Đón Tết ở Na Mèo

(HQ Online)- Những ngày giáp Tết, cửa khẩu quốc tế Na Mèo (huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa) không còn tấp nập, sôi động như thường ngày. Đến cái nóng, khắc nghiệt nhất của miền Trung cũng phần nào dịu bớt để nhường chỗ cho những cơn gió Đông se lạnh.

CBCC Chi cục Hải quan cửa khẩu Na Mèo tuần tra biên giới. (Ảnh: Q.TẤN)

Ở vùng núi xa nhất, cao nhất, nghèo nhất phía Tây của tỉnh Thanh Hóa này, cán bộ cùng với người dân địa phương đang không ngừng vươn lên, khắc phục khó khăn, xây dựng cửa khẩu quốc tế Na Mèo ngày càng phát triển

Năm 2015, Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Na Mèo thu ngân sách được 5,68 tỷ đồng, đạt 98,33% chỉ tiêu được giao, bằng 114% so với cùng kỳ năm 2014. Trong năm 2015, Chi cục đã phối hợp cùng với Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Na Mèo bắt giữ 2 vụ vận chuyển trái phép chất ma túy qua cửa khẩu vào Việt Nam tiêu thụ.

Chuyến xe khách duy nhất xuất phát từ trung tâm thành phố Thanh Hóa đưa tôi lên cửa khẩu quốc tế Na Mèo lúc 8 giờ sáng. Quãng đường tuy chỉ khoảng 200km nhưng theo lái xe phải mất ít nhất 8 tiếng mới lên đến nơi, tính cả thời gian trưa và nghỉ ngơi giữa đường do Quốc lộ 217 đoạn đường từ ngã 3 Đồng Tâm (Bá Thước) đến Na Mèo (Quan Sơn) đi lại rất khó khăn.

Suốt dọc hành trình hơn 8 tiếng trên xe, tôi ngồi cạnh ghế lái (vị trí thường được tôi lựa chọn trong những chuyến đi) để vừa đi tôi vừa chụp lại quang cảnh núi rừng vùng sơn cước. Khác với những vùng núi phía Tây Bắc nổi tiếng với những dãy núi đá dựng đứng, hiểm trở, huyện Quan Sơn hiện lên trước mặt tôi với độc một màu xanh mướt của tre, luồng và dòng sông Mã xanh mát, êm đềm. Nhìn vào quang cảnh đó, ít ai biết rằng, huyện Quan Sơn thường xuyên bị chia cắt bởi mưa lớn, ngập đường. Lái xe khách Lê Trung chia sẻ: “Tháng 9 vừa qua, do lượng nước từ thượng nguồn các sông, suối đổ về rất lớn nên khu vực cầu Phà Lò, thuộc km số 32 Quốc lộ 217- cửa ngõ vào thị trấn Quan Sơn- đã bị nước sông dâng cao gây ngập sâu hơn 2m so với mặt cầu. Từ 11 giờ trưa, tuyến đường qua khu vực này đã bị chia cắt và cô lập hoàn toàn, xe khách không đi được phải quay lại trả khách về bến”.

Sau 8 tiếng lăn bánh trên Quốc lộ 217 cheo leo và hiểm trở, xe khách dừng cách trụ sở Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Na Mèo chừng 2km, gần khu vực bốc dỡ hàng của các tiểu thương. Sử dụng xe máy của đơn vị, anh Lê Ngọc - cán bộ công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu Na Mèo đón tôi tại cửa khẩu và đưa tôi ra thăm cột mốc 327. Trong không gian hoang vắng của núi rừng, bên lưng chừng đồi núi, anh cho biết: “Huyện Quan Sơn vốn là nơi định cư lâu đời của đồng bào dân tộc Thái, bởi vậy đã tạo ra bản sắc văn hóa mang những nét độc đáo riêng. Mỗi khi nhắc đến nền văn hóa dân tộc Thái, người ta sẽ nghĩ ngay tới những nếp nhà sàn, những món ăn dân tộc, những cô gái Thái bên khung cửi với nghề dệt thổ cẩm, rượu cần. Vào dịp lễ Tết người Thái có nhiều trò diễn mang đậm văn hóa dân tộc như: Múa cá sa (hát múa quanh cây hoa), nhảy sạp, đánh trống chiêng, khua luống, ném còn và đặc biệt là lễ hội Mường Xía thể hiện sự tri ân với người có công, thờ hòn đá vía”.

Lực lượng Hải quan phối hợp với Biên phòng tăng cường kiểm tra hành lý khách XNC trong dịp Tết

Tết trên cổng trời

Tạm xa cột mốc 327, tôi được “xế” Ngọc đưa trở lại trụ sở của đơn vị. Kể về không khí đón Tết của cán bộ Hải quan tại cửa khẩu, ông Ngô Lâm Tài - Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Na Mèo cho biết: “Đón Tết ở cửa khẩu có khá nhiều điều khác biệt với cái Tết bên gia đình, vì ở đây chúng tôi không chỉ được sống trong sự đùm bọc của tình đồng đội mà còn nhận được nhiều tình cảm của bà con dân tộc trên địa bàn. Vào những ngày này, nhiều bà con đồng bào mang những món quà “cây nhà lá vườn” tới tặng các cán bộ, chiến sĩ đang công tác nơi đây. Món quà chỉ là mấy cân gạo hay quả trứng nhưng thể hiện sự thắm thiết của tình quân dân nơi vùng cao, biên giới. Hàng năm, chúng tôi cũng phối hợp với chính quyền địa phương để dành những phần quà cho các hộ nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn”.

“Tết năm nào cũng vậy, chúng tôi sắp xếp cho anh em thay nhau nghỉ, đảm bảo đúng 50% quân số trực Tết và các mặt công tác nghiệp vụ. Đối với những anh em ở lại trực, chúng tôi cũng chuẩn bị bánh chưng, cành đào và mâm ngũ quả để anh em có không khí Tết như ở nhà. Còn đối với những anh em về đón Tết, ai cũng cố gắng về nhanh nhất có thể để có thời gian bên gia đình và kịp lên đổi ca trực cho những cán bộ ở lại” - ông Ngô Lâm Tài cho biết.

Chia sẻ về việc chuẩn bị đón Tết tại đơn vị, anh Lê Ngọc - công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Na Mèo chia sẻ: “Ngày đó, để gói được bánh chưng đón Tết, anh em trong đơn vị phải đi xe máy xuống km 61, cách đơn vị hơn 20km để mua gạo và nguyên liệu. Hôm nào sạt đường, chúng tôi còn phải đi bộ, người nọ thay người kia vác gạo. Tuy vất vả nhưng kỷ niệm đó ai cũng nhớ, anh em trong đơn vị sống đoàn kết và hiểu nhau nhiều hơn”.

“Giai đoạn 10 năm trước, về nhà đón Tết không có xe khách đi lại thuận tiện như bây giờ mà một tuần mới có một chuyến duy nhất mà lúc nào cũng chật kín người và hàng hóa. Do đó, tôi thường xuyên phải xin các lái xe tải chở hàng về thành phố Thanh Hóa cho đi nhờ. Trên đường đi, chuyện mưa lớn, ngập cầu xảy ra như cơm bữa, có hôm 12 giờ đêm mới về đến nhà. Có lần, do đường bị sạt lở, xe phải dừng giữa đường, tôi và hành khách trên xe phải đi bộ hàng cây số để mua mì tôm của người dân để ăn lót dạ, đi nhặt củi để đốt cho đỡ lạnh. Có thời điểm mưa lớn, đường sạt nhưng chỉ được nghỉ phép ít ngày Tết nên anh em phải chịu khó đi xe máy, vừa đi vừa dắt bộ để về nhà. Biết là nguy hiểm nhưng Tết đến nhớ gia đình, vợ con nên ai cũng muốn về nhưng về rồi lại vội vàng quay trở lại đơn vị để đổi ca cho anh em”.

Cuộc sống ở cửa khẩu Na Mèo tuy còn nhiều khó khăn nhưng vào dịp Tết người Thái lại tổ chức nhiều lễ hội truyền thống để cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, bà con nhân dân trong vùng sống đoàn kết, yên bình và khỏe mạnh. Nổi bật là lễ hội Mường Xia. Trước ngày tổ chức lễ hội người dân trong vùng thường có tục phải đào hòn đá vía lên tắm rửa sạch sẽ và rước về đền để cúng thần linh. Các con dâng lễ gồm 1 con trâu trắng, 2 con bò, 1 con lợn, 3 con vịt cùng vải vóc thổ cẩm, vòng bạc, bạc nén, rượu cần. Sau phần nghi lễ, người dân tham gia các trò chơi, trò diễn mang đậm sắc thái văn hóa dân tộc Thái. Mở đầu phần hội là múa cá sa (hát múa quanh cây hoa). Cây hoa làm thành nhiều tầng, nhiều màu sắc. Trên cây hoa gắn các hình nông cụ đan bằng tre nứa và hình con chẫu chàng, con cá, ve sầu.

Tối hôm cuối ở lại cửa khẩu quốc tế Na Mèo, tôi cùng các cán bộ Hải quan cửa khẩu Na Mèo và các chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Na Mèo đã cùng ăn cơm, nói chuyện, kể cho nhau nghe về gia đình, phong tục tập quán đón Tết của đồng bào vùng biên giới. Một cán bộ Hải quan đã tâm sự rằng: “Trực Tết nhớ vợ con lắm, nằm ngủ một mình một phòng vào đêm Giao thừa, trời lạnh, buồn. Nhà báo năm nào có điều kiện, lại lên đón Tết và viết bài về anh em trực Tết cho anh em vui”.

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/don-tet-o-na-meo.aspx