Đóng cửa rừng trước khi quá muộn

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra lệnh đóng cửa rừng, đây có thể xem là một quyết định quan trọng nhất của chính phủ để cứu lấy môi trường. Nhất là trong bối cảnh xã hội đang “lưu truyền” một câu nói khôi hài nhưng quá đau rằng, “về cơ bản chúng ta đã phá sạch rừng”…

Lâm tặc là ai, ai là lâm tặc?

Những năm 1980, 1990, lâm tặc gắn với hình ảnh những người dân, kiếm củi, săn ong, làm nương rẫy, họ xếp hàng ngang chụp ảnh, trước mặt là những đống củi tang vật.

Tôi đã trò chuyện với nhiều người trong số họ, không ai nhận mình là người phá rừng cả.

- Chúng tôi chỉ bẻ nhánh nhặt cành, chứ làm sao phá được rừng, rừng là nguồn sống của chúng tôi mà.

Già làng cũng nói vậy.

- Có những điều luật rất khắt khe để bảo vệ rừng. Như không được chặt cây con, không bắt những con thú nhỏ hoặc đang chửa, vay nợ của rừng phải trả (những người phụ nữ Tây Nguyên sinh con mà không có sữa chẳng hạn, họ sẽ “vay” sữa của những cây sung). Ngay bắt một tổ ong, họ cũng không tận diệt như một số người hiện nay là dùng lửa đốt mà họ chỉ khéo léo lấy mật, còn vẫn bảo vệ đàn ong để chúng tiếp tục sinh sôi nảy nở.

Như vậy, ai mới thật sự là lâm tặc?

Sự tàn phá kép: Môi trường và dân sinh

Khoảng năm 2008, 2009, khi cao su Việt Nam có giá trên thị trường thế giới, mà người thu mua trực tiếp là các thương lái Trung Quốc, thì xuất hiện chủ trương đổi rừng nghèo để trồng cao su. Bắt đầu cho cuộc tàn phá rừng lớn nhất trong lịch sử, kéo theo là nạn di dân tự do mà di họa của nó sẽ còn kéo dài hàng thế kỷ nữa.

Ngay từ khi ấy, đã có nhiều ý kiến cho rằng, không thể đổi rừng lấy cao su, dẫu là rừng nghèo. Cũng có ý kiến đối lại, cao su cũng là rừng. Mà rừng này lại sinh lợi, những cái lợi thấy ngay, bà con người dân tộc thiểu số có việc làm, sẽ trở thành công nhân cao su, có thu nhập và tức là sẽ đổi đời. Ý kiến bảo vệ rừng gay gắt hơn: Rừng là môi trường sống của người Tây Nguyên, mất rừng người Tây Nguyên sẽ bơ vơ ngay trên mảnh đất của mình. Rừng làm nên văn hóa Tây Nguyên, bản sắc Tây Nguyên, đời sống Tây Nguyên. Không còn rừng sẽ không còn Tây Nguyên...

Đốt rừng để làm rẫy.

Nhưng tiếng nói của lợi nhuận đã thắng thế, có vẻ như chẳng ai mất gì, dân có việc làm, cán bộ có vườn cao su tiểu điền, công ty có hàng chục ngàn hécta cao su, còn gỗ thì tha hồ mà chặt, khi đã có chủ trương trong tay, rừng nghèo hay rừng già cũng ở trong rừng, chỉ có địa phương mới biết…

Theo ghi nhận của nhà báo Văn Công Hùng, chỉ ở một tỉnh thôi chúng ta cũng thấy sự lợi - cái hại thật sự là như thế nào và thuộc về ai.

Đến nay, người ta đã khai hoang trồng mới được 25.891,9 ha cao su. Nhưng cũng đến nay, đã kịp có 2.598,8 ha cao su trồng bị chết hoặc kém phát triển. Khi nhận đất thì rất hăm hở và báo cáo là cao su trồng trên đất rừng khộp rất hợp, nhưng bây giờ cũng những đơn vị ấy báo cáo là cao su trồng trên rừng khộp không hợp và xin chuyển đổi mục đích. Những người am hiểu bảo, đây mới chính là mục đích chính của việc họ ồ ạt nhận đất rừng khộp trồng cao su. Khi nhận đất trồng cao su, hầu hết các doanh nghiệp đều cam kết sẽ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tuyển lao động là người dân tộc bản địa..., nhưng thực tế, những cam kết này chủ yếu nằm trên... giấy. Các doanh nghiệp chủ yếu chỉ đầu tư xây dựng trụ sở, nhà ở công nhân, đường giao thông trong dự án..., còn việc hỗ trợ kinh phí thực hiện an sinh xã hội thì phần lớn là... lơ.

Trong dự án đã duyệt, các doanh nghiệp sẽ phải tuyển dụng 9.379 lao động dài hạn, nhưng mới đây, hội đồng nhân dân tỉnh G đi giám sát thì các doanh nghiệp mới chỉ tuyển dụng 2.254 lao động dài hạn, gần 4.000 lao động thời vụ, trong đó chỉ có 777 công nhân là người dân tộc bản địa. Rõ ràng là một con số quá ít so với cam kết và so với thực tế...

Không chỉ dừng lại ở một địa phương, cả Tây Nguyên đã chìm trong cơn lốc phá rừng.

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, chỉ tính riêng trong vòng 5 năm (từ 2010-2014), tổng diện tích rừng Tây Nguyên đã giảm tới hơn 300.000 ha, độ che phủ của rừng giảm 6,1%, xuống còn 48,5%.

Không những diện tích mà cả trữ lượng cũng giảm mạnh. Trong vòng 5 năm đó, trữ lượng rừng khu vực Tây Nguyên giảm hơn 57 triệu m3, tương ứng giảm 17,4%. Trong đó, diện tích được đánh giá là khu vực “rừng giàu” đã giảm gần 20 triệu m3, tương ứng 21%.

Tỉ lệ rừng gỗ loại giàu chỉ còn 10,4%, loại trung bình là 22,7%, còn lại gần 67% là loại nghèo kiệt; các loại gỗ quý có giá trị cao còn rất hiếm, chỉ có ở các vùng xa xôi, hiểm trở; các loại thảo dược quý hiếm bị khai thác cạn kiệt, số lượng động vật rừng cũng giảm mạnh.

Việc suy giảm rừng ở Tây Nguyên được lý giải qua các nguyên nhân chính là do chuyển đổi rừng và phá rừng. Cụ thể, hiện các địa phương trung vùng Tây Nguyên đã chuyển đổi 111.000 ha đất rừng nghèo kiệt sang trồng cao su, cây công nghiệp, cây ăn quả; chuyển 37.800 ha đất rừng sang mục đích khác theo quy hoạch của địa phương (xây thủy điện, hạ tầng giao thông, công trình công cộng…). Còn lại 122.900 ha là do phá rừng, lấn chiếm đất rừng để canh tác, sản xuất nông nghiệp.

Nguyên nhân của tình trạng phá rừng và làm suy giảm rừng Tây Nguyên là do tác động lớn từ di dân tự do, công tác quản lý bảo vệ rừng yếu kém, quản lý các cơ sở chế biến gỗ, tụ điểm mua, bán gỗ kém hiệu quả; việc sắp xếp, đổi mới các công ty lâm nghiệp gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, cơ chế chính sách đặc thù cho phát triển lâm nghiệp vùng Tây Nguyên chưa đủ mạnh…

Do đó, tình hình vi phạm các quy định về quản lý bảo vệ rừng có chiều hướng gia tăng, cụ thể, trong năm 2015, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện và xử lý hơn 6.000 vụ vi phạm các quy định về bảo vệ và phát triển rừng, tăng 463 vụ so với năm 2014.

Cùng với đó, hiện toàn vùng Tây Nguyên có 2.062 cơ sở chế biến gỗ và đồ mộc, trong 1.377 cơ sở sản xuất đồ mộc thì chỉ có 685 cơ sở chế biến gỗ, đặc biệt là những xưởng chế biến gỗ gần rừng, không gắn với nguồn nguyên liệu đã làm gia tăng tình trạng phá rừng và mua bán gỗ bất hợp pháp tại đây.

Rừng bị tàn phá.

Đóng cửa rừng, quyết định kịp thời của Thủ tướng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo chính quyền địa phương các tỉnh Tây Nguyên cần phải nhanh chóng đóng cửa rừng, thực hiện các giải pháp để sớm khôi phục lại rừng.

Các địa phương không được ra các chủ trương chuyển rừng nghèo, rừng nghèo kiệt sang trồng cây công nghiệp, bởi hiện nay nhiều loài cây như cao su, cà phê, hồ tiêu của người dân đang vượt quá diện tích quy hoạch, vì vậy các địa phương phải tập trung khuyến khích bà con áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất cây trồng trên cùng diện tích đã canh tác.

Làm rõ trách nhiệm từng cá nhân, tổ chức để mất rừng tránh tình trạng “cha chung không ai khóc”.

Cần nghiêm khắc xử lý, điều tra, truy tố, xét xử những tập thể, những cá nhân, những đường dây buôn lậu gỗ, các băng nhóm xã hội có liên quan đến việc phá rừng.

Chủ tịch UBND các tỉnh Tây Nguyên chịu trách nhiệm chính trong việc địa phương để mất rừng; mỗi địa phương cần quán triệt, giao nhiệm vụ công tác bảo vệ rừng từ tỉnh xuống huyện, xã, cấp kinh phí và bố trí cán bộ kiểm lâm xuống địa bàn theo quy định để phục vụ tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng…

Phá rừng tác động đến kinh tế

Thiệt hại về rừng và các yếu tố khác của tự nhiên có thể làm tồi tệ thêm mức sống của người nghèo trên thế giới và làm giảm 7% GDP của thế giới tới năm 2050, đây là một báo cáo tổng kết trong Hội nghị về Đa dạng Sinh học tại Bonn (Đức). Trong lịch sử, việc sử dụng gỗ đóng vai trò then chốt trong xã hội loài người, vai trò của gỗ có thể so sánh với nước và đất trồng trọt. Ngày nay, tại các nước phát triển, gỗ vẫn được sử dụng để xây nhà và bột gỗ để làm giấy. Tại các quốc gia đang phát triển, gần 3 tỉ người phải dựa vào gỗ để sưởi ấm và đun nấu thức ăn.

Các sản phẩm từ rừng là một phần quan trọng của nền kinh tế ở cả các nước phát triển lẫn đang phát triển. Các lợi nhuận kinh tế ngắn hạn từ chuyển đổi đất rừng sang đất nông nghiệp, hay việc khai thác gỗ quá mức, thường dẫn đến những hậu quả kinh tế lâu dài, ảnh hưởng tới nguồn thu nhập lâu dài và sản lượng của rừng. Tây Phi, Madagascar, Đông Nam Á và nhiều vùng khác trên thế giới đã phải chịu những tổn thất thu nhập do suy giảm sản lượng gỗ. Sự khai khẩn trái phép làm nhiều nền kinh tế tổn thất hàng tỉ đô la mỗi năm.

Các nền kinh tế tăng trưởng nhanh thường có ảnh hưởng tới sự phá rừng. Áp lực chủ yếu đến từ các quốc gia đang phát triển, những nơi mà cả dân số và kinh tế đều tăng trưởng nhanh chóng. Năm 1995, tốc độ tăng trưởng kinh tế của các quốc gia đang phát triển là 6%, con số này cho các nước phát triển chỉ là 2%. Khi dân số gia tăng, nhà cửa, đường sá, dân số đô thị mở rộng, khi phát triển thì cần có sự kết nối bằng việc xây dựng đường sá. Việc xây dựng đường sá ở nông thôn không chỉ kích thích phát triển kinh tế mà còn tạo điều kiện cho sự tàn phá rừng. Khoảng 90% rừng bị phá ở khu vực Amazon diễn ra trong phạm vi 100 km so với đường.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-doi-song/dong-cua-rung-truoc-khi-qua-muon-567683.bld