Đóng đinh vào mũi

Có lẽ bạn đã từng được xem màn biểu diễn rợn tóc gáy sau: người biểu diễn dùng một cái búa đóng một cái đinh dài có đến 20 phân vào lỗ mũi anh ta. Nhiều người muốn tăng hiệu ứng rùng rợn bằng cách thay đinh bằng cái muỗng, cái mở nút chai hay thậm chí là một cái khoan tay.

Màn biểu diễn này bao giờ cũng khiến khán giả phản ứng mạnh. Một số nhăn mặt sợ hãi và quay đi chỗ khác, số khác theo dõi chăm chú như bị thôi miên trong khiếp đảm. Có thể bạn nghĩ đây là một trò đánh lừa thị giác, rằng cái đinh nhọn kia sẽ thu lại được, hoặc người biểu diễn nhanh tay đánh lừa khán giả. Hoặc bạn sẽ kết luận người biểu diễn đã được gây tê nên không cảm thấy đau. Có thể anh ta uống thuốc giảm đau hoặc là do tự rèn luyện sức chịu đựng trong nhiều năm. Để giải đáp thắc mắc của bạn, trước hết xin khẳng định ngay trò này không liên quan gì đến ảo giác, cái đinh thật sự được đóng vào mũi. Sự thật là cây đinh đã được đưa vào một khoang trống phía trong sọ của anh chàng này. Anh ta đã lợi dụng sự tồn tại của “cái hang” này để làm bạn dựng tóc gáy. Để giải mã trò này, trước hết ta tìm hiểu cấu trúc giải phẫu của hộp sọ và khoang mũi. Hộp sọ người tập hợp 22 mảnh xương và hầu hết chúng được nối với nhau tại các đường khớp. Những mảnh xương được ghép với nhau này sẽ bao bọc và bảo vệ bộ não. Mặc dù hộp sọ trông như là một khối đặc, thực chất nó có rất nhiều lỗ trống bao gồm các xoang, 2 hốc mắt, phần sau hộp sọ chỗ tủy sống chạy qua. Các đường nét trên khuôn mặt được tạo ra do các mô cơ, mỡ và da bao bọc lấy cấu trúc xương này. Ngoại trừ mũi của chúng ta. Khoang mũi ngoài được làm chủ yếu từ sụn, được bao bọc bởi mô liên kết và da. Lông và chất nhầy có nhiệm vụ ngăn không cho bụi hay vật lạ đi vào khoang mũi trong. Phần ngoài của mũi gồm 2 lỗ mũi dẫn vào khoang mũi – khoang này nối mũi và cổ họng theo 1 đường hầm gần như là thẳng. Trần của khoang này nằm ngay dưới mắt, còn đáy ngang với phần sụn của lỗ mũi. Trong màn biểu diễn, nghệ sĩ sẽ gõ cây đinh xuyên qua khoang này vào trong. Thỉnh thoảng, anh ta phải đè gờ dưới lỗ mũi xuống để đinh có thể đi vào trong khoang. Nhưng việc này không phải lúc nào cũng thuận lợi. Có vài chướng ngại vật mà người trình diễn phải vượt qua. Đó là các phản xạ của cơ thể và việc hắt hơi. Bạn thắc mắc người diễn cảm thấy như thế nào khi đưa một cây đinh dài và nhọn vào trong lỗ mũi vốn rất nhạy cảm. Trước khi thành thạo trò này thì nghệ sĩ đương nhiên cảm thấy đau và rất khó chịu khi đưa vật lạ vào mũi. Nhưng việc hắt hơi mới là chướng ngại khó vượt qua. Hắt hơi là phản ứng tự vệ của cơ thể, nó xảy ra khi có vật lạ kích thích khoang mũi. Phản ứng này liên quan đến một cung phản xạ bao gồm cơ quan thụ cảm, dây thần kinh cảm giác, trung tâm tổng hợp, dây thần kinh vận động, và cơ quan phản ứng lại kích thích. Khi có vật kích thích, cung phản xạ sẽ hoạt động và tạo ra phản ứng hắt hơi để đẩy vật lạ ra ngoài. Nếu bạn khống chế được cung phản xạ này thì có thể ngăn được cơn hắt hơi. Việc này có thể tập luyện mà thành và bạn có thể đưa vật lạ như cây đinh vào trót lọt. Tuy nhiên, trong quá trình biểu diễn, nếu hắt hơi, ngoài việc sẽ phá hỏng hiệu quả, nó còn rất nguy hiểm vì luồng không khí mạnh được hít vào trước khi hắt hơi có thể kéo cái đinh vào sâu bên trong, và chuyển động mạnh đột ngột của đầu khi hắt hơi sẽ khiến đinh chọc vào những phần khác trong khoang mũi. Vì vậy, trước khi học trò đóng đinh vào mũi, người ta phải bỏ nhiều thời gian học cách phớt lờ phản ứng hắt hơi. Những người biểu diễn trò này thường đối mặt với các nguy cơ mắc bệnh mũi họng do mũi đã được “huấn luyện” để phớt lờ các tác nhân có hại. Bạn không nên tự tập trò này ở nhà nếu không có sự hướng dẫn của chuyên gia giàu kinh nghiệm. Đỗ Quyên (Theo HSW)

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/khoahoc/201004/Dong-dinh-vao-mui-904742/