Đồng đội của tôi trong phái bộ LHQ đã có người hy sinh

Áp tải hàng trên sông Nil trắng bị cả 2 bên bờ nã đạn, may là không bị thương vong, nhưng 2 bên thành phà chi chít lỗ đạn. Đồng đội của tôi trong phái bộ LHQ đã có người hy sinh.

Đồng đội của tôi trong phái bộ LHQ đã có người hy sinh

Mặc dù không còn xa lạ tại các vùng xung đột và bất ổn trên thế giới, nhưng tại Việt Nam, hình ảnh của những người lính "mũ nồi xanh" lại khá mới lạ và còn nhiều điều thú vị mà ít người biết đến. Đặc biệt, đây lại là những người lính cụ Hồ mang trong mình dòng máu Việt.

Sau những sĩ quan đầu tiên tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình (GGHB) Liên hợp quốc mà Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam triển khai, hiện nay chúng ta đang có kế hoạch tăng cường các lực lượng y tế và công binh để hỗ trợ các vùng bất ổn và tái thiết hòa bình tại đây.

Mặc dù vậy, đây vẫn còn là lĩnh vực mới mẻ của quân đội ta, và nhiều người Việt Nam vẫn đặt câu hỏi rằng những người lính của chúng ta đang làm công việc gì tại đó và cuộc sống của họ như thế nào, có gì khác so với làm nhiệm vụ ở quê nhà không?

Hoạt động GGHB của LHQ đã và đang đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh quốc tế tiếp tục có những diễn biến phức tạp, với các cuộc xung đột xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới.

Trong bối cảnh đó, tiếp sau việc cử các sỹ quan đầu tiên tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ, cuối tháng 9/2015, trong chuyến công tác tại LHQ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tuyên bố Việt Nam sẽ tiếp tục và mở rộng việc tham gia vào sứ mệnh GGHB quốc tế của Liên Hợp Quốc.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh trong buổi lễ bàn giao nhiệm vụ các sĩ quan chuẩn bị lên đường đến Cộng Hòa Trung Phi.

Đây là sự phối hợp đa dạng các hoạt động từ lĩnh vực dân sự tới quân sự giữa các nước, giữa các tổ chức quốc tế; là cách giúp giải quyết nhiều cuộc xung đột giữa các quốc gia; góp phần kiềm chế xung đột tiềm tàng có thể dẫn đến đối đầu quân sự trực tiếp giữa các nước lớn; hỗ trợ quá trình phi thực dân hóa và chấm dứt một số cuộc nội chiến kéo dài; hồi hương, tái định cư hàng triệu người tị nạn.

Những người lính "mũ nồi xanh" là ai, họ chính là những người lính, những cảnh sát dân sự, các bác sĩ, kỹ sư hoặc quan sát viên quân sự. Nhiệm vụ của họ là bảo vệ thường dân; tuần tra, giám sát việc chấp hành lệnh ngừng bắn giữa các bên xung đột, rà phá bom mìn, chất nổ, huấn luyện cảnh sát quốc tế, hỗ trợ xây dựng hệ thống tư pháp...

Bắt đầu từ năm 1948, hiện nay hoạt động GGHB duy trì gần 70 phái bộ GGHB Liên hợp quốc được thành lập. Hiện nay, gần 120.000 người lính mũ nồi xanh đã có mặt tại 17 điểm GGHB trên toàn giới.

Đối với lực lượng GGHB LHQ, nếu như trước đây, ta thấy rõ xu hướng là đóng góp các sĩ quan quan sát viên hoặc thiết lập vùng đệm hòa bình. Sau gần 70 năm, xu hướng hiện tại của lực lượng gìn giữ hòa bình là đa chiều: Cùng với quan sát viên tạo vùng đệm hòa bình thì thêm trách nhiệm bảo vệ dân thường trong vùng xung đột, xây dựng hòa bình và bảo vệ các phái bộ của LHQ đang làm nhiệm vụ tại vùng xung đột.

Trung tá Mạc Đức Trọng và Trung tá Trần Nam Ngạn là 2 sỹ quan đầu tiên của Việt Nam tham gia phái bộ GGHB của Liên Hợp Quốc tại Nam Xu-đăng từ tháng 06/2014.

Nhiệm vụ của các sỹ quan Việt Nam là làm đầu mối liên lạc giúp phái bộ LHQ và chính quyền sở tại, các phe phái chính trị, quân sự, các cơ quan cũng như các tổ chức quốc tế liên hệ với nhau; tham gia đàm phán ngăn ngừa các cuộc đụng độ vũ trang, đảm bảo an toàn cho hoạt động phân phối hàng cứu trợ nhân đạo, cứu giúp dân thường.

Giờ nghỉ trưa giản dị bên các đồng nghiệp quốc tế của Trung tá Mạc ĐứcTrọng - sĩ quan liên lạc tại Phái bộ GGHB LHQ ở Nam Sudan.

"Là một trong hai người được lựa chọn đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình thế giới, tôi vừa tự hào, vừa cảm nhận được trọng trách nặng nề. Bởi chúng tôi không chỉ phải hoàn thành nhiệm vụ với Liên Hợp Quốc, mà còn phải làm tốt nhiệm vụ đối với quân đội, với đất nước", trung tá Trận Nam Ngạn chia sẻ.

Tốt nghiệp Học viện Khoa học quân sự và công tác ở Viện Quan hệ Quốc tế về quốc phòng, Trung tá Mạc Đức Trọng (43 tuổi) cũng tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình này. Từng được chọn đi học Trường Lục quân ở Ấn Độ, trung tá Trọng về nước, tham gia tổ chức nhiều sự kiện đối ngoại của Bộ Quốc phòng.

Năm 2005, anh tham gia khóa đào tạo quan sát viên quân sự Liên Hợp Quốc tại Australia. Ở đó, anh được huấn luyện kỹ năng đàm phán, kỹ năng sinh tồn... Sau khóa học, anh lại được tham gia khóa hỗ trợ về GGHB của Anh, rồi khóa đào tạo giảng viên GGHB ở Mông Cổ.

"Với kinh nghiệm công tác nhiều năm, chúng tôi tự tin mình sẽ làm tốt", hai sĩ quan biểu lộ quyết tâm trước khi lên đường nhận nhiệm vụ.

"Xông pha tại thực địa"

Các địa bàn mà quân đội chúng ta hoạt động thường là ở địa bàn nóng, có giao tranh, xung đột, vì vậy ngoài việc hoàn thành tốt nhiệm vụ, một yêu cầu nữa được đặt ra là bảo đảm an toàn cho các sĩ quan này.

Trên cương vị là đơn vị quản lý các lực lượng ở ngoài lãnh thổ VN, Trung tâm Gìn giữ Hòa bình Việt Nam phải báo cáo thường xuyên lên Bộ Quốc phòng hàng tuần và báo cáo qua Cục tác chiến mặc dù đây không phải là chiến trường.

Đồng thời, hàng tháng phải báo cáo lên đồng chí tổng tham mưu trưởng và thủ trưởng Bộ Quốc phòng về hoạt động của lực lượng ta ở địa bàn.

Về phía trung tâm, các đồng chí được yêu cầu đều phải báo cáo hàng ngày vào 16h về tình hình hoạt động trong ngày. Khi mà địa bàn có dấu hiệu mất an toàn thì ngay lập tức,phía Trung tâm có những biện pháp phù hợp.

Chẳng hạn như trong giai đoạn vừa qua, tình hình ở Cộng hòa Trung Phi có nóng lên sau khi xảy ra các vụ bắn nhau, bắt cóc gây ra thương vong trong phái bộ. Nguyên nhân chủ yếu là do lực lượng quân sự của các phái bộ do bất đồng mà họ xung đột với nhau.

Nguy cơ mất an toàn luôn rình rập nếu như các cán bộ ta không chấp hành đúng quy định của LHQ. Ví dụ, quy định buổi tối không được ra ngoài, nếu như không có nhiệm vụ của LHQ mà đi đến những vùng có thù hận cao thì phải đi bằng xe thiết giáp.

Lãnh đạo cấp cao của Bộ Quốc phòng và Trung tâm gìn giữ hòa bình ViệtNam tại Nam Sudan.

Nếu chúng ta không tuân thủ các quy định đó thì dễ xảy ra mất an toàn. Nhưng trong thời gian vừa qua, 3 đồng chí ở cộng hòa Trung Phi và trước đó là 2 sĩ quan ở Nam Sudan chấp hành rất tốt, ý thức kỉ luật cao nên không có khả năng gây nguy cơ mất an toàn về tính mạng, trang thiết bị của ta.

Bên cạnh đó, một nguy cơ nữa dễ xảy ra là việc có những vụ xung đột, bất đồng giữa các phe phái đẩy cuộc chiến vào xung đột lớn vào sát phái bộ gây ra hậu quả như tháng 3/2013 làm chết 3 viên sĩ quan của Ấn Độ, chủ yếu là do đạn lạc.

Chúng ta có thể tự hào bởi vì sĩ quan Việt Nam là những người đã được huấn luyện, đào tạo rất bài bản, có kĩ năng sống rất tốt, có ý thức chấp hành kỉ luật cao.

Đặc biệt là công tác Đảng, công tác chính trị được triển khai thường xuyên nên sĩ quan của ta chấp hành tốt và kiên định trong mọi tình huống.

Một điểm mạnh nữa là chúng ta đã đúc rút kinh nghiệm từ các cuộc chiến bảo vệ tổ quốc và những cuộc chiến giải phóng dân tộc trước đây, các đợt học tập và các khóa huấn luyện giúp tích lũy và vận dụng kiến thức cũng như kinh nghiệm của các cuộc chiến tranh trước đây vào để xử lí các công việc ở tại địa bàn.

Khả năng sinh tồn của người VN rất cao

Ở CH Trung Phi, chúng ta có ba đồng chí hoạt động gồm: Trung tá Nguyễn Xuân Thành và Thiếu tá Vũ Văn Hiệp (làm nhiệm vụ Sĩ quan Tham mưu Quân sự); Đại úy Hoàng Trung Kiên (Sĩ quan Tham mưu Trang bị); thông thường, phái bộ tại đó cần phải nhận được 1 – 2 chuyến container về rau, củ, quả, thực phẩm hàng tháng thì cán bộ ta chủ động mang hạt đỗ đi để làm giá đỗ, mang rau khô đi để tự cung, tự cấp.

Đặc biệt là các đồng chí đã làm 1 mảnh vườn và trồng những loại rau để đảm bảo đủ rau xanh cho cán bộ chúng ta. Đây cũng là điểm sáng được phái bộ ở Cộng hòa Trung Phi đánh giá cao về khả năng tự đáp ứng; không chỉ đủ rau xanh cho cả 3 đồng chí mà có thể tặng thêm các đơn vị bạn ở cạnh.

"Đây là hình ảnh của anh bộ đội cụ Hồ khác hẳn với hình ảnh của sĩ quan ở các quốc gia có đội quân chuyên nghiệp. Tôi cho rằng thế mạnh VN là rất nhiều, rất lớn với khi thực hiện nhiệm vụ ở các phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ", Đại tá Hoàng Kim Phụng tự hào kể lại.

Chia sẻ về quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình, Thượng tá Mạc Đức Trọng - Sỹ quan quân đội Việt Nam tham gia lực lượng GGHB LHQ tâm sự:

"Trong khu vực chiến sự ở địa phương, người dân chạy loạn, họ chốn vào rừng vì sợ bị giết hại, trả thù sắc tộc, chúng tôi nhận mệnh lệnh trong thời gian rất gấp hành quân hàng trăm cây số đi cứu hàng nghìn dân thường đang đói rét trong rừng".

"Lực lượng địa phương họ hiểu biết tương đối nhiều về cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam, rất tôn trọng và quý trọng hình ảnh Bác Hồ cũng như Quân đội nhân dân Việt Nam. Thế thì ngoài cái vai trò là LHQ thì chúng tôi sử dụng cái vị thế, uy tín của Việt Nam để giải quyết những vấn đề trong quá trình thực hiện nhiệm vụ".

Tuy vậy, ở một đất nước xa xôi, ít có quan hệ, nên hiểu biết của người dân sở tại về Việt Nam còn có phần chưa chính xác. Chính vì thế, 2 sỹ quan này còn có nhiệm vụ làm cho mọi người hiểu rõ hơn về quân đội và nhân dân Việt Nam.

Còn với trung tá Trần Nam Ngạn, mặc dù không công tác cùng phái bộ với thượng tá Trọng nhưng anh cũng có những chia sẻ rất thú vị:

"Chúng tôi áp tải hàng trên sông Nil trắng, đoàn bị cả 2 bên bờ nã đạn, cũng rất may mắn là không bị thương vong, nhưng 2 bên thành phà chi chít lỗ đạn. Đồng đội của tôi trong phái bộ Liên Hiệp Quốc cũng đã có người hy sinh khi làm nhiệm vụ".

"Các nhóm vũ trang cát cứ họ thường hay cướp bóc các đoàn xe, với đoàn Liên Hợp Quốc họ không dám cướp nhưng họ xin. Chúng tôi thì không có kinh phí, không thể cho hàng kiểu mãi lộ nên phải vừa mềm dẻo, vừa cương quyết mới hoàn thành nhiệm vụ".

Một trong những kinh nghiệm rút ra trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ này là dựa vào vị thế và uy tín của Việt Nam.

"Tuy vậy, nhiều người dân ở đây họ biết đến Việt Nam phần nhiều qua phim ảnh nước khác, nên có sự lệch lạc chỉ biết là ta đánh nhau rất giỏi, nên chúng tôi đã chuẩn bị nhiều tài liệu bằng tiếng Anh và dành nhiều thời gian hơn để nói chuyện với họ để họ hiểu rõ hơn về đất nước Việt Nam".

Đại tá Hoàng Kim Phụng nói thêm: "Thực tế, chúng tôi đã tính đến các khó khăn mà các sĩ quan có thể vấp phải trong quá trình tham gia lực lượng GGHB của LHQ tại địa bàn. Khó khăn đầu tiên là hàng rào ngôn ngữ.

Khó khăn thứ 2 mà chúng ta có thể kể tới, đó là việc chúng ta phải phối hợp trong 1 môi trường đa quốc gia với lực lượng quân đội của các nước khác. Việc họ vận hành sử dụng các trang thiết bị hiện đại khác với Việt Nam.

Tiếp đó là cán bộ và chiến sĩ của chúng ta phải sống ở 1 nơi tương đối xa, còn có sự thù hận và nguy cơ về mất an ninh, an toàn cho cá nhân, phương tiện và ảnh hưởng đến việc hoàn thành nhiệm vụ vẫn còn đang rình rập. ngoài ra còn thể hiện được bản chất bộ đội cụ Hồ tại công việc, phái bộ mà các đồng chí đảm nhiệm.

Bên cạnh đó việc tôn trọng nền văn hóa, đất nước con người và luật pháp quốc tế cũng như các yêu cầu của LHQ hoặc phái bộ đó đề ra. Đó là thách thức lớn đối với việc hoàn thành nhiệm vụ và an ninh, an toàn của cán bộ ta".

Trong thời gian qua, Việt Nam rất tích cực chuẩn bị lực lượng của mình. Chúng ta đã cử lực lượng ra bên ngoài để học hỏi các nước đi trước.

Chẳng hạn như các nước ASEAN ở gần chúng ta, thực chất thì Việt Nam là 1 trong 3 nước chưa tham gia lực lượng gìn giữ hòa bìnhcho đến năm 2014 (ngoài Lào và Myanmar). Chúng ta đã cử lực lượng sang Malaysiahay các nước lân cận như Nhật, Hàn, Trung Quốc để đào tạo.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đã mời các nhóm giáo viên đến để hỗ trợ tập huấn hoặc triển khai hội thảo và mời thêm giáo viên tiếng Anh để nâng cao trình độ anh ngữ cho lực lượng tham gia hoạt động GGHB.

Bên cạnh đó, một việc quan trọng nữa là kĩ năng để cán bộ của chúng ta hoạt động trong lĩnh vực đa quốc gia làm quen với các cách thức, các phương pháp phối hợp và các kĩ thuật của các nước hiện đại. Các sĩ quan tham gia còn học thêm luật pháp quốc tế, các môn về đất nước, con người, văn hóa của những nước mà chúng ta cử quân đi.

Qua những câu chuyện mà các sĩ quan chia sẻ, chúng ta có thể thấy được những khó khăn mà đội quân của lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ phải trải qua.

Mặc dù năng lực có nhưng chúng ta gặp phải những thách thức: những khó khăn trong kinh nghiệm gìn giữ hòa bình, khả năng ngoại ngữ, ít kinh nghiệm trong môi trường đa ngôn ngữ, đa văn hóa và những tính chất hoạt động theo quy chuẩn mới mà mỗi quốc gia đều phải tự chuẩn bị để đảm bảo uy tín của quốc gia khi tham gia lực lượng chung.

Nhưng vượt lên trên tất cả là sức sống, nghị lực và ý chí quyết tâm của những người lính cụ Hồ, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu.

Tham dự buổi lễ thành lập Trung tâm (ngày 27/05/2014), Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh:

"Những anh bộ đội Cụ Hồ sẽ có mặt ở Nam Sudan và những nơi hòa bình cần các anh có mặt, mang trên đầu những chiếc mũ nồi xanh, thay những chiếc mũ lưới, mũ tai bèo, nhưng dòng máu Lạc Hồng, truyền thống văn hiến mấy ngàn năm luôn trong từng con tim, khối óc của những người lính.

Các anh không chỉ là những người lính hòa bình của LHQ mà còn là sứ giả của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, của dân tộc Việt Nam yêu hòa bình, luôn nêu cao đại nghĩa".

theo Thế giới trẻ

Nguồn Soha: http://soha.vn/dong-doi-cua-toi-trong-phai-bo-lhq-da-co-nguoi-hy-sinh-20160727203344133.htm