Dồn điền đổi thửa ở Đông Hưng (Thái Bình): Xã làm sai, nông dân lãnh đủ

Chủ trương dồn điền đổi thửa là để tạo điều kiện cho người dân canh tác tốt, thế nhưng, tại xã Thăng Long (Đông Hưng, Thái Bình), các Ban dồn điền đổi thửa đã không thực hiện đúng chỉ đạo của cấp trên, dẫn đến tranh chấp khiếu kiện kéo dài, hàng chục hộ dân lợi dụng sơ hở đã xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, đất lưu không giao thông và đất thủy lợi…

Làm trái chỉ đạo cấp trên

Theo phản ánh của người dân xã Thăng Long, các Ban dồn điền đổi thửa được thành lập đã không thực hiện đúng chỉ đạo của cấp trên, không theo hiện trạng thực địa các loại đất, tài sản trên đất, không có biên bản thu hồi, kiểm đếm, không có chứng nhận để giải phóng mặt bằng… Sau đó, hàng chục hộ dân lợi dụng sơ hở đã xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, đất lưu không giao thông và đất thủy lợi.

Ban dồn điền đổi thửa xã Thăng Long đã không có biên bản thu hồi, kiểm đếm tài sản khiến người dân khiếu kiện kéo dài

Cụ thể, sau khi nhân dân xã Thăng Long có đơn tố cáo gửi các cơ quan chức năng, UBND huyện đã có Kết luận số 46 của UBND huyện Đông Hưng do ông Nguyễn Tiến Hưng ký ngày 17/5/2016 kết luận nội dung tố cáo của công dân là đúng. Kết luận nêu rõ 7 hộ gia đình Nguyễn Văn Sự, Đỗ Thanh Hùng, Nguyễn Văn Trung, Bùi Văn Dũng, Nguyễn Thị Liên, Đỗ Ngọc Long, Nguyễn Xuân Vụ đã vi phạm việc sử dụng đất đai.

Kết luận cũng chỉ ra rằng, nguyên nhân là do năng lực lãnh đạo, điều hành, quản lý của UBND xã có nhiều hạn chế, chủ quan, xử lý vi phạm không kiên quyết. Để xảy ra những vi phạm trên trách nhiệm thuộc về UBND xã Thăng Long mà cụ thể là ông Đỗ Xuân Thủy, Bí thư Đảng ủy xã (nguyên Chủ tịch UBND xã) và các cá nhân ông Nguyễn Văn Ngọc, Chủ tịch xã…

Trước đó, người dân xã Thăng Long phản ánh trong quá trình dồn điền đổi thửa, Ban dồn điền đổi thửa xã, tiểu ban dồn điền đổi thửa thôn đã không thực hiện đúng chỉ đạo của cấp trên, không theo hiện trạng thực địa các loại đất, tài sản trên đất, không có biên bản thu hồi, kiểm đếm, không có chứng nhận để giải phóng mặt bằng…

Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Mừng (thôn An Liêm, xã Thăng Long) cho biết: “Chị tôi là bà Nguyễn Thị Thìn (Hộ đơn thân), trước năm 2000, để tiện canh tác có đổi cho hộ bà Đĩnh cùng thôn mảnh ruộng 277 m2 khu Cửa Kho lấy mảnh ruộng khu Mỏm Chim. Sau đó, gia đình bà Thìn đã cải tạo đất màu phân bón, giống, trồng cây ăn quả, cây lâu năm, cây lấy gỗ, xây bờ ao để thả cá đã thu hoạch nhiều năm.”

Theo bà Mừng, năm 2003, cả hai hộ đơn thân là bà Thìn và bà Đĩnh đã đề nghị đăng ký biến động diện tích cơ bản quy chủ từ đội 1 sang đội 2 (và ngược lại) của thôn An Liêm với UBND xã Thăng Long. Điều này đã được cán bộ thôn, xã xác nhận chứng thực công nhận việc biến động do hai hộ chuyển đổi cho nhau, đã vào sổ quy chủ cơ bản theo khẩu 652 và 948. Hai gia đình không có tranh chấp và canh tác bình thường nộp nghĩa vụ đầy đủ.

Mảnh đất đã đăng ký biến động diện tích cơ bản quy chủ được chính quyền xác nhận, đã đóng thuế nhiều năm nhưng vẫn bị lấy ra.

Cho đến 2013, khi xã Thăng Long tiến hành dồn điền đổi thửa.Tiểu ban dồn điền đổi thửa thôn An Liêm, tổ dồn điền đổi thửa của xã Thăng Long đã không theo hiện trạng thực địa các loại đất, tài sản trên đất, không có biên bản thu hồi, kiểm đếm, không có chứng nhận để giải phóng mặt bằng…

Sau đó, mảnh đất được giao cho hộ bà Hằng cùng thôn để “cấy lúa nước”. “Bà Hằng sau khi có tranh chấp và nhận mảnh đất trước đây của gia đình tôi phá hết cây cối, yêu cầu gia đình tôi phải chở đất đi nơi khác để trồng lúa nước. Thế nhưng, hiện nay bà ấy lại xây nhà, trồng cây lâu năm trên chính mảnh đất ấy”, bà Mừng bức xúc nói.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Ngọc, Chủ tịch UBND xã Thăng Long cho biết: “Do năm 2015 tôi mới làm Chủ tịch nên cũng chưa nắm hết và chưa xử lý được. Đúng là trong quá trình dồn điền đổi thửa, có một số nội dung chúng tôi làm chưa kịp thời, chưa kiểm đếm tài sản của người dân… Huyện Đông Hưng cũng đã có chỉ đạo và chúng tôi cũng đang thực hiện việc rà soát lại dồn điền đổi thửa.”

Ông Ngọc cũng cho biết thêm, từ năm 2013 – 3/2015 xã đã có 6 buổi làm việc với người dân liên quan đến việc dồn điền đổi thửa. Việc giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bị phá của các hộ dân, UBND xã tiếp tục mời các hộ dân lên để họp bàn, đồng thời xin ý kiến của các bên liên quan. “Chủ trương của UBND là sẽ bố trí nguồn kinh phí đền bù cho người dân bị thiệt hại”, ông Ngọc khẳng định.

Liên quan đến sai phạm của các cá nhân trong vụ việc, ông Ngọc cho biết, sẽ kiểm điểm trước chi bộ

Huyện ngăn cản người dân khiếu nại ?

Trong một diễn biến khác, để đòi lại quyền lợi của mình, bà Nguyễn Thị Mừng (Thôn An Liêm, xã Thăng Long) – đại diện cho chị của mình là bà Nguyễn Thị Thìn đã liên tục tìm lên UBND huyện Đông Hưng để gửi đơn đề nghị.

Thế nhưng, trong buổi tiếp công dân ngày 15/6 khi mang đơn lên gặp lãnh đạo UBND huyện bà Mừng đã bị bảo vệ của UBND huyện ngăn cản: “Tôi đi lên cầu thang thì bị ba bảo vệ huyện ngăn cản, đẩy ngã xuống thềm, đấm đá thâm tím hết chân tay. Sau đó Công an huyện sang giải quyết nhưng không lập biên bản gì cả”, bà Mừng vừa nói vừa chỉ những vết thâm tím còn lại trên người.

.

Bảo vệ UBND huyện Đông Hưng ngăn cản người dân đến làm việc. (Ảnh người dân cung cấp)

Trước nội dung trên, ngày 28/6 phóng viên đã liên hệ với lãnh đạo UBND huyện Đông Hưng để làm rõ sự việc, vị lãnh đạo này từ chối gặp lấy lý do do bận họp nên chưa có câu trả lời.

Báo Congluan.vn sẽ tiếp tục thông tin.

Anh Đức

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/don-dien-doi-thua-o-dong-hung-thai-binh-xa-lam-sai-nong-dan-lanh-du/