Đồng bào Khmer cùng chung tay góp sức xây dựng quê hương

Điều cảm nhận đầu tiên là diện mạo ấp Khmer đang khởi sắc, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện và đổi thay thấy rõ...

Những ngày cận lễ Senđônta (lễ Đôlta) năm nay, chúng tôi về với ấp Khmer (là tên gọi thân thương mà bà con nơi đây đặt cho ấp Đường Đào xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình – Cà Mau), là ấp có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống (69,3%), nhiều nhất tỉnh Cà Mau.

Điều cảm nhận đầu tiên là diện mạo ấp Khmer đang khởi sắc, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện và đổi thay thấy rõ. Trước đây, đời sống của đồng bào Khmer ấp Đường Đào vô cùng khó khăn, nhưng những năm gần đây, nhờ có sự quan tâm chăm lo của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ đồng bào người dân tộc đã tạo nên động lực mạnh mẽ để vùng quê này ngày thêm khởi sắc trong tiến trình xây dựng nông thôn.

Trước kia, khi Chương trình 135 chưa “phủ sóng” đến nơi đây, cuộc sống của cộng đồng người Khmer rất cơ cực, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” theo từng mùa lúa, bắt thủy sản dưới sông và mương đìa nên cuộc sống rất bấp bênh. Vì vậy, có rất nhiều người phải rời bỏ quê hương để tìm kế mưu sinh.

Sau khi “cơn gió lành” mang tên Chương trình 135, 167, 134 thổi vào vùng dân tộc thiểu số nghèo khó của tỉnh Cà Mau, cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, hệ thống thủy lợi nội đồng được cải thiện cùng với sự vận động của chính quyền địa phương, đồng vốn xóa nghèo của Nhà nước, đồng bào Khmer ở ấp Đường Đào đã bắt tay chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tăng thêm thu nhập.

Diện mạo phum sóc ấp Khmer Đường Đào (xã Hồ Thị Kỷ) đang khởi sắc, đường GTNT được đầu tư xây dựng, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của bàn con đồng bào dân tộc Khmer

Diện mạo phum sóc ấp Khmer Đường Đào (xã Hồ Thị Kỷ) đang khởi sắc, đường GTNT được đầu tư xây dựng, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của bàn con đồng bào dân tộc Khmer

Ông Hữu Thảo – Bí thư Chi bộ ấp Ðường Ðào cho biết: Cách đây hơn 5 năm, hộ nghèo chiếm trên 30%, đến nay giảm xuống còn 2%. Những năm gần đây, đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong ấp không ngừng phát triển, người dân tộc biết ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, thu nhập tăng dần từ 10,5 triệu đồng/người/năm (năm 2011), nay lên gần 24 triệu đồng/người/năm, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, nhất là phong trào xây dựng đời sống văn hóa gắn với nông thôn mới. Các hộ gia đình tích lũy cho con học hành thành đạt trên nhiều lĩnh vực…”.

Trong ấp Khmer có nhiều hộ làm kinh tế hiệu quả từ những mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến năng suất cao, nuôi cá bống tượng, nuôi cua thu nhập 70- 100 triệu đồng/ha. Trong đó, có 1 tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản và 3 CLB phát triển kinh tế bền vững. Các mô hình này thời gian qua mang lại hiệu quả cao, thu hút lực lượng lao động tại chỗ, giúp người dân tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống.

Mô hình luân canh lúa – tôm cho hiệu quả kinh tế khá cao, góp phần cho công tác xóa nghèo ở ấp Khmer

Ông Hữu Xếp, ấp Ðường Ðào cho biết: Chỉ sau một thời gian, những người nông dân vốn ham đất, ham lao động, nhờ biết kiên nhẫn với cày cuốc, cái rựa để sinh tồn, phát triển đã bắt đầu một cuộc sống mới. Có chính quyền bên cạnh, họ không còn lẻ loi trong hành trình xóa đói, giảm nghèo.

“Nhờ sự hướng dẫn nhiệt tình của cán bộ Khuyến nông và vốn vay hỗ trợ sản xuất, nhiều hộ dân ấp Khmer đã biết chuyển hướng làm ăn. Riêng nhà tui, cầm mấy chục triệu từ Ngân hàng Chính sách xã hội về, tui bàn với vợ “đổ” hết vào ao tôm, chỉ vài vụ, đã hoàn trả đầy đủ. Sau con tôm, gia đình tui bắt tay áp dụng mô hình nuôi đa con trên cùng diện tích gần 1ha đất canh tác. Bây giờ, khoản thu nhập trên dưới 100 triệu đồng mỗi năm không chỉ giúp cả nhà “sống khỏe”, mà còn là điều kiện vững chắc để chăm lo cho 3 đứa con theo học ở các trường đại học, cao đẳng”, ông Xếp chia sẻ.

Còn chị Trương Thị Chắc ở cùng ấp vui vẻ nói: “Nhiều năm rồi, chưa năm nào gia đình tôi chuẩn bị đón lễ Đôlta chu đáo như năm nay, vì 3 năm qua được chính quyền địa phương hỗ trợ đất sản xuất, tạo điều kiện cho vay vốn đầu tư sản xuất, hiện tại cuộc sống gia đình tôi đã thoát nghèo, có của ăn của để, sửa sang lại được nhà cửa khang trang cùng bà con đón lễ Đôlta”.

Đồng bào dân tộc ấp Khmer thành tâm, các nghi thức đầu tiên đón mừng lễ Đôlta là nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer

Trao đổi với chúng tôi ông Nguyễn Văn Hội, Chủ tịch UBND xã Hồ Thị Kỷ cho biết: “Từ lúc xây dựng nông thôn mới đến nay, chính quyền và nhân dân gần nhau hơn trong việc vận động, tuyên truyền các chủ trương, chính sách, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt. Ðường bê tông được phủ khắp, bà con có điều kiện giao lưu, mở mang hiểu biết, hàng rào cây xanh tươi tốt, hố rác tự hủy đều được bà con tự nguyện thực hiện, người người, nhà nhà trong ấp đều tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới”.

Ấp Khmer với những đổi thay như hôm nay đã minh chứng cho sự quan tâm của Ðảng và Nhà nước đối với đồng bào Khmer và đồng bào Khmer đã cùng chung tay góp sức với chính quyền xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, đời sống vật chất, tinh thần ngày càng phát triển, theo đúng mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới.

PHƯƠNG NGHI

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/dong-bao-khmer-cung-chung-tay-gop-suc-xay-dung-que-huong-post176594.html