'Donald Trump không phải là tổng thống của tôi'

Đêm thứ 2 của cuộc biểu tình phản đối tổng thống đắc cử Donald Trump, nhiều thanh niên New York đã kể lại những câu chuyện đau lòng về nạn phân biệt chủng tộc, giới tính tại Mỹ.

Tối 11/11, hàng trăm người dân New York lại tụ tập tại khu Union Square để biểu tình phản đối tổng thống đắc cử Donald Trump. Với những người có mặt ở đây, việc tỷ phú nổi tiếng ngang tàng trở thành người lãnh đạo đất nước là một hiện thực không thể nào chấp nhận được.

'Chúng ta đánh giá thấp Trump'

Ở Union Square, lần lượt từng người kể lại những cảm xúc cá nhân của mình sau khi chứng kiến ông Trump chiến thắng trước bà Hillary Clinton trong đêm 8/11. Đầu tiên, đó là những lời kêu gọi hành động.

Người biểu tình giơ cao khẩu hiệu "Không phải tổng thống của tôi" tại New York. Ảnh: Thanh Tuấn.

Một cô gái còn rất trẻ cầm micro nói: “Chúng ta ở đây có rất nhiều khác biệt, từ giới tính, chủng tộc cho đến quan điểm chính trị. Tôi biết có người ủng hộ (thượng nghị sĩ) Bernie Sanders, có người bỏ phiếu cho Jill Stein, có người vì bà Hillary Clinton..."

Điều tôi muốn nói là dù Trump đắc cử tổng thống, đảng Cộng hòa giành quyền kiểm soát Thượng viện và Hạ viện, nhưng điều quan trọng là chúng ta sẽ phải làm gì. Chúng ta phải khẳng định quyền công dân”, cô nhấn mạnh.

Đến lượt mình, một người đàn ông lớn tuổi khẳng định: “Trong 4 năm tới, chúng ta phải hết sức nỗ lực. Chỉ 2 năm nữa thôi là sẽ đến một cuộc bầu cử mới (quốc hội Mỹ), chúng ta phải đảm bảo rằng lá phiếu của mình có giá trị".

Anh nói tiếp: "Chúng ta phải bảo vệ những người bạn đồng tính, chuyển giới, nhập cư... của chúng ta. Chúng ta hãy đoàn kết. Như ông Bernie Sanders từng nói, khi hàng triệu người đoàn kết thì thay đổi sẽ đến. Chúng ta đã đánh giá thấp Trump. Đừng mắc lại sai lầm đó”.

Alex, một cậu bé mới chỉ 12 tuổi, dõng dạc: “Tôi mới chỉ 12 tuổi nhưng vẫn hiểu rằng chúng ta không thể chấp nhận được Trump. Ông ta đang phá hủy tất cả những gì tốt đẹp của nước Mỹ. Những người bầu cho ông Trump không độc ác, nhưng họ đã hiểu sai mọi chuyện. Chúng ta cần phải giúp cho họ thấu hiểu sự thật”.

Cả đám đông vỗ tay hoan hô, huýt sáo hưởng những lời lẽ của cậu bé học sinh cấp 2.

Những bi kịch trong lòng nước Mỹ

Sau những lời cổ động, đã có không ít người biểu tình tiết lộ những bi kịch cá nhân đầy đau đớn, những nỗi đau họ chôn giấu trong lòng và chúng bùng nổ khi họ chứng kiến ông Trump, một người từng có nhiều phát biểu phân biệt chủng tộc và giới tính, thắng cử.

May, một cô gái rụt rè, cầm micro nói: “Xin chào mọi người. Tôi rất bối rối”. Bất ngờ, cô bật khóc kể: “Tôi bị một bạn học cưỡng hiếp. Hắn ta còn khoe chuyện đó trên mạng xã hội”.

“Mọi chuyện vô cùng khó khăn đối với tôi. Tôi là một cô gái da trắng, được học hành đàng hoàng nhưng cuộc sống đang sụp đổ. Cha tôi biết rõ chuyện xảy ra đối với tôi nhưng vẫn bỏ phiếu cho Trump. Tôi không thể tưởng tượng được giờ này những người bạn đồng tính, chuyển giới, nhập cư và theo đạo Hồi của chúng ta đang cảm thấy thế nào khi thấy Trump thắng cử”, cô nức nở.

Tiếp lời, một cô gái da đen phẫn nộ nói: “Tôi từng học hành đàng hoàng, tiết kiệm đủ tiền để mua căn hộ. Nhưng rồi tôi bị một gã đàn ông lừa đảo hết tiền của tôi và cưỡng hiếp tôi. Tôi tố cáo vụ việc ra cảnh sát nhưng họ không tin tôi, thậm chí tống tôi vào tù mười mấy ngày. Sức khỏe của tôi suy kiệt, tôi mất bảo hiểm y tế, mất tất cả. Mãi đến khi luật bảo hiểm y tế Obamacare được thông qua, tôi mới có thể đến khám bác sĩ”.

Rồi một cô gái đồng tính tâm sự gia đình hoàn toàn chấp nhận con người của cô, nhưng cha mẹ bạn gái cô thì không như vậy. “Nếu họ biết cô ấy là người đồng tính, chắc chắn họ sẽ đuổi cô ấy ra khỏi nhà. Tôi rất lo sợ rằng em gái nhỏ của mình sẽ phải lớn lên trong một đất nước mà tổng thống thoải mái nói càn về chuyện tấn công tình dục phụ nữ”, cô nói.

Đến lượt mình, một thanh niên da đen ngậm ngùi: “Đừng nghĩ rằng ông Obama được bầu làm tổng thống thì chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở Mỹ chấm dứt. Khu dân cư nơi tôi ở chẳng bao giờ được được chính quyền thành phố đoái hoài. Chỉ đến khi một số gia đình da trắng dọn tới thì người ta mới đi dọn rác tại đó”.

Nạn kỳ thị chủng tộc, giới tính vẫn tồn tại ở Mỹ. Những người thiểu số lo lắng tình trạng càng tệ hại hơn dưới thời đại của Trump. Ảnh: Thanh Tuấn.

Quyết chống Trump

Sau những lời tâm sự đó, đám đông hàng trăm người bắt đầu đi xuống đường từ phố 14 đến đại lộ 5, nơi có tòa nhà Trump Tower, để phản đối ông Trump.

Trước đó, cảnh sát đã dựng rào chắn ở bên ngoài tòa nhà Trump Tower để ngăn chặn người biểu tình tiếp cận khu vực này. Không sờn lòng, đám đông biểu tình tụ tập phía bên kia đường, hừng hực thể hiện thái độ với tổng thống đắc cử của nước Mỹ.

Họ giơ cao những biểu ngữ như: “(Donald Trump) không phải là tổng thống của tôi”, “Phế truất Donald Trump”, “Cơ thể của người phụ nữ, sự lựa chọn là của họ”... Những người biểu tình đồng thanh hô vang: “Chúng tôi không thừa nhận tổng thống đắc cử”, “Hey ho, Donald Trump phải ra đi”, “Không phải là tổng thống của tôi”...

Các cuộc biểu tình cũng nổ ra tại nhiều thành phố ở nước Mỹ. Ông Donald Trump đã giành thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử trước bà Clinton, nhưng những gì đã xảy ra cho thấy trong 4 năm tới, ông sẽ phải đối mặt với sự chống đối quyết liệt của tầng lớp thanh niên hướng về cánh tả, chủ nghĩa tự do. Quãng thời gian ở Nhà Trắng của ông Trump chắc chắn sẽ đầy thử thách.

Hiếu Trung (Từ New York, Mỹ)

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/donald-trump-khong-phai-la-tong-thong-cua-toi-post696939.html