cùng chia sẻ lợi ích nếu không muốn bị gạt ra khỏi cuộc chơi đầy chất “công nghệ” này. VMware đã nhanh chóng thống lĩnh thị trường đám mây với thị phần có lúc lên đến xấp xỉ 90% và giá trị vốn hóa lên đến hàng chục tỷ USD.

Sự phát triển của VMware, ở một khía cạnh khác cũng đã khơi mào cho sự phát triển như nấm sau mưa của các phần mềm ảo hóa và điện toán đám mây khác, đa phần là nguồn mở (open source), với một mức chi phí hết sức hợp lý. Sự hợp lý này đã dẫn đến một làn sóng phát triển khác cũng không kém phần sôi nổi: các nhà cung cấp dịch vụ đám mây (cloud service provider- CSP). Google, Amazon Web Services, Rackspace, Softlayer, Microsoft Azure… là những cái tên đi đầu và theo sau đó là một danh sách dài dằng dặc các nhà cung cấp dịch vụ có quy mô nhỏ hơn và giá cả cũng hợp lý hơn. Từ chỗ khách hàng có thêm lựa chọn sử dụng dịch vụ thay vì đầu tư xây dựng hạ tầng và ứng dụng, các nhà cung cấp dịch vụ dần dần leo lên vị trí dẫn dắt sự phát triển của ngành CNTT thế giới.

Trước đây, IBM, HP, Oracle thường xuyên là đối thủ của nhau, thì bây giờ, họ đã có một đối thủ mới: cloud services provider (CSP) – nhà cung cấp dịch vụ đám mây. Lý do tại sao các CSP lại có thể đưa ra dịch vụ cực nhanh với mức chi phí vô cùng hợp lý là bởi công thức: Thiết bị phần cứng OEM + Phần mềm nguồn mở, với sự hỗ trợ đắc lực của đường truyền internet ngày càng nhanh và ổn định. Thiết bị phần cứng OEM quá rẻ và sẵn đến mức, hỏng thì vứt, lắp cái khác vào thay ngay nên những khái niệm RPO/RTO không còn là độc quyền của các ông lớn nữa . Do vậy theo Cisco thì lưu lượng dữ liệu di động sẽ tăng trưởng gấp 10 lần vào khoảng 366,8 exabyte vào năm 2020, tương đương với 81000000000000 ảnh Instagram, hay 7 nghìn tỷ clip YouTube. Nên nếu không có các CSP thì chắc không doanh nghiệp hay tổ chức nào có thể đủ tiền và sức người để quản trị được khối dữ liệu khủng khiếp đó một cách hiệu quả. Vị trí CIO đến lúc đó chắc chỉ ngồi ôm đống dữ liệu thô nhiều nhất vài chục đến vài trăm tetra bytes mà thôi, còn lại phải đem đi “gửi” trên “đám mây” hết.

Sự hoang mang được báo trước của các hãng công nghệ già cỗi trước làn sóng dịch vụ cloud thể hiện rất rõ nét trong thời gian gần đây khi các hãng này liên tiếp thi nhau tung ra các sản phẩm có thể gọi nôm na là “deliver cloud in a box”. HP có ConvergeSystem, Cisco sau khi rút ra khỏi liên doanh VCE với EMC thì cũng nhanh chóng “túm” lấy IBM, Oracle cũng có sản phẩm tương tự, và mới đây nhất, VCE với các cổ đông chính là VMware và EMC cũng đã tung ra thị trường sản phẩm VxRail, với phương châm “start small, grow fast”. Mức giá của sản phẩm này, theo lời của đại diện EMC tại Việt Nam, rẻ chỉ bằng từ 30-50% so với các sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh đã chào ra thị trường trước đó.

Về bản chất, đây không phải là sự đột phá về mặt công nghệ. Thành phần cũng như tính năng của các box này không khác gì trước, mà chỉ là quy mô giảm đi nhỏ gọn hơn để chi phí đầu tư ban đầu được hạ xuống tối đa, hòng cạnh tranh với các CSP ở trong phân khúc khách hàng SME (vốn chiếm đa số thị trường). Có thể thấy, các hãng công nghệ lớn giờ đang nỗ lực để B2C hóa thị trường B2B trước sự đe dọa của các CSP. Phương châm “start small, grow fast” là thông điệp truyền thông của các CSP đối với khách hàng của họ, và bây giờ các công ty công nghệ cũng copy lại.

Dùng sở đoản để đọ lại sở trường, chưa rõ là việc cạnh tranh “ngược” giữa các hãng công nghệ với các nhà cung cấp dịch vụ đám mây sẽ ngã ngũ ra sao, nhưng, với tư cách là người sử dụng, những doanh nghiệp sẽ là những người được hưởng lợi vì chi phí cho IT sẽ càng ngày càng trở nên rẻ hơn.

Còn tương lai của các hãng công nghệ như IBM, HP, Oracle, Dell-EMC…? Trong vòng 10 năm tới, họ sẽ trở thành nhà cung cấp dịch vụ. Vì biết làm gì với đống phần cứng đang chất đầy trong kho. Ta cùng chờ xem.

Đỗ Doãn Quý (TGĐ MVV Technologies)

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/cntt/dong-goi-san-pham-cloud-su-hoang-mang-cua-cac-ong-trum-cong-nghe-137389.ict