Donald Trump không thể bỏ tù bà Clinton dù trở thành tổng thống Mỹ?

Nếu giành thắng với và trở thành tổng thống Mỹ, Donald Trump vẫn không thể bỏ tù bà Hillary Clinton bởi luật pháp Mỹ có những quy định ngăn Tổng thống lộng hành sau bài học đắt giá từ quá khứ.

Trong phiên tranh luận trực tiếp trên truyền hình tối 9/10 theo giờ Mỹ, ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump đe dọa đẩy bà Hillary Clinton , đối thủ phe Dân chủ, vào tù nếu giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng tháng 11 tới. Tuy nhiên, lời đe dọa mà tỷ phú New York đưa ra hoàn toàn không có giá trị pháp lý.

Luật pháp liên bang của Mỹ quy định quyền phát xét nằm trong tay các thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ, vốn có 9 người. Đây là quy định được đưa ra nhằm bảo vệ người dân Mỹ khỏi sự lộng hành của Tổng thống, người có thể sử dụng các công tố viên đặc biệt như một công cụ chính trị, điều ông Trump vừa sử dụng để đe dọa bà Clinton trong phiên tranh luận trực tiếp lần 2.

Trên thực tế, Tổng thống Mỹ không có quyền bổ nhiệm một công tố viên đặc biệt mà là các thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ có thể làm việc này. Tuy nhiên, bản thân các thẩm phán cũng cần áp dụng những điều kiện nhất định để chỉ định một công tố viên đặc biệt. Thứ nhất, thẩm phán phải đảm bảo một cuộc điều tra hình sự sẽ được tiến hành. Thứ hai, một cuộc điều tra thông thường phải đại diện cho một mối xung đột lợi ích, chẳng hạn như lợi ích công cộng. Những quy định này ra đời nhằm hạn chế Tổng thống Mỹ sử dụng văn phòng công tố viên đặc biệt để nhằm vào đối thủ.

Ông Donald Trump và bà Hillary Clinton trong cuộc tranh luận trực tiếp lần 2.

Đây là vấn đề cốt lõi để tạo ra dân chủ. Theo các nhà khoa học chính trị, việc đảm bảo cho những người thua cuộc trong các cuộc đua vào Nhà Trắng tiếp tục kinh doanh, hoạt động đối lập và có thể chạy đua một lần nữa là cần thiết. Nó cũng khiến người chiến thắng không đẩy đối thủ vào tù vì những bất đồng trong quá trình chạy đua vào Nhà Trắng.

Nếu người thắng lợi bỏ tù đối thủ, đó là dấu hiệu của độc tài chứ không phải dân chủ. Ai Cập là ví dụ điển hình nhất. Tổng thống Abdel-Fattah El-Sisi không ngừng truy tố các nhà lãnh đạo Ai Cập sau khi đắc cử năm 2014. Không ai trong số các lãnh đạo thuộc tổ chức Anh em Hồi giáo có cơ hội chạy đua lần thứ 2 và cũng chẳng ai nghi ngờ nền dân chủ ở Ai Cập đã kết thúc.

Có thể nói rằng, ông Trump cực đoan khi đe dọa truy tố bà Clinton nếu đắc cử tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, nền dân chủ ở Mỹ khá ổn định và các tổng thống cũng cần phải biết cách hành xử với đối thủ hoặc người tiền nhiệm. Gerald Ford từng ân xá cho người tiền nhiệm Richard Nixon trong khi George W. Bush không tìm cách truy tố Bill Clinton vì khai man dù ông ta có quyền làm điều đó. Barack Obama cũng không cố gắng truy tố các quan chức trong chính quyền Tổng thống Bush vì các vụ tra tấn.

Trong mỗi trường hợp nêu trên, có những lý do chính trị khác nhau để người sau không truy tố người trước. Tuy nhiên, lý do lớn nhất là việc các tổng thống Mỹ không muốn bóng ma bị truy tố bởi người kế nhiệm ám ảnh. Tuy nhiên, lời đe dọa của ông Trump cho thấy sự phớt lờ những giá trị mà các tổng thống Mỹ duy trì trong nhiều năm qua. Ngay cả khi không đắc cử, quan điểm của Trump vẫn là điều nguy hiểm với nước Mỹ.

Linh Anh

Theo Trí thức trẻ

Nguồn CafeF: http://cafef.vn/donald-trump-khong-the-bo-tu-ba-clinton-du-tro-thanh-tong-thong-my-2016101013530465.chn