Động cơ đốt trong siêu tiết kiệm đối đầu xe chạy điện

Aquarius Engines, một công ty của Israel cho biết đã chế tạo loại động cơ siêu tiết kiệm, có thể làm giảm đáng kể mức tiêu thụ nhiên liệu và cạnh tranh với các xe chạy điện hoàn toàn.

Theo Aquarius Engines, giá thành động cơ của họ chỉ vào khoảng 100USD và phát minh này đang thu hút sự quan tâm từ hãng Peugeot (Pháp). Động cơ mới cho phép xe hơi có thể chạy hơn 1.300km không cần đổ xăng với cùng bình nhiên liệu, tăng hơn gấp đôi so với tầm hoạt động hiện tại của động cơ đốt trong truyền thống (khoảng 600km).

Hiệu suất cao như trên có vai trò rất quan trọng vì các quốc gia đang tìm cách giảm lượng khí thải dioxide carbon (CO2) - tác nhân chính gây biến đổi khí hậu vì động cơ ôtô là một nguồn thải CO2 chính.

Bí quyết của Aquarius là thay động cơ đốt trong nhiều piston bằng một piston duy nhất chuyển động theo phương nằm ngang. Động cơ này giảm bớt hơn 20 bộ phận. Các thử nghiệm của công ty kỹ thuật Đức FEV cho thấy hiệu suất của động cơ cao gấp đôi các động cơ truyền thống.

Đồng sáng lập Aquarius, Gal Fridman, cho biết tại văn phòng của công ty gần thủ đô Tel Aviv: “Đó là hiệu suất cao nhất bạn có thể thấy. Động cơ có chỉ số khí thải thấp nhất và tỷ số công suất trên trọng lượng cao nhất”.

Được thành lập năm 2014 bởi Fridman, Giám đốc công nghệ Shaul Yaakoby và Giám đốc điều hành Ariel Gorfung, Aquarius là thách thức mới nhất với động cơ đốt trong truyền thống.

Được phát triển vào giữa những năm 1800, động cơ đốt trong truyền thống lần đầu tiên được cấp bằng sáng chế năm 1860, và đưa vào sản xuất thương mại đầu những năm 1900. Fridman cho biết: “Theo năm tháng, đã có những thay đổi bổ sung với động cơ đốt trong, mới đây nhất là sự phát triển của tăng áp turbo, sử dụng khí tạo áp lực và sức mạnh. Tuy nhiên thay đổi này không hề giống với công nghệ động cơ của Aquarius”.

Thay vì 4, 6, hay 8 piston đẩy lên-xuống để vận hành các van, dịch chuyển bánh xe, động cơ của Aquarius chỉ có 1 xy-lanh nằm ngang nhằm tạo năng lượng cho hai máy phát điện. Kết quả là động cơ có kích thước nhỏ hơn nhiều mà không cần tới hàng nghìn chi tiết phức tạp, khó thay thế giống như động cơ truyền thống: nhỏ, hiệu quả với ít chi tiết dễ bị mài mòn, và ít chi tiết cũng có nghĩa giảm năng lượng thất thoát.

Phát ngôn viên của Peugeot cho biết: "Chúng tôi đang thảo luận với họ, như với nhiều công ty khởi nghiệp khác, mà chưa ràng buộc nghĩa vụ hay một dự án cụ thể”. Với Peugeot và các nhà sản xuất khác, động cơ này có thể giúp họ cạnh tranh với sự nổi lên của xe điện.

John German, chuyên viên cao cấp International Council on Clean Transportation, cho rằng động cơ này rất hiệu quả khi là cấu thành trong hệ thống plug-in hybrid, khi các nhà sản xuất đang nghiên cứu "ý tưởng sử dụng một động cơ nhỏ, rẻ tiền, tăng tầm hoạt động" để kết hợp với pin và động cơ điện.

Tuy nhiên, theo ông, thiết kế đột phá của Aquarius cùng những thay đổi kèm theo đòi hỏi phải cải tiến dây chuyền sản xuất, điều có thể khiến cho các hãng chế tạo ôtô do dự. Fridman cho biết chỉ những thay đổi nhỏ trong động cơ đốt trong truyền thống cũng mất từ 1-2 tỷ USD để điều chỉnh sản xuất.

Công nghệ này cũng có thể ứng dụng để máy phát điện dự phòng và các sản phẩm khác vận hành hiệu quả hơn. Aquarius cho biết họ đang tìm kiếm khoản tài trợ lần thứ ba trị giá từ 40-50 triệu USD. Tuy nhiên thách thức của loại động cơ này là xu hướng xe hoàn toàn chạy bằng điện. Chuyên gia Ana Nicholls của Economist Intelligence Unit cho biết bằng chứng gần đây cho thấy "đang bắt đầu xu hướng chuyển dịch từ xe hybrid sang xe hoàn toàn chạy bằng điện”.

Nhà chế tạo xe Mỹ, Tesla dự kiến sẽ bán được 50.000 ôtô điện trong nửa cuối năm 2016. Bà Nicholls cho rằng các đại gia ôtô, với ngân sách nghiên cứu và phát triển (R&D) dàn trải, có thể do dự khi đầu tư vào Aquarius.

Fridman thì lập luận rằng người ta quá "cường điệu" chiếc xe hoàn toàn chạy bằng điện và sự phổ biến của chúng thực tế bị hạn chế bởi phạm vi hoạt động ngắn, giá thành cao.

Franco Gonzalez, chuyên gia phân tích cao cấp về công nghệ của công ty IDTechEx, cho rằng Aquarius đến sau nên đang phải "bắt kịp". "Các nhà chế tạo ôtô mất 7-10 năm để ứng dụng một công nghệ mới. Vì vậy, Peugeot cần đẩy nhanh tiến độ ứng dụng, rất, rất nhanh để ít nhất bắt kịp với những gì Tesla, BYD, Nissan và các công ty khác đạt được khi hỗ trợ mô hình xe điện”. Đức thì cho rằng còn quá sớm để khẳng định liệu động cơ mới có thể tạo đột phá hay không.

Nguồn Xe Đời Sống: http://xedoisong.vn/cong-nghe/dong-co-dot-trong-sieu-tiet-kiem-doi-dau-xe-chay-dien-16463.html