Động cơ chính trị của Dự luật nhân quyền HR.4254

Sau khi Hội đồng TP Ga-đần Grâu-vơ, bang Ca-li-phoóc-ni-a (Garden Grove, California) thông qua nghị quyết ủng hộ Dự luật HR.4254 của Hạ viện Hoa Kỳ, ngày 16-8, qua vi-đê-ô clíp (video clip) Động cơ chính trị của Dự luật nhân quyền HR.4254 trên vietweekly.com - website một tờ báo của người Việt ở Hoa Kỳ, hai nhà báo người Mỹ gốc Việt là Giêm Du (James Du) và Lê Vũ đã thẳng thắn trao đổi, bình luận chỉ rõ bản chất của sự kiện và các vấn đề liên quan, xin trích lược giới thiệu với bạn đọc.

Lê Vũ: Ngày 12-8, Hội đồng TP Garden Grove bỏ phiếu thông qua nghị quyết với tỷ lệ 5/5 ủng hộ Dự luật HR.4254 về "chế tài nhân quyền Việt Nam". Garden Grove là thành phố có tỷ lệ người Việt đông nhất ở quận Cam, Hội đồng thành phố có hai thành viên gốc Việt là Đi-na Nguyễn (Dina Nguyễn), Crít Phan (Chris Phan). Tại buổi họp có mặt chính trị gia người Việt khá nổi tiếng là Gia-nét Nguyễn (Janet Nguyễn). Điều đó cho thấy tính chính trị rất cao của nghị quyết. Sau đó BBC đưa vấn đề ra bình luận, phỏng vấn nhiều nhân sự ở quận Cam. Vì sự chú ý đó, chúng tôi muốn chia sẻ, thảo luận, để soi sáng thêm.

James Du: Một số người gọi đây là "mùa nhân quyền", vì mỗi lần có bầu cử mà có chính trị gia người Mỹ gốc Việt là họ luôn sử dụng chiêu bài "quốc - cộng" hay nhân quyền của Việt Nam để kiếm phiếu. Đa số dân cử gốc Việt đắc cử thường nhờ vào phiếu của cử tri người Mỹ gốc Việt; có thể vì yếu kém, cho nên họ không đưa ra được các giải pháp cho cộng đồng và vì thế họ sử dụng chiêu bài "chống cộng", "cờ đỏ - cờ vàng" làm điểm chính để lấy phiếu của cử tri.

Lê Vũ: Dự luật này giới hạn về mặt tài chính, đóng băng tài khoản, giới hạn việc đi lại qua nước Mỹ, mua nhà, xuất nhập cảnh. Họ đưa ra điều kiện dỡ bỏ các điều khoản này phải có quyết định của Tổng thống. Điểm tôi muốn nói tới là ngôn ngữ Dự luật khá khắt khe, khó thi hành hoặc diễn giải theo nhiều hướng khác nhau. Thí dụ, có thể tóm tắt kết luận điều khoản chấm dứt Dự luật là: Việc này chỉ chấm dứt khi Tổng thống xác nhận với Quốc hội rằng chính quyền Việt Nam đã đơn phương thả hết tù nhân chính trị, không còn vi phạm nhân quyền và truy tố các cá nhân vi phạm nhân quyền. Tức là điều kiện rất khó thực hiện, tuy vậy họ vẫn đạt được hai mục đích: đưa cho những người chống Việt Nam một món quà, và không ảnh hưởng tới các chính sách, quyền lợi nước Mỹ đang triển khai với Việt Nam.

James Du: Sống ở Mỹ chúng ta biết luật pháp trong ngoại giao thường có hai nghĩa, họ làm các bộ luật để cả bên Cộng hòa và Dân chủ có thể diễn dịch theo ý của họ, có thể không có gì sai. Dự luật HR.4254 làm ra với các điều kiện vô cùng khắt khe như vậy, thường lên Thượng viện sẽ bị bác bỏ. Thượng viện gồm những người đại diện cho cử tri. Họ xem quyền lợi trong vấn đề ngoại giao của nước Mỹ với một nước khác có ảnh hưởng hay không rồi mới quyết định.

Lê Vũ: Chúng tôi thấy những việc này diễn đi diễn lại và cho rằng, có động cơ chính trị. Thay vì phải đưa ra các chính sách an sinh xã hội hay chính sách khác thực chất hơn, một số chính trị gia lại dùng chiêu bài "chống cộng" để tranh cử. Vì đề tài "chống cộng" không cần phải làm gì nhiều, họ có thể viết một vài chữ, quăng ra một Dự luật như vậy là xong mùa tranh cử với họ rồi. Anh nghĩ như thế nào?

James Du: Không riêng gì cộng đồng Việt Nam, mà với tất cả các cộng đồng thiểu số, như bên người Mỹ gốc Mê-hi-cô (Mexico), bà Lo-rét-ta Xan-chét (Loretta Sanchez) cũng sẵn sàng sử dụng chiêu thức như vậy với cộng đồng của bà ấy. Đồng thời, vì cộng đồng của bà cũng cần hỗ trợ mạnh mẽ, cho nên bà liên kết với cộng đồng Việt Nam, thành thử bà cũng sử dụng chiêu bài "chống cộng". Đó là lý do tại sao chúng ta thấy bà luôn lớn tiếng đòi nhân quyền cho Việt Nam. Nhưng điều đó không đúng sự thật, trong khi ông Đây-vít Sia (David Shear), Đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam hay người tiền nhiệm luôn nói rằng, Việt Nam có tiến bộ về vấn đề nhân quyền, về tôn giáo, thì ở bên Mỹ các ông bà Ét Roi-xơ (Ed Royce), Crít-Xmít (Chris Smith), Loretta Sanchez luôn nói Việt Nam không đáp ứng được các nhu cầu nhân quyền, tại sao có sự trái chiều như vậy?

Lê Vũ: Trong đợt bầu cử trước, một ứng cử viên người Việt là Công Nguyễn đã chỉ ra nghịch lý trong việc "chống cộng" của Loretta Sanchez là bà sẵn sàng ủng hộ Cu-ba (Cuba), bắt tay với Phi-đen (Phidel), thúc giục nước Mỹ có những chính sách giúp đỡ Cuba; trong khi đó bà chống Việt Nam rất kịch liệt mà bà lại không hiểu tiếng Việt. Trong địa hạt của bà, có gần một phần ba cử tri là người Việt, họ chạy theo những chiêu bài có tính ru ngủ, bà lấy được phiếu chứ họ cũng không biết các vấn đề đó ra sao, chứng tỏ những chính trị gia này toàn dùng các nội dung đó như chiêu bài để tranh cử.

James Du: Bà Loretta Sanchez cũng có nhiều chuyến thăm Việt Nam nhưng bà được ru ngủ, nói thẳng ra là bị đầu độc. Như "Việt tân", họ đã nhét vào đầu bà một số suy nghĩ trước khi bà đến Việt Nam, thành thử các thành kiến đó đã có sẵn; khi đến nơi, đôi khi vì thái độ của bà ấy mà Chính phủ Việt Nam cũng giới hạn một số đi lại, tạo cho bà ấy một số chống đối về sau nữa.

Lê Vũ: Tôi không cho rằng bà ấy bị ru ngủ hay bị thiếu hiểu biết về tình hình Việt Nam. Ngay cả khi hiểu biết, bà ấy vẫn làm các động tác đó vì chúng có lợi cho việc tranh cử của bà. Nên cứ mỗi mùa tranh cử là bà xin đi Việt Nam hoặc quăng ra một cái thông cáo báo chí gì đó có liên quan tới Việt Nam, bày tỏ sự chống đối Việt Nam càng kịch liệt chừng nào thì báo chí càng tri hô, viết về bà chừng đó; và đó là khi bà lo xong việc cho số phiếu của cộng đồng người gốc Việt rồi.

James Du: Nói chung sau mỗi mùa bầu cử, anh thấy tất cả các dân cử hô hào lớn tiếng nhất thì đều im lặng hết, không thấy đâu nữa.

Lê Vũ: Với những người ở xa, nhất là ở Việt Nam, chúng tôi phải phân tích hơi nhiều để người ở xa hiểu được tình hình thực hành chính trị ở Mỹ. Vì nước Mỹ, như tiểu bang Ca-li (Cali) rất lớn, có rất nhiều dân biểu. Dân biểu thường ở địa hạt nhỏ, trong khi mỗi tiểu bang có hai thượng nghị sĩ. Do đó, mỗi lần thượng nghị sĩ tranh cử, họ phải tranh cử từ những đề tài lớn, ổn định hơn có thể tạo được sự đồng thuận của cả tiểu bang. Còn người tranh chức dân biểu, thì ở địa hạt nhỏ hơn, chừng 100 nghìn người. Chẳng hạn trong một thành phố như vậy, người gốc Việt có tới 40 nghìn, tự nhiên tỷ lệ phiếu của người gốc Việt sẽ áp đảo. Nếu muốn thắng, dân biểu phải chạy theo số phiếu đó, chạy theo thì phải nói về các đề tài mà tập thể đó quan tâm. Khi đã có chân trong Quốc hội, họ mượn diễn đàn Quốc hội để làm các dự luật như HR.4254 để tạo tiếng vang. Cộng đồng "chống cộng" ở Nam Cali coi đó là thành tích, cho nên họ rất chú ý và nâng lên như là thành quả trong việc chống đối Việt Nam. Và các nghị quyết như thế chỉ xảy ra với các dân biểu liên quan tới cộng đồng đông người gốc Việt, như bà Loretta Sanchez hay ông Ed Royce... Họ đều sống trong những cộng đồng ở chung quanh đây, không thấy dân biểu ở xa mà liên quan đến việc này. Điều đó giúp khẳng định những việc như thế liên quan đến chiêu bài chính trị. Mà tại sao chiêu bài chính trị lại có hiệu quả trong cộng đồng người gốc Việt, tại sao "chống cộng", chống Việt Nam thì được phiếu?

James Du: Tôi nghĩ, họ được phiếu vì họ hô hào chống Nhà nước Việt Nam, mà đa số người sang Mỹ có dính líu đến chế độ trước đây, một số phải đi học tập cải tạo, họ còn bất mãn, rồi tồn đọng của chiến tranh, cũng có các thành phần cực đoan trong cộng đồng luôn muốn làm sống lại các vấn đề "quốc - cộng" để họ được lợi một cái gì đó. Trong trường hợp dân biểu thì họ được phiếu của cử tri.

Lê Vũ: Ai cũng biết chiến tranh tại Việt Nam chấm dứt năm 1975 và có một cuộc di dân qua đây, trong đó có nhiều người hoàn toàn đối kháng với chính quyền. Sau 40 năm, dĩ nhiên là có phai nhạt hoặc chuyển hướng, hoặc biến dạng quá nhiều, cho nên phong trào đi xuống dần. Chúng ta đang ở trong một tiến trình thoái trào nhưng vẫn còn ảnh hưởng. Việt Nam đã thay đổi, cộng đồng này cũng bị pha loãng bởi nhiều lớp di dân cho nên cũng biến đổi. Nhưng trong cộng đồng không có sự đồng thuận lớn, nên "quốc - cộng" còn là chiêu bài được sử dụng đi sử dụng lại. Dù càng ngày càng mất hiệu quả nhưng còn hơn không có đề tài, vấn đề khác khả dĩ! Do đó vẫn được các chính trị gia khai thác, được tiếp sức bởi các tổ chức chính trị chống Việt Nam. Điều đó giải thích các hiện tượng xảy ra trên bề mặt, nhưng tôi còn cho rằng vì những tiến bộ của nhà nước Việt Nam chưa được giải thích đầy đủ, rõ ràng. Thường chỉ có người ở bên này về Việt Nam thấy được thực tế. Còn người không về Việt Nam đôi khi vẫn mang theo hình ảnh, ấn tượng của vài chục năm về trước.

James Du: Tôi còn thấy thiếu một mảng, đó là báo chí. Sở dĩ báo chí vẫn còn đi theo đường hướng phải nói theo để được yên thân, phải viết những điều để được lòng khối người sống ở đây, thành thử sự hướng dẫn sai lạc bắt nguồn từ báo chí ở đây nữa. Anh thấy nhan nhản các tờ báo trong cộng đồng chúng ta đa số sử dụng chiêu bài "chống cộng", họ toàn lựa chọn các tin tức xấu nhất về Việt Nam để đưa lên, chưa bao giờ thấy tờ báo nào không thiên vị, viết một cách công bằng về tiến bộ của Việt Nam. Đó cũng là lý do khiến đa số người Việt Nam ở đây không hiểu rõ tình hình ở Việt Nam, họ tưởng đó là sự thật.

Lê Vũ: Việt Nam giờ là quốc gia rất mở rộng, rất nhiều người nước ngoài vào ra Việt Nam làm ăn hoặc du lịch. Họ không cảm thấy Việt Nam là một nước bị đàn áp về nhân quyền. Thậm chí về chỉ số hạnh phúc, người ta nói Việt Nam là dân tộc dễ đạt được trạng thái hạnh phúc. Rồi Việt Nam đạt được thành tích xóa đói, giảm nghèo làm thế giới ngưỡng mộ và muốn học hỏi. Việt Nam giao tiếp với khá nhiều quốc gia trên thế giới. Không ai có vẻ như kết án Việt Nam là quốc gia có vi phạm nhân quyền, những người đã tới Việt Nam không có cảm giác Việt Nam là quốc gia vi phạm nhân quyền trầm trọng đến mức độ như ở bên này tô vẽ. Ban Việt ngữ của BBC và nhiều cơ quan khác như RFA, VOA có xu hướng chống Việt Nam. Họ hay đưa lên thông tin bất lợi hoặc tạo căng thẳng, áp lực cho Việt Nam mà mật độ mất cân xứng với thực tế. Việt Nam có cái tốt, cái xấu nhưng đọc BBC lúc nào cũng chỉ thấy căng thẳng, cái xấu, cái nguy cơ sắp bùng phát đến nơi! Tôi cho đó là mất cân xứng với thực tế. Những người phát biểu trong bài phỏng vấn của BBC coi cuộc bỏ phiếu của Hội đồng TP Garden Grove là áp lực buộc Việt Nam phải thay đổi cơ chế, chế độ mới được làm việc với Mỹ hoặc có quan hệ dễ dàng với Mỹ! Lối lý giải này hoàn toàn đi ngược với tính hiệu quả đang xảy ra, nên chỉ có tính biểu tượng, thậm chí không đi đến mục đích, chỉ giúp các nhân sự thu được lá phiếu trong cộng đồng gốc Việt, mà ngay cả các lá phiếu này cũng đang dần dần giảm đi...

(Nguồn: http://www.vietweekly.com/section/video/show/85MR-06jA6A)

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/chinhtri/binh-luan-phe-phan/item/24112602-%20%c3%b0ong-co-chinh-tri-cua-du-luat-nhan-quyen-hr-4254.html