Đòn nghi binh của Trung Quốc với Nhật Bản

Tướng Lưu Á Châu của Trung Quốc vừa tuyên bố rằng, Nhật có thể xóa sổ Hạm đội Đông Hải trong 4 giờ. Vậy đâu là động cơ trong phát ngôn này?

Tuyên bố gây sốc

Tờ Thời Đại dẫn nguồn từ trang thông tấn tiếng Hoa Tân Đường Nhân (Mỹ), một quan chức cấp cao thuộc Quân đội Trung Quốc (PLA) từng thẳng thắn nói với ông Tập Cận Bình rằng nếu Trung Quốc không thể sử dụng vũ khí hạt nhân thì 3 hạm đội của nước này chỉ là "mục tiêu di động" cho các nhóm tàu sân bay Mỹ.

Sau tuyên bố này, truyền thông Hồng Kông suy đoán rằng, người có phát ngôn thẳng thừng như vậy là Thượng tướng Không quân Lưu Á Châu, Chính ủy Đại học quốc phòng Trung Quốc. Ông cũng là quan chức được Tập Cận Bình tin tưởng.

Ngoài ra, trong bài xã luận "Quan hệ Trung-Nhật nhìn từ vấn đề đảo Điếu Ngư (Nhật gọi là Senkaku)" đăng trên tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc hồi tháng 10/2015, Lưu Á Châu thừa nhận: "Hải quân Nhật Bản tuyên bố một khi xảy ra chiến sự, họ sẽ xóa sổ Hạm đội Đông Hải của Trung Quốc trong 4 giờ đồng hồ. Không thể coi đây là câu nói đùa".

Tàu Hải cảnh cỡ lớn của Trung Quốc.

Vị tướng này phân tích, từ năm 1981, Mỹ và Nhật Bản đã bắt đầu tập luyện kế hoạch quân sự bí mật trên biển với mục tiêu "phog tỏa" Hải quân Trung Quốc. Các tàu chiến Nhật Bản được trang bị hệ thống định vị vệ tinh hiển thị vị trí tàu Trung Quốc.

Hệ thống này có thể tự động vận hành trên 50 năm. Tỉ lệ bay của Không quân Nhật Bản được duy trì ở mức 90%, cao hơn mức 80% của Không quân Mỹ. Không những vậy, ông Lưu còn cho rằng các hành động của Nhật Bản nhằm vào Trung Quốc là xu thế tất yếu và cũng là lợi ích quốc gia của nước này.

Cán cân đang nghiêng về Trung Quốc

Mặc dù Trung Quốc tuyên bố Nhật Bản đang là mối nguy đối với Bắc Kinh, tuy nhiên trong những năm gần đây, khu vực Biển Hoa Đông dường như có vẻ ổn định hơn so với Biển Đông, nhưng thực ra đây chỉ là sự ổn định miễn cưỡng và “giả tạo”, còn thực chất, tình hình tranh chấp chủ quyền thực chất vẫn rất căng thẳng.

Tương quan lực lượng hải cảnh giữa Trung Quốc và Nhật Bản đang có sự “chuyển biến ngược chiều”, không ngừng kéo giãn khoảng cách theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Đó là những bình luận mang tính cảnh báo trên tờ “Tin tức Kinh tế Nhật Bản” ngày 6 tháng 6 vừa qua.

Theo thống kê của Cục An ninh biển Nhật Bản, sau năm 2014, bình quân mỗi tháng tàu hải giám (Giám sát biển) Trung Quốc tiến vào gần khu vực đảo Senkaku/Điếu Ngư 2 đến 3 ngày. Sau khi Nhật Bản thực thi chính sách “Quốc hữu hóa” đối với Senkaku/Điếu Ngư, năm 2013 bình quân mỗi tháng tàu hải giám Trung Quốc tiến vào gần Senkaku/Điếu Ngư là 7 đến 8 ngày.

Trung tâm nghiên cứu các vấn đề chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS) đã có những tuyên bố khiến các nhà chức trách bảo đảm an ninh Nhật Bản phải quan ngại là trong tương quan lực lượng trên biển Hoa Đông, ưu thế đang nghiêng dần về phía Bắc Kinh và hải cảnh là lực lượng làm nên ưu thế đó.

Về vấn đề tuần tra lãnh hải và các vùng biển gần, phía Nhật Bản do Cục An ninh biển đảm trách, phía Trung Quốc thì do Cục Hải cảnh (Cảnh sát biển) chịu trách nhiệm. Nếu xảy ra xung đột, lực lượng quân sự sẽ đóng vai trò quyết định, tuy nhiên rất ít khả năng xảy ra tình hình này.

Như vậy là trong điều kiện hòa bình, không có xung đột vũ trang, lực lượng hải cảnh sẽ tác động rõ rệt đến vấn đề trật tự an ninh trên biển. Trong tương lai, lực lượng tấn công và phòng thủ của Trung Quốc sẽ chiếm ưu thế trước Nhật Bản ở khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Tàu Hải cảnh Nhật và Trung Quốc giáp mặt tại Hoa Đông.

So sánh lực lượng hải cảnh của hai nước, mấu chốt của vấn đề là Trung Quốc có nhiều tàu cỡ lớn, trọng tải trên nghìn tấn và có khả năng tiếp cận nhanh và dài ngày ở khu vực quần đảo đang tranh chấp giữa hai nước.

Tổng hợp tư liệu từ phía Trung Quốc cho thấy, đến hết năm 2013 Nhật Bản vẫn còn chiếm ưu thế về các tàu chấp pháp biển. Thế nhưng đến năm 2014, đã có sự thay đổi đáng kể khi Nhật Bản chỉ có 54 tàu tuần duyên cỡ lớn, còn Trung Quốc đã có tới 82 tàu hải cảnh hạng nặng.

Đến năm 2015, Nhật Bản nâng số tàu tuần duyên cỡ lớn lên con số 62 tàu, nhưng Trung Quốc cũng đã tăng vọt lên 111 chiếc. Hết năm 2016, dự kiến sự chênh lệch sẽ còn lớn hơn nữa, khoảng cách này đã tạo nên sự “chuyển biến ngược”, có lợi cho Bắc Kinh.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/don-nghi-binh-cua-trung-quoc-voi-nhat-ban-3320387/