“Đòn bẩy” từ những giải Men’s Futures

Những giải đấu vừa tầm thuộc hệ thống Men’s Futures mà B. Bình Dương đăng cai trong 3 tháng qua là cơ hội để các tay vợt Việt Nam làm quen và “thử lửa” dần với môi trường quần vợt đỉnh cao.

Ông Lê Việt Cường Tổng thư kí LĐQV Bình Dương từng khẳng định chắc nịch rằng: “Việt Nam nên tổ chức nhiều Men’s Futures hơn là Challenger”. Trong hệ thống thi đấu của Hiệp hội quần vợt nhà nghề thế giới, các giải Challenger danh giá hơn nhiều so với Men’s Futures. Không nói đâu xa, nhà vô địch Challenger có đến 90 điểm thưởng, trong khi vô địch Men’s Futures chỉ nhận được 18 điểm. Vậy do tại sao vào lúc này, quần vợt Việt Nam lại cần những giải Men’s Futures hơn là các giải Challenger đẳng cấp cao?

Trong nhiều năm qua, Men’s Futures luôn được xem là bước chạy đà đầu tiên của hầu hết các tay vợt trên con đường tiến lên chuyên nghiệp. Tại các nước có quần vợt đang phát triển, Liên đoàn thường ưu tiên tổ chức những giải Men’s Futures hơn là Challenger. Vậy nên mới có chuyện Thổ Nhĩ Kỳ một năm có đến 52 trong hệ thống này, Ai Cập ít hơn nhưng cũng có tới 43 giải. Trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan duy trì bình quân 9 giải mỗi năm, trong khi một quốc gia khác là Campuchia cũng có 3 giải “truyền thống”.

Thực tế chứng minh nhiều ngôi sao lớn của quần vợt thế giới đã trưởng thành từ các giải Men’s Futures. Cách đây đúng 17 năm, tay vợt người Thái Lan Paradorn Srichaphan (từng đứng số 9 thế giới vào năm 2003) của Thái Lan từng tham dự giải Heineken Challenge. Trong khi chủ nhân của hai danh hiệu Grand Slam Li Na (Trung Quốc) từng vô địch giải Toyota Cup 2001 ở TP HCM khi mới 19 tuổi.

Để tiến lên hàng ngũ ngôi sao, những tay vợt trẻ của Việt Nam hiện thời như Nguyễn Hoàng Thiên, Lý Hoàng Nam hay Nguyễn Văn Phương cũng không nằm ngoài quy luật đó. Việc nhận được suất đặc cách khi giải đấu được tổ chức trên sân nhà sẽ giúp các tay vợt làm quen bước đầu với môi trường quần vợt chuyên nghiệp. Giới chuyên môn có lý do để nhận định rằng các giải Men’s Futures hữu ích hơn lúc này với quần vợt Việt Nam bởi chúng ta đang có một đội ngũ các tay vợt trẻ có khả năng tiến xa, nhưng đang trong giai đoạn cần những sân chơi vừa tầm để phát triển.

Sau 9 giải Men’s Futures tại Bình Dương, các tay vợt Việt Nam đã cho thấy những sự trưởng thành đáng khích lệ, đặc biệt là cá nhân Lý Hoàng Nam và Nguyễn Hoàng Thiên. Trong 4 giải đầu tiên Lý Hoàng Nam còn phần nào bỡ ngỡ, nhưng đến giải F5 anh đã tăng tốc ngoạn mục để vô địch cả đơn lẫn đôi nam, và cả ngôi vô địch đôi nam của giải F9 nữa. Trong khi đó Hoàng Thiên với 2 trận thắng đã có thêm điểm thưởng và trở lại bảng xếp hạng chuyên nghiệp. Gần đây nhất Trịnh Linh Giang trở thành tay vợt Việt Nam có điểm tích lũy trên bảng xếp hạng nhà nghề.

Không phải ngẫu nhiên mà B. Bình Dương tiên phong bỏ ra đến 6 tỷ đồng để tổ chức 9 giải Men’s Futures trong năm nay. Đơn vị này có thể nói đang vạch lên một lộ trình hợp lý cho sự phát triển của quần vợt Bình Dương nói riêng và quần vợt Việt Nam nói chung.

Việt Nam có 2 tay vợt có tên trên bảng xếp hạng thế giới vào ngày 31/10. Lý Hoàng Nam đứng thứ 629 đơn nam và Nguyễn Hoàng Hoàng Thiên đứng thứ 1,590 đơn nam. Ở bảng xếp hạng đôi, cả Nam/ Thiên đều có tên trong top 800. Cụ thể Nam đứng thứ 714, còn Thiên đứng thứ 777 thế giới.

Như Huy

Nguồn Thể Thao VN: http://thethaovietnam.vn/giai-dau/don-bay-tu-nhung-giai-mens-futures-354-205328.html