Donald Trump đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ: Sự lựa chọn chiến lược cạnh tranh toàn cầu

Đối thủ của bà Hillary Clinton là một tỷ phú, không có kinh nghiệm chính trường, nhưng năng động và thực tế, ông Donald Trump lấy tư tưởng bảo thủ hữu khuynh “Chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch” làm cương lĩnh tranh cử và cũng là chiến lược cạnh tranh kinh tế toàn cầu của Hoa Kỳ.

Bài 1: Chiến lược “thương mại tự do” đã lỗi thời

Bài 2: Tác động thế nào tới Việt Nam?

Cử tri Hoa Kỳ mong muốn có một sự thay đổi thực sự

Trên thực tế, các yếu tố chính trị có ảnh hưởng rất lớn đến quyết định của một chính phủ trong bảo hộ mậu dịch. Còn một thực tế khác là điều trái ngược xảy ra ngay tại quốc gia kêu gọi chủ trương tự do thương mại toàn cầu. Các nhà sản xuất Hoa Kỳ - thay vì tăng cường hiệu năng sản xuất để nâng cao tính cạnh tranh, lại sẵn sàng chi tiền để vận động những nhà lập pháp và hành pháp nhằm đưa ra những luật lệ bất bình đẳng. Việc làm đó bị coi là cổ vũ cho chủ nghĩa bảo hộ chứ không phải là tự do mậu dịch. Về lý thuyết, việc bảo hộ mậu dịch đem lại lợi ích nhất thời cho các nhà sản xuất trong nước, đảm bảo được mục tiêu xã hội là đảm bảo được công ăn việc làm cho một số nhóm người lao động nào đó. Mặt trái của nó là làm cho các nhà sản xuất trong nước có cơ hội đầu cơ trên giá bán hàng (hay cung cấp dịch vụ) ở mức có lợi nhất cho họ hoặc không có các biện pháp nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Điều này đem lại thiệt hại cho người tiêu dùng xét theo mục tiêu dài hạn.

Chiến lược “Bảo hộ mậu dịch” không phải là mới. Nó đã được phát minh và áp dụng ngay từ buổi bình minh của thời kỳ công nghiệp hóa. “Nước Hoa Kỳ như là quê hương và thành trì của chủ nghĩa bảo hộ hiện đại”. “Nền kinh tế Hoa Kỳ không thể đạt được vị trí như ngày hôm nay nếu không có chính sách bảo hộ mạnh mẽ bằng thuế quan, Chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch cũng cần vai trò của Chính phủ Hoa Kỳ trong việc phát triển cơ sở hạ tầng và trợ cấp chi R&D, và vẫn được duy trì cho đến ngày nay”. Để bảo vệ lợi ích của mình, Hoa Kỳ đã phát triển các biện pháp bảo hộ mậu dịch mới như thi hành chính sách đồng USD rẻ, tăng cường nới lỏng tiền tệ, mở rộng các gói QE, lãi suất siêu thấp, nâng cao tiêu chuẩn chất lượng, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, hạ tín nhiệm của các đối tác, bài ngoại… Hoa Kỳ đang áp dụng 80% trong số 31.000 biện pháp “bảo hộ mậu dịch” trên thế giới hiện nay. Song không phải lúc nào và lĩnh vực nào Hoa Kỳ cũng thi hành chính sách bảo hộ mậu dịch. Việc áp dụng còn tùy thuộc vào hoàn cảnh và đặc biệt là quan điểm của người đứng đầu nước Hoa Kỳ. Trong hoàn cảnh hiện nay tại nước Hoa Kỳ, Donal Trump thuyết minh về các chính sách bài ngoại, cổ vũ chủ nghĩa dân tộc, buộc các quốc gia đồng minh chia sẻ trách nhiệm… Ông Trump đã tuyên bố thẳng thừng rằng ông sẽ xây bức tường ngăn biên giới với Mexico , in thêm 1.500 tỷ USD để bơm vào nền kinh tế Hoa Kỳ, hủy bỏ hiệp đinh TPP… Ông đã nâng chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch của Hoa Kỳ lên hàng quốc sách, coi đó là giải pháp mạnh mẽ giành lại địa vị bá chủ thế giới của Hoa Kỳ. Trái ngược với bà Hillary Clinton, ông Trump đả kích thô bạo với chính giới tài phiệt Hoa Kỳ. Ông nói: “Giới tinh hoa tài chính” đã là “những kẻ cướp”, không những cướp của người Hoa Kỳ mà cả đối với toàn thế giới. Ông tuyên bố sẽ giảm thuế cho người giàu (để họ tạo thêm việc làm) và tăng thuế đối với người nghèo để họ chăm lao động hơn…

Vậy mà tỷ phú Donald Trump đã bất ngờ giành thắng lợi vang dội trước cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton trong cuộc bầu cử lịch sử này. Theo nhận định của giới phân tích, về nguyên nhân chủ quan, có thể nói rằng khí chất cứng cỏi và bản lĩnh của ứng cử viên Đảng Cộng hòa, một doanh nhân rất thành đạt trên thương trường, đã thuyết phục được cử tri Hoa Kỳ. Khẩu hiệu “Đưa nước Hoa Kỳ vĩ đại trở lại” đã thực sự đánh thức lòng tự hào dân tộc của nhiều cử tri. Những cử tri ủng hộ ông Trump không hẳn yêu thích con người ông, mà họ ủng hộ ông vì những mối lo như vấn đề người nhập cư, việc làm, bản sắc,... Ông tuyên bố sẽ cắt giảm sự hỗ trợ đối với các đồng minh, giảm can thiệp vào các điểm “nóng” để ưu tiên dành các nguồn lực cho phát triển đất nước. Điều này hoàn toàn trái với chủ trương “cứng rắn” của bà Clinton như cam kết đẩy mạnh chiến dịch quân sự tại Syria, thắt chặt quan hệ với các đồng minh truyền thống, thúc đẩy chính sách “xoay trục” sang châu Á – Thái Bình Dương...

Về mặt khách quan, rất nhiều cử tri Hoa Kỳ đã mất niềm tin vào ứng cử viên của Đảng Dân chủ Hillary Clinton sau vụ bê bối sử dụng hòm thư điện tử cá nhân để giải quyết việc công khi bà còn giữ cương vị Ngoại trưởng từ năm 2009 - 2013. Đa số cử tri Hoa Kỳ cho rằng bà là người thiếu trung thực và vụ bê bối này có ảnh hưởng không khác gì vụ Watergate vì đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia Hoa Kỳ.

Chiến thắng bất ngờ nhưng thuyết phục của ứng cử viên Donald Trump, một người được coi là “ngoại đạo” trong cuộc đua vào Nhà Trắng, cho thấy nguyện vọng của cử tri Hoa Kỳ mong muốn có một sự thay đổi thực sự. Trong khi đó, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton đã quá quen thuộc với chính trường Hoa Kỳ trong suốt 30 năm qua. Và người ta nhìn thấy ở bà một sự lặp lại những gì đã diễn ra trong suốt 8 năm dưới thời chính quyền của đảng Dân chủ. Trong bối cảnh đó, ông Trump chắc chắn được coi là làn gió mới mang lại hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn cho nước Hoa Kỳ trong 4 năm tới. Rõ ràng, thắng lợi của ông Trump là thắng lợi của một chiến lược bảo thủ, hữu khuynh nhưng thực dụng, đã giải tỏa được tâm trạng bất mãn của người dân trong cuộc khủng hoảng kéo dài hiện nay. Cùng với Brexit, thắng lợi của ông Trump dường như có dấu hiệu chuyển biến từ nền dân chủ đại diện sang nền dân chủ đại chúng ở những quốc gia phát triển. Cần phải lưu ý rằng, chính quyền Hoa Kỳ, dù thuộc về Đảng Dân chủ hay Cộng hòa, họ đều kết hợp cả chính sách “mậu dịch tự do” và “bảo hộ mậu dịch”. Tùy theo hoàn cảnh mà họ điều chỉnh tỷ trọng cho hợp lý.

Ba lần nhắc tới Việt Nam trong vận động tranh cử

Sau hơn 20 năm hai nước bình thường hóa quan hệ song phương, hợp tác Việt Nam – Hoa Kỳ ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả và ổn định. Sự kiện hai nước xác lập khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện (tháng 7/2013) đưa quan hệ song phương bước sang giai đoạn phát triển mới, với những tiến triển thực chất trên nhiều lĩnh vực, trên cả bình diện song phương và đa phương. Chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Hoa Kỳ tháng 7/2015, trong đó hai nước ký Tuyên bố Tầm nhìn chung Việt Nam - Hoa Kỳ, tiếp tục thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện phát triển tích cực, ngày càng sâu rộng và thực chất.

Chế biến thủy sản xuất khẩu sang thị trường Mỹ tại tỉnh Cà Mau. Ảnh: Minh Hùng

Trong lĩnh vực kinh tế, hợp tác giữa hai nước duy trì ổn định. Từ năm 2005, Hoa Kỳ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam . Kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng ở mức 20% liên tục trong những năm gần đây, đạt hơn 45 tỷ USD năm 2015; trong đó Việt Nam luôn xuất siêu. Hoa Kỳ là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 7 tại Việt Nam , đến tháng 6/2015 có 748 dự án, với tổng đầu tư trực tiếp ước đạt hơn 11 tỷ USD. Cùng các nước tham gia, Việt Nam và Hoa Kỳ đã kết thúc đàm phán và ký Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hồi tháng 2/2016 và hiện phối hợp chặt chẽ để Quốc hội hai nước sớm thông qua… Trên bình diện đa phương, Việt Nam và Hoa Kỳ tăng cường hợp tác, phối hợp tốt tại các diễn đàn quốc tế và khu vực; phối hợp về chương trình nghị sự toàn cầu, củng cố đoàn kết và đề cao vai trò của ASEAN, thúc đẩy quan hệ ASEAN - Hoa Kỳ.

Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong hai nhiệm kỳ của Tổng thống Obama. Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong người dân Việt Nam .

Tuy nhiên, trong quá trình vận động tranh cử, ông Donald Trump đã ba lần nhắc tới Việt Nam như là người cướp việc làm của Hoa Kỳ. Ông cũng tuyên bố sẽ rút khỏi TPP - Hiệp định mà Việt Nam là một thành viên. Song việc ông đắc cử Tổng thống chắc chắn ông sẽ tính đến lợi ích của quan hệ hai nước. Trong phát biểu mừng chiến thắng ngày 9/11/2016, Tổng thống Trump nói: “Chúng ta sẽ thân thiện với tất cả những nước nào sẵn lòng thân thiện với chúng ta. Chúng ta sẽ thiết lập những mối quan hệ tuyệt vời. Chúng ta tin vào điều đó. Không một giấc mơ nào quá lớn, không một thử thách nào quá khó. Không có bất kỳ mục tiêu nào trong tương lai vượt quá khả năng chúng ta. Tôi muốn nói với cộng đồng quốc tế rằng dù chúng tôi luôn đặt cao lợi ích của Hoa Kỳ lên hàng đầu, chúng tôi vẫn sẽ đối xử công bằng với tất cả. Với những nước khác và người dân của họ, chúng ta sẽ tìm điểm tương đồng và tránh thù địch, tìm đến sự hợp tác và tránh giao tranh”.

Với tinh thần đó, chúng ta có thể tin tưởng rằng, ông sẽ không hủy bỏ hoặc hạn chế những quan hệ tốt đẹp đã được hai bên xây đắp trong những năm qua. Niềm tin đó lại được củng cố khi một yếu nhân của nước Hoa Kỳ khẳng định.

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/donald-trump-dac-cu-tong-thong-hoa-ky-su-lua-chon-chien-luoc-canh-tranh-toan-cau-272754.html