Dồn vốn cho tín dụng nông thôn mới

Trong những năm qua, đời sống nông dân và bộ mặt nông thôn có những chuyển biến căn bản. Một trong những nguyên nhân quan trọng là sự hỗ trợ vốn tín dụng cho lĩnh vực kinh tế rộng lớn này.

Agribank là tổ chức tín dụng hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn. Ảnh: Trần Việt-TTXVN

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến hết năm 2015, dư nợ cho vay các xã trên địa bàn toàn quốc đạt 610.000 tỷ đồng với khoảng 8,25 triệu khách hàng đang có dư nợ.

Tính chung trong giai đoạn 2011 - 2015, dư nợ cho vay tăng thêm các xã trên địa bàn toàn quốc của ngành ngân hàng đạt 387.557 tỷ đồng, chiếm 41,6% tổng số vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Là tổ chức tín dụng hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tính đến cuối tháng 9/2016, tổng tài sản của Agribank đạt 980 nghìn tỷ đồng, tổng nguồn vốn 890 nghìn tỷ đồng, tổng dư nợ tín dụng 720 nghìn tỷ đồng; trong đó tỷ lệ cho vay nông nghiệp nông thôn luôn chiếm 70% tổng dư nợ của Agribank và chiếm trên 50% tổng dư nợ của toàn ngành ngân hàng đầu tư cho Tam nông.

Với lợi thế là ngân hàng có mạng lưới rộng gồm hơn 2.300 chi nhánh và phòng giao dịch, cùng đội ngũ hơn 40.000 cán bộ, nhân viên am hiểu, gắn bó địa bàn nông thôn, Agribank đã có nhiều hoạt động thiết thực với chương trình xây dựng nông thôn mới.

Từ 11 xã được chọn thí điểm mô hình nông thôn mới, với dư nợ ban đầu 336 tỷ đồng và 8.293 khách hàng vào năm 2011, sau 5 năm triển khai, Agribank đã cho vay xây dựng nông thôn mới đến 8.985 xã trên tổng số 9.001 xã trong cả nước. Dư nợ cho vay gần 280.000 tỷ đồng, với trên 2,5 triệu khách hàng, khẳng định vị thế hàng đầu hệ thống tổ chức tín dụng trong việc triển khai chương trình.

Kết quả này có được từ việc Agribank triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cụ thể; trong đó chỉ đạo từng chi nhánh căn cứ đề án xây dựng nông thôn mới của từng địa phương đã được phê duyệt để nắm bắt nhu cầu, xây dựng phương án cụ thể đầu tư tín dụng.

Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương hợp tác với Agribank xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Thanh Hương/BNEWS

Đặc biệt để đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới trong tình hình mới, tháng 8/2016, Agribank đã chủ động ký thỏa thuận với Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương về việc hợp tác trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 với một số nội dung về hỗ trợ vốn tín dụng gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đầu tư hỗ trợ các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mô hình chuỗi giá trị…

Cùng với đó, trên nền tảng hợp tác chặt chẽ với Hội Nông dân Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đến nay, hệ thống tổ vay vốn của Agribank đã được triển khai tại 53 chi nhánh với 35.935 tổ vay vốn đang hoạt động, trên 939.000 thành viên tham gia, tổng dư nợ tổ vay vốn quản lý 44.400 tỷ đồng.

Tuy là ngân hàng thương mại phải cạnh tranh huy động vốn theo cơ chế thị trường nhưng nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là đối tượng được Agribank ưu tiên lãi suất cho vay thấp hơn các đối tượng khác từ 1-2%.

Kể cả trong giai đoạn khó khăn của thời kỳ tái cơ cấu, mỗi năm bằng tài chính của ngân hàng, Agribank vẫn dành hàng nghìn tỷ đồng để hỗ trợ cho vay lãi suất thấp đối với 8 đối tượng ưu tiên trong sản xuất nông nghiệp…

Nguồn vốn của Agribank cho vay xây dựng nông thôn mới chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực: chi phí sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; sản xuất công nghiệp, thương mại và dịch vụ phi nông nghiệp trên địa bàn nông thôn; cho vay tiêu dùng trên địa bàn nông thôn; kinh doanh sản phẩm, dịch vụ phục vụ nông, lâm, diêm nghiệp và thủy sản; chế biến tiêu thụ nông, lâm, thủy sản và muối; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; phát triển ngành nghề nông nghiệp nông thôn…

Trong đó, trên 70% tổng dư nợ cho vay nông thôn mới dành cho đầu tư sản xuất, chế biến, kinh doanh các ngành nông, lâm, ngư, diêm nghiệp nông thôn - là lĩnh vực có tác động toàn diện đến phát triển kinh tế - xã hội nông nghiệp, nông thôn.

Agribank thực hiện các chính sách hỗ trợ bà con nhân dân ổn định đời sống xã hội trên địa bàn. Ảnh: Thanh Hương/BNEWS/TTXVN

Ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank cho biết, từ thực tế nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của Agribank đã cho thấy, ở đâu có sự quan tâm của cấp ủy chính quyền địa phương thì ở đó người dân dễ tiếp cận vốn ngân hàng và sử dụng vốn vay hiệu quả hơn, nợ xấu cũng thấp hơn.

Tuy nhiên, để nguồn vốn tín dụng chảy vào nông nghiệp, nông thôn phát huy hiệu quả cao hơn, ông Trịnh Ngọc Khánh cho rằng cần quan tâm triển khai có hiệu quả nội dung phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn bởi thực tế nông dân vẫn sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, sản phẩm nông nghiệp chất lượng thấp, giá thành cao.

Phương thức sản xuất hiện nay đã làm chi phí vốn tăng cao và hoạt động của ngân hàng trở nên quá tải mà việc mỗi cán bộ tín dụng Agribank hiện phải phục vụ 500 - 1.000 hộ nông dân vay vốn, là một minh chứng.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích hỗ trợ xây dựng thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm nhằm hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm, đồng thời phát triển và mở rộng chính sách bảo hiểm cho nông nghiệp để hỗ trợ nông dân mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ và quy trình sản xuất.

Liên quan đến nghiệp vụ ngân hàng, ông Trịnh Ngọc Khánh cho rằng, cần mở rộng chính sách cho vay không có tài sản đảm bảo trong nông nghiệp nông thôn, bởi thực tế tài sản trên đất nông nghiệp theo Luật Đất đai không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu;

Tài sản có giá trị như vườn cao su, hồ tiêu, cà phê, cây ăn quả lâu năm, công trình, nhà ở nông thôn phần lớn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu; xử lý tài sản thế chấp khó khăn, không có giá trị nhiều trong việc thu hồi vốn khi khoản vay gặp rủi ro…/.

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/don-von-cho-tin-dung-nong-thon-moi/26883.html