Donald Trump đã bất chấp tất cả để sa thải Giám đốc FBI

Trong cuộc phỏng vấn mới nhất vào hôm qua (11/5), Tổng thống Donald Trump cho biết ông đã quyết định sa thải Giám đốc FBI James Comey trước cả khi nhận được lời tư vấn của Phó Bộ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein và những quan chức cấp cao khác.

Trả lời phỏng vấn NBC News, ông chủ Nhà Trắng cho hay: “Tôi đã chuẩn bị cho việc sa thải ông Comey".

Theo CNN, ban đầu Nhà Trắng cho biết chính đề nghị từ Bộ trưởng Jeff Sessions và Phó Bộ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein đã khiến ông Trump đưa ra quyết định sa thải ông Comey, nhưng Tổng thống lại tự mình phủ nhận thông tin trên khi cho rằng ông đã lên kế hoạch làm như vậy sau đó mới yêu cầu tư vấn từ các quan chức để hỗ trợ cho quyết định của mình.

Tổng thống Donald Trump trả lời phỏng vấn NBC News. Nguồn: NBC

Việc Tổng thống Trump sa thải giám đốc James Comey đã làm dấy lên một làn sóng chỉ trích cách làm việc của Nhà Trắng. Các nghị sĩ đảng Dân chủ và một số thành viên đảng Cộng hòa tại Đồi Capitol đã đặt câu hỏi về thời gian của quyết định nói trên, đặc biệt là giữa lúc FBI đang tiến hành điều tra về khả năng có liên hệ giữa chiến dịch tranh cử của ông Trump với Moscow.

Nhà Trắng ban đầu đã phản pháo lại những chỉ trích nói trên bằng cách đưa ra bằng chứng lời đề nghị của ông Rosenstein với Tổng thống. Phó thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders hôm 11/5 đã bác bỏ mọi cáo buộc về thời điểm sa thải giám đốc FBI và khẳng định lá thư của Phó Bộ trưởng Trư pháp chính là “giọt nước cuối cùng” giúp ông Trump đưa ra quyết định cho thôi việc. Bà Sanders còn củng cố thêm bằng chứng khi nói rằng kể cả Phó Tổng thống Mike Pence cũng khẳng định ông Trump sa thải ông Comey vì lá thư của quan chức tư pháp.

“Không một ai ở trong bóng tối cả. Tại sao chúng ta lại cãi nhau về câu chữ làm gì”, bà Sanders nói với báo giới.

Trong buổi phỏng vấn với NBC, Tổng thống Trump đã chỉ trích mạnh mẽ giám đốc FBI, gọi ông là “kẻ hát rong” và “chuộng hình thức”, đồng thời nhấn mạnh rằng chính ông Comey đã đẩy Cục điều tra Liên bang Mỹ vào “tình trạng hỗn loạn”.

Tuy nhiên, lời nhận xét của ông Trump đã vấp phải sự phản đối của các quan chức FBI, những người khẳng định rằng cơ quan này không phải đang đối mặt với cuộc khủng hoảng niềm tin như Nhà Trắng đã nói.

Andrew McCabe, quyền giám đốc FBI và là cựu Phó giám đốc của ông Comey, khẳng định trong buổi điều trần trước Quốc hội hôm 11/5 rằng ông Comey “được sự ủng hộ lớn” trong cơ quan. “Phần lớn, hầu hết các nhân viên FBI đều có sự kết nối tích cực và sâu sắc với giám đốc Comey”, ông McCabe cho biết.

Tương đương bê bối Watergate?

Sau khi thông tin sa thải Giám đốc Cơ quan Điều tra Liên bang Mỹ James Comey được phát tán trên truyền thông, dư luận Mỹ đã liên tưởng hành động này có nhiều nét tương đồng với bê bối Watergate từng gây rúng động chính trường Mỹ. Bê bối này xảy ra từ năm 1972 - 1974 vào thời điểm Chiến tranh Việt Nam khi chính quyền Tổng thống Richard Nixon lạm dụng quyền lực để ngăn cản phong trào phản chiến và Đảng Dân chủ.

Khi đó, cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon sa thải Archibald Cox, công tố viên đặc biệt chịu trách nhiệm điều tra vụ đột nhập văn phòng Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ (DNC) bên trong tòa nhà Watergate ngày 17/6/1972. Cuối cùng, khi bê bối vỡ lở, đứng trước nguy cơ bị phế truất, Tổng thống Richard Nixon đã phải tuyên bố từ chức.

Ông Trump và cựu Giám đốc FBI vừa bị sa thải James Comey. Nguồn: Firenews

Đối với sự việc lần này, nhiều nguồn tin từ truyền thông cho rằng, ông Donald Trump đã sa thải Giám đốc FBI vì đi sâu điều tra cáo buộc chiến dịch tranh cử ông Trump có mối liên hệ với Nga. Reuters hôm qua (11/5) đã dẫn các nguồn tin từ nhiều nghị sĩ cho biết, vài ngày trước khi bị sa thải, ông Comey từng đề nghị cung cấp thêm tài chính để mở rộng điều tra nói trên.

Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump, Tổng chưởng lý Jeff Sessions, Phó Bộ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein đã phủ nhận thông tin trên, nói rằng quyết định này không liên quan tới cuộc điều tra Nga. Họ khẳng định ông Comey bị sa thải vì sai phạm trong quá trình điều tra vụ bê bối thư điện tử của cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton khi bà sử dụng máy cá nhân để xử lý việc công.

Theo cựu Giám đốc Sở Mật vụ Quốc gia thuộc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA), cũng là một chuyên gia an ninh quốc gia, Glenn Carle nhận định, sự việc này có thể trở thành “thảm họa” nếu ông Trump sa thải ông Comey vì FBI điều tra mối quan hệ Trump - Nga.

“Watergate là vụ việc rất lớn nhưng về cơ bản đó là cáo buộc hình sự, còn việc ông Trump sa thải ông Comey, nếu đúng là vì Nga thì sẽ là hành động “phản bội”, là mối đe dọa nghiêm trọng tới an ninh quốc gia Hoa Kỳ”, chuyên gia Carle cho biết.

“Chúng ta không thể tha thứ cho hành động một quan chức khi sa thải người đang điều tra ông ta và các cáo buộc thông đồng với nước ngoài, nếu điều đó có thật”, Richard Painter, cựu luật sư trưởng về vấn đề đạo đức Nhà Trắng dưới thời Tổng thống George W. Bush, nhận xét.

Như vậy, có thể nói, nếu Tổng thống Donald Trump sa thải giám đốc FBI để che đậy cuộc điều tra liên quan tới Moscow thì đó sẽ được coi là hành động can thiệp của nhánh hành pháp vào một cuộc điều tra pháp lý. Về mặt Hiến pháp, hành động đó có thể coi là lừa dối người dân Mỹ và cản trở công tác điều tra hành vi sai trái của người đứng đầu Nhà Trắng. Tức là, ông Trump đã vi phạm lời hứa khi tuyên thệ nhậm chức.

Tuệ Minh (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/donald-trump-da-bat-chap-tat-ca-de-sa-thai-giam-doc-fbi-post227439.info