Dòng chảy hàng lậu qua biên giới ĐBSCL- Bài 1: 'Ma trận' đường lậu

Hoạt động buôn lậu trên biên giới các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thoạt nhìn có vẻ bình lặng hơn thời gian trước nhưng trên thực tế hoạt động này giống như những cơn sóng ngầm, hàng lậu vẫn liên tục qua biên giới với phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn. Trong khi đường lậu liên tục biến hóa để qua mặt lực lượng chức năng thì thuốc lá lậu cũng đang mặc sức tung hoành, cùng với đó là tội phạm ma túy tiềm ẩn nhiều phức tạp tại khu vực biên giới này.

Hoạt động tiếp nhận đường lậu nhộn nhịp tại khu vực đường xuồng (xã Mỹ Đức)- biên giới Hà Tiên- Kiên Giang. Ảnh: Đ.N.

Tập kích “đường xuồng” ở Kiên Giang

Trong 6 tháng đầu năm 2017, các lực lượng chức năng tỉnh Đồng Tháp đã bắt giữ 1.235 vụ với 722 đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, vận chuyển hàng cấm, sản xuất, kinh doanh hàng giả, trị giá hàng hóa bắt giữ trên 5 tỷ đồng.

Khu vực biên giới Kiên Giang giữa tháng 6 với những cơn mưa rào khiến con đường vào khu vực "đường xuồng" xã Mỹ Đức trở nên lầy lội. Được mệnh danh là "đường xuồng" vì ở khu vực này, đường Thái Lan và thuốc lá ngoại được các cửu vạn chất đầy xuồng, chống sào từ Campuchia theo con lạch đầy cỏ lau vào tập kết tại bãi đất trống bên Việt Nam, từ đó tìm cơ hội đưa vào nội địa.

Chúng tôi theo chân các cán bộ Hải quan Kiên Giang đi bắt hàng lậu tại khu vực đường xuồng. Mặc dù trời đang mưa nhưng các cửu vạn vẫn hoạt động với những bao đường được che đậy cẩn thận. Lần lượt các cửu vạn xuống bến “ăn hàng”. Mỗi xe gắn máy cõng 6 bao đường (mỗi bao 50kg), cứ thế đến nhận và đi. Con đường mòn nằm giữa hai thửa ruộng gặp mưa trở nên lầy lội, trơn trượt nhưng họ vẫn chạy ngon lành như trên đường nhựa. Một cán bộ hải quan đi cùng cho biết thêm, tại khu vực này gần như họ không ngán ngại nên cứ ngang nhiên vận chuyển, sau đó lên đường nhựa vào quốc lộ 80 họ sẽ chạy như bay để “né” lực lượng chức năng và nhanh chóng rẽ vào các kho ven đường mà ở đó, chứng từ hóa đơn và các bao đường nội địa đã sẵn sàng để đối phó.

Chúng tôi lại tiếp tục quan sát, phía bên kia biên giới, những bao đường được chất thành dãy, che chắn bằng bao nilon cẩn thận đang chờ “xuất khẩu”. Những chiếc xuồng sau khi qua Việt Nam đã quay về Campuchia để tiếp tục nhận hàng. Mưa vẫn rơi! Đường kết tinh vẫn được vận chuyển lậu qua Việt Nam trên những chiếc xuồng. Một nhóm cửu vạn phát hiện thấy chúng tôi nên đã ngưng tay. Những bao đường nằm im dưới xuồng chờ cơ hội được chuyển đi. Mưa bắt đầu nặng hạt. Chúng tôi phải “rút quân” và biết chắc rằng những chiếc xuồng chở đầy đường lậu sẽ được đưa qua biên giới nhanh hơn.

Trở ra quốc lộ 80 thì ngớt mưa, hai chiếc xe gắn máy chở đầy đường lậu bất ngờ vọt qua phóng nhanh về hướng thị xã Hà Tiên. Chúng tôi nhanh chóng bám theo. Qua khu vực Thạch Động, họ ngoái nhìn và phát hiện máy ảnh chúng tôi nên nhanh chóng rẽ vào căn nhà ven đường. “ Đây là một kho đường nhỏ của các chủ hàng để họ trung chuyển đường lậu. Việc khám xét, bắt giữ theo quy định cần phải đầy đủ các lực lượng chức năng. Thế nhưng, khi lực lượng Hải quan tiếp cận được thì cũng là lúc đường lậu tẩu tán gần hết, chỉ còn lại những bao đường được thay bằng vỏ các bao đường nội địa với đầy đủ chứng từ ”- một cán bộ Hải quan cho chúng tôi biết.

Ông Lê Văn Cường, Phó Đội trưởng Đội Kiểm soát Hải quan- Cục Hải quan Kiên Giang cho biết : “Theo đánh giá của Cục Hải quan Kiên Giang, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trong 6 tháng đầu năm 2017 có chiều hướng tăng so với cùng kỳ năm 2016. Hiện nay, tại khu vực biên giới thị xã Hà Tiên chỉ có vài kho trung chuyển đường nhập lậu từ biên giới. Do các lực lượng chức năng kiểm tra gắt gao nên hầu như họ không để hàng lâu tại kho mà nhanh chóng thay bao bì và dùng hóa đơn chứng từ đưa vào nội địa. Do buôn lậu đường có lời nên họ đã sử dụng chiêu “kiến tha lâu đầy tổ” để mua bán, vận chuyển đường lậu qua biên giới và xem đây là phương thức kiếm sống hàng ngày của cư dân vùng biên giới này. Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng tỉnh Kiên Giang đã bắt giữ khoảng 60 tấn đường lậu nhưng xem ra vẫn là con số quá khiêm tốn so với thực tế đường lậu đang qua biên giới Kiên Giang mỗi ngày.

Buôn lậu đường ngày càng tinh vi

Trong 6 tháng đầu năm 2017, các lực lượng chức năng ở địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã bắt giữ trên 73 tấn đường lậu. Theo Ban chỉ đạo 389 tỉnh Đồng Tháp, các chủ hàng đặt mua hoặc mua gom đường kết tinh từ các đối tượng ở biên giới chuyển đến. Ngay sau khi nhận hàng, lập tức họ thay đổi bao bì hoặc ra cây 12 kg; rồi sử dụng xe tải chuyển đi tiêu thụ; họ luôn sử dụng hóa đơn, chứng từ hợp pháp hoặc bộ hồ sơ mua hàng bị tịch thu bán đấu giá để hợp thức hóa hàng lậu. Ngoài các phương thức cũ, các đối tượng đã “sáng tác” kiểu ngụy trang như nông dân, để đường vào bao như chứa lúa rồi vận chuyển vào nội địa, nếu không tinh ý sẽ rất khó phát hiện. Hiện nay, một bao đường nếu vận chuyển trót lọt từ biên giới về đến TP.Cao Lãnh, sau khi trừ chi phí sẽ có lãi từ 50.000 đồng đến 60.000 đồng nên kích thích các đối tượng đi vận chuyển đường lậu nhiều.

Để bắt giữ và xử lý được 1 vụ đường lậu là cả một quá trình đấu tranh vất vả vì các đối tượng đủ chiêu trò đối phó. Việc bắt giữ đòi hỏi phải chặt chẽ, nếu có một chút sơ hở nhỏ cũng là cơ hội để các chủ hàng đường lậu đối phó ngay lập tức, rất khó xử lý. Ông Phan Thành, Đội trưởng Đội Kiểm soát Hải quan- Cục Hải quan Đồng Tháp chia sẻ, việc bắt giữ phải tính toán thật chi tiết cả địa điểm, thời điểm và cách xử lý sau khi bắt giữ mới mong xử lý xong vụ việc.

Đầu tháng 6, Đội Kiểm soát Hải quan- Cục Hải quan Đồng Tháp đã phối hợp cùng Công an phường An Thạnh, thị xã Hồng Ngự tiến hành tuần tra kiểm soát thì phát hiện một đối tượng đang chở 3 bao đường nghi nhập lậu chạy vào 1 kho hàng trên đường Trần Hưng Đạo, thị xã Hồng Ngự nên yêu cầu kiểm tra, đồng thời thông báo chủ kho hàng phối hợp để tổ công tác kiểm kho do có nghi vấn chứa đường lậu. Ngoài 3 bao đường của người chở bằng xe gắn máy, Tổ công tác phát hiện kho này đang chứa 17 bao đường khác, tổng trọng lượng gần 1 tấn. Chủ kho hàng tên là Nguyễn Ngọc Giàu cho biết, ông mua đường trôi nổi của nhiều người vận chuyển từ biên giới về. Ông cũng thừa nhận tất cả các bao đường này do Thái Lan sản xuất. Khi mua xong, ông thay bằng các vỏ bao đường nội địa để tránh phát hiện và tổ chức cho vận chuyển vào nội địa bán kiếm lời.

Phải nói rằng, hoạt động buôn lậu đường trên biên giới các tỉnh Tây Nam đã tồn tại hàng chục năm nay. Có lúc rầm rộ, có lúc lắng xuống nhưng hầu như các phương thức thủ đoạn của buôn lậu đường vẫn còn “phát huy tác dụng” như dùng hóa đơn chứng từ đối phó, thay bao bì, chia nhỏ hàng hóa... Điều đáng nói là nếu như cách đây hơn 10 năm, buôn lậu đường vận chuyển bằng xe đạp là chủ yếu thì hiện nay xe tải là chủ yếu và lực lượng ghe máy, xe gắn máy là chân rết mang hàng về kho. Vì đâu như thế? Vì người tiêu dùng vẫn còn chuộng đường ngoại hay vì đường nội chưa đủ sức cạnh tranh ngay trên sân nhà? Ngành trồng mía, chế biến đường là một trong những ngành nông nghiệp và chế biến quan trọng nhưng đường nội địa vì sao ngắc ngoải trên sân nhà?

Đăng Nguyên

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/dong-chay-hang-lau-qua-bien-gioi-dong-bang-song-cuu-long-bai-1-ma-tran-duong-lau.aspx