Đón xe buýt té cống chết oan: Phải khởi tố, trừng trị thói cẩu thả

Việc người đàn ông chỉ đón xe buýt mà té lọt cống chết do không rào chắn gây phẫn nộ cho bạn đọc. Theo các chuyên gia pháp lý, đơn vị thi công đã vi phạm các quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng...

Một cống nước trên đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân, TP.HCM) thi công xong không được đậy nắp và rào chắn đã khiến người đàn ông chết oan vì té cống khi chạy đón xe buýt.

Theo nhận định của các chuyên gia pháp lý, trước cái chết oan uổng của người đàn ông này, đơn vị thi công sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự

Thiếu trách nhiệm

Luật sư (LS) Nguyễn Đức Chánh (Đoàn LS TP.HCM) cho biết theo khoản 2 Điều 47 Luật Giao thông đường bộ thì: “Trong quá trình thi công, đơn vị thi công phải bố trí báo hiệu, rào chắn tạm thời tại nơi thi công và thực hiện các biện pháp bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn.”

Do đó, đơn vị thi công này đã không rào chắn, nắp cống mở đã làm cho một người đàn ông đang vội vã chạy đón xe buýt bị vấp té, rớt xuống tử vong là vi phạm pháp luật.

Cơ quan điều tra cần khởi tố vụ án để điều tra làm rõ và phải xử lý nghiêm nhằm răn đe và phòng ngừa chung trong xã hội. Đây là tình trạng đáng báo động về sự tắc trách, cẩu thả, vô trách nhiệm của những công trình giao thông, công trình công cộng

Luật sư Lê Việt Hùng

Theo đó, đơn vị thi công đã không bảo đảm hệ thống cọc tiêu, biển báo, biển chỉ dẫn, biểu hiệu… để bảo đảm an toàn giao thông là vi phạm các quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường không quy định tại Khoản 1, Điều 220 Bộ luật hình sự (BLHS)1999.

Đồng quan điểm, LS Lê Việt Hùng (Hãng luật Minh Mẫn) cũng cho biết theo quy định tại Khoản 3, Điều 3, Thông tư 22/2010/TT-BXD của Bộ Xây dựng thì những vị trí nguy hiểm trên công trường như đường hào, hố móng, hố ga phải có rào chắn, biển cảnh báo và hướng dẫn đề phòng tai nạn; ban đêm phải có đèn tín hiệu.

Do đó, đơn vị thi công đã không thực hiện quy định nêu trên dẫn đến chết người là có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự theo Điều 227 BLHS 1999 với tội danh là Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người. Trách nhiệm này thuộc về người đứng đầu thi công công trình.

LS Huỳnh Công Thư (Đoàn LS tỉnh Long An) thì nêu ý kiến, rõ ràng đơn vị thi công đã không tuân thủ các quy định an toàn xây dựng dẫn đến một người bị chết oan.

Đối chiếu theo pháp luật hình sự hiện hành đây chính là hành vi vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, tức là người đứng đầu đơn vị thi công có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm”, LS Thư nhấn mạnh.

Phải xử lý hình sự!

LS Nguyễn Đức Chánh cho rằng những người thi công công trình này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông theo Điều 220 BLHS hiện hành.

Còn đối với những cá nhân khác như giám sát thi công thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 285 BLHS hiện hành.

Cống nước nơi người đàn ông té xuống tử vong đường Kinh Dương Vương (Q.Bình Tân) đã được đậy kĩ nắp ẢNH: A.H.

Về trách nhiệm dân sự thì Công ty TNHH Liên doanh Xây dựng VIC là đơn vị tổ chức thi công công trình có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho thân nhân người bị nạn, bao gồm chi phí mai táng, tiền tổn thất tinh thần cho người thân của người bị nạn, tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt mạng có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định tại Điều 610 Bộ Luật Dân sự năm 2005 và Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

LS Lê Việt Hùng bày tỏ quan điểm: "Cơ quan điều tra cần khởi tố vụ án để điều tra làm rõ và phải xử lý nghiêm nhằm răn đe và phòng ngừa chung trong xã hội. Đây là tình trạng đáng báo động về sự tắc trách, cẩu thả, vô trách nhiệm của những công trình giao thông, công trình công cộng".

Ngoài ra, đơn vị thi công công trình là Công ty TNHH Liên doanh Xây dựng VIC phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với thiệt hại do công nhân của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được đơn vị giao theo quy định tại Điều 618 Bộ luật Dân sự 2005.

Đơn vị thi công công trình sẽ yêu cầu người trực tiếp gây ra thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả theo quy định của điều luật này.

Người đàn ông té xuống cống và chết ngay tại chỗ ẢNH: Đ.T.

Phải khởi tố!

Sau khi Thanh Niên đăng tải thông tin về vụ việc, đa số các ý kiến của độc giả đều bức xúc yêu cầu khởi tố vụ án.

Đường Kinh Dương Vương lầy lội khiến người dân đi lại khó khăn ẢNH: A.H.

Độc giả Toàn Dương bình luận: “Mạng người không đền được nhưng phải khởi tố tội hình sự người có trách nhiệm, đồng thời phạt tiền tổ chức thật cao để lần sau nhớ làm cẩn thận. Cứ cái kiểu làm phước kiểu như vụ bãi nại cho vụ tôn cứa cổ người đi đường thì chẳng bao giờ nghiêm được".

Độc giả Phạm Duy Trình thì bày tỏ: “Quy trách nhiệm cho đội thi công, đội đào cống sau khi xong mà không có biển cảnh báo nguy báo hiểm cho người đi bộ. Làm không đúng quy trình và gây hậu quả nghiêm trọng! Tôi nghĩ là truy tố được rồi!”

Con đường này ban đêm tối mù rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông ẢNH: A.H.

Một bạn đọc ở TP.HCM cũng cho rằng đây chính là hành vi giết người, đang yên đang lành đùng cái chết oan thử hỏi lòng nào không đau, ai sẽ chịu trách nhiệm? Tiền bạc vật chất nào bằng nỗi đau khi mất đi người thân khi họ còn quá trẻ và cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự vụ án này.

Bên cạnh đó, một số ý kiến đánh giá khác cũng lên án hành vi dừng đón khách của xe buýt vì đây không phải là trạm dừng xe buýt. Hơn nữa, khi đón khách xe buýt cũng không dừng hẳn mà chạy rà rà bắt khách chạy theo là rất nguy hiểm.

Theo Thanh niên

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/tin-tuc/don-xe-buyt-te-cong-chet-oan-phai-khoi-to-trung-tri-thoi-cau-tha-84153/