Donald Trump có cơ hội giành chiến thắng

Trao đổi với phóng viên Lao Động, Giáo sư James D.Bindenagel, Đại học Bonn (Đức) dự đoán, nhiều người thuộc Đảng Cộng hòa cho rằng họ có nhiều cơ hội trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ lần này, thua là điều họ không nghĩ đến.

- Người ta nói rằng cuộc bầu cử Mỹ năm nay rất "kỳ lạ" vì ứng viên Donald Trump thì bốc đồng còn bà Hillary Clinton là một chính trị gia nổi tiếng nhưng lại dính vào bê bối thư điện tử. Ông nhận xét gì về hai ứng viên này?

- Bầu cử Mỹ rất khó đoán vì đây không phải là một cuộc bầu cử toàn quốc, mà là các cuộc bầu cử của 50 bang với 135 triệu cử tri lựa chọn ra cử tri đoàn gồm 538 đại cử tri. Ứng viên muốn giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng phải nhận được quá bán số phiếu ủng hộ từ cử tri đoàn, nghĩa là phải đủ 270 phiếu bầu của đại cử tri.

Bà Hillary Clinton, người phụ nữ đầu tiên được đề cử tranh chức tổng thống, là một luật sư, cựu đệ nhất phu nhân, thượng nghị sĩ, ngoại trưởng Mỹ và hiện là ứng viên của Đảng Dân chủ. Bà có nhiều điều công chúng không thích nhưng vẫn đang là thách thức rất lớn đối với Donald Trump. Clinton có nhiều chính sách về phát triển kinh tế, y tế, chống khủng bố, thương mại, vị thế của phụ nữ và tôn trọng nhân quyền.

Donald Trump, con trai của một ông trùm bất động sản, ông chủ của các cuộc thi sắc đẹp, đã dành được vị trí đại diện cho Đảng Cộng hòa sau một chiến dịch cam go. Vị thế ngôi sao truyền hình của Trump khi ông tham gia vào show truyền hình thực tế "Thực tập sinh" (The Apprentice) đưa ông tiếp cận tới hàng triệu gia đình.

Sự am hiểu về truyền thông đã kiếm về cho Trump hàng tỉ đô. Việc Trump biết tận dụng mạng xã hội cũng góp phần làm tăng số phiếu dành cho ông, giúp ông dành chiến thắng sít sao ở các bang “chiến trường”. Tuy nhiên, những tuyên bố chính sách của ông gây chia rẽ và phân biệt đối xử.

- Trump bất ngờ trở thành đại diện của Đảng Cộng hòa, nhưng sau đó nhiều nhân vật cao cấp của Đảng Cộng hòa lại tuyên bố chấm dứt ủng hộ với ông ta. Vậy đâu là trách nhiệm của họ?

- Nếu Donald Trump đắc cử, các nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa chắc chắn sẽ phải quay trở lại và tìm cách gây ảnh hưởng đến quan điểm chính sách mâu thuẫn của ông ta. Họ sẽ phải định hình chính sách để đối phó với việc Trump phản đối Điều 5 của Hiệp ước NATO (phòng thủ tập thể), với lời kêu gọi tái đàm phán các hiệp định thương mại, với sự ủng hộ chủ nghĩa biệt lập, cấm người Hồi giáo nhập cư, kế hoạch xây tường băn biên giới Mexico, phản đối TPP và nhiều vấn đề khác.

Trump cũng không hiểu gì về những nguyên tắc cơ bản của việc hạn chế các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt và khuyến khích Hàn Quốc - Nhật Bản sở hữu vũ khí hạt nhân.

Nếu Trump thua, trước hết ông ấy sẽ phải chấp nhận và không tranh cãi về kết quả bầu cử. Những người đứng đầu Đảng Cộng hòa sẽ phải quyết định xem ông ấy có nên tiếp tục ở lại Đảng Cộng hòa nữa hay không.

Đảng Cộng hòa sẽ phải quyết định liệu họ có muốn lãnh đạo một nền dân chủ sụp đổ hay muốn giành chiến thắng trong những cuộc bầu cử trong tương lai.

- Ông có thể dự đoán gì về cơ hội của hai ứng viên?

- Nhiều người thuộc Đảng Cộng hòa cho rằng họ có nhiều cơ hội trong cuộc bầu cử tổng thống lần này. Thua là điều họ không nghĩ đến. Bởi sau nhiệm kì 8 năm dưới thời của một Tổng thống Đảng Dân chủ và một chiến dịch 8 năm chống lại ông Obama và bà Clinton, và với một ứng viên đảng Dân chủ bị ghét cay ghét đắng, thì niềm mong mỏi có sự thay đổi gì đó cho đất nước là rất mãnh liệt. Vậy Donald Trump có thể thắng không? Câu trả lời là có.

Trump biết xoáy vào sự tức giận của cử tri về mức thu nhập ngày càng giảm của tầng lớp trung lưu, về việc quốc gia ngày càng mất đi bản sắc và việc chống lại các nguyên tắc sẵn có.

Cùng với sự tức giận đối với phố Wall vì khoảng cách chênh lệch thu nhập ngày càng tăng, các nhà băng “chơi đùa” với tài chính của cử tri gây nên suy thoái kinh tế và khả năng lãnh đạo yếu kém của Obama làm nổ ra các cuộc chiến tranh. Trump khuấy lên nỗi sợ hãi của những người nhập cư, đạo Hồi, người khuyết tật và phụ nữ.

Trong khi đó, cựu Ngoại trưởng Clinton thiên về can thiệp vào các nước khác hơn là Tổng thống Obama và nhiều người trong Đảng Dân chủ. Bà đưa ra những hành động quân sự để hạ bệ Tổng thống Syria Bashar al-Assad và ủng hộ chiến tranh ở Iraq, mặc dù sau đó bà khẳng định đó là một sai lầm.

Clinton là một người biết sử dụng quyền lực một cách thông minh và tin rằng việc dùng chính sách ngoại giao và phát triển sẽ đem lại lợi ích cho Mỹ. Tuy nhiên, đáng tiếc, chiến dịch tranh cử của bà vẫn gây chút tranh cãi.

Về cơ bản, huy động được đông đảo lực lượng ủng hộ là chìa khóa để giành chiến thắng và những ngày cuối cùng là những giờ phút nỗ lực căng thẳng của chiến dịch "Get Out the Vote" này đối với cả hai đảng.

- Hai ứng viên, đặc biệt là Donald Trump, đã sử dụng "thủ đoạn bẩn thỉu" khi tập trung công kích cá nhân. Đó có phải là một biểu hiện của sự suy thoái chính trị Mỹ?

- Người Mỹ rất thất vọng về việc hai ứng viên tránh né tranh luận về các vấn đề ảnh hưởng đến cuộc sống của họ trong các cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình. Cử tri không có cơ hội được nghe tranh luận về tác động của toàn cầu hóa, số hóa và thay đổi công nghệ trong tầng lớp trung lưu ở các nước phát triển.

Nhà kinh tế học Branko Milanovic và Chiristoph Lakner đã chỉ ra rằng, những người chiến thắng của toàn cầu hóa không được tìm thấy ở những nước phát triển mà ở các nước đang phát triển, nhất là ở Châu Á. Giới tinh hoa chính trị đã thất bại trong việc nắm vững tác động của những thay đổi kiến tạo này.

Trump đã động chạm đến chúng, nhưng đáng tiếc những thay đổi này đã dẫn đến kết quả là những xung đột về giới tính, chủng tộc, tôn giáo và môi trường. Chiến dịch tranh cử bỏ lỡ cơ hội định hình chính sách tương lai, mà lại tập trung vào công kích cá nhân.

Ngày bầu cử 8.11 sẽ cho người Mỹ biết ai sẽ nhận được lá phiếu của những người thiệt thòi, người không có quyền thừa kế, người không đủ tự tin, những người bị thua thiệt trong quá trình thay đổi công nghệ, số hóa và toàn cầu hóa.

- Xin cảm ơn ông!

* Giáo sư James D.Bindenagel hiện làm việc tại Đại học Bonn, Đức. Ông là giám đốc sáng lập Trung tâm An ninh Quốc tế và Quản trị Ông đã có thời gian làm việc 30 năm trong ngành ngoại giao Mỹ, là Đại sứ Mỹ tại Đức năm 1996-1997.

Mỹ Hằng

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/the-gioi/donald-trump-co-co-hoi-gianh-chien-thang-608578.bld