Đòn bẩy phát triển kinh tế Thủ đô

Tình hình thực hiện vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước (NSNN) 7 tháng đầu năm nay của Hà Nội đã đạt được những kết quả nhất định.

Đặc biệt, trong thu hút vốn đầu tư, trong tháng 7, tròn một tháng Hà Nội tổ chức hội nghị đầu tư đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các nhà đầu tư với nhiều dự án mới đề xuất, góp phần đạt được nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội.

Đầu tư đạt gần 17.300 tỷ đồng
Theo số liệu báo cáo thống kê tình hình kinh tế - xã hội của Hà Nội trong tháng 7/2017, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN do địa phương quản lý ước đạt 3.258 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng đầu năm, vốn đầu tư thực hiện gần 17.300 tỷ đồng, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước, đạt 53,4% kế hoạch năm.

Sản xuất các linh, phụ kiện điện tử tại Công ty TNHH SYNOFEX Việt Nam, Khu Công nghiệp Quang Minh (Hà Nội). Ảnh: Danh Lam.

Hiện nay, các dự án giao thông đô thị cơ bản triển khai đúng tiến độ. Một số dự án (DA) trên địa bàn như Gói thầu xây lắp CP1 (cầu cạn), CP2 (ga trên cao), CP5 (hạ tầng Depot) thuộc DA Đường sắt đô thị (đoạn Nhổn - Ga Hà Nội) cơ bản đáp ứng theo tiến độ điều chỉnh đã được phê duyệt, đoạn trên cao từ Nhổn về ga S8 (Đại học GTVT) sẽ được các nhà thầu đưa vào khai thác trước. Bên cạnh đó, một số địa điểm trên địa bàn quận Đống Đa đã được thống nhất triển khai cưỡng chế thu hồi trong tháng 8 để không làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công Gói CP3 (đoạn ngầm và 4 ga ngầm). Đối với Dự án Đường Vành đai 3, đoạn Mai Dịch - Thăng Long, tính đến thời điểm hiện tại, việc GPMB đoạn qua phường Mai Dịch cơ bản đã hoàn thành. Chính quyền quận đang vận động người dân tự nguyện giao nốt hơn 400m2 đất trên địa bàn. Ngoài ra, TP cơ cấu lại đầu tư công theo hướng bố trí vốn tập trung, khắc phục cơ bản tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản và công tác quản lý được tăng cường, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, đảm bảo các công trình thực hiện đạt yêu cầu kỹ thuật, chất lượng và tiến độ đề ra.

Trong tháng 7, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Hà Nội ước đạt 980 triệu USD, tăng 2,2% so tháng trước và tăng 9,1% so cùng kỳ; Chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,23% so với tháng trước, bình quân cùng kỳ tăng 3,53%; Tổng lượng khách du lịch có lưu trú đạt 5,12 triệu lượt, tăng 7,42%; doanh thu đạt 34.732 tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ.

Về giải ngân đầu tư vốn NSNN, ước 14.405 tỷ đồng, đạt 43,1% kế hoạch. “Sở KH&ĐT và các địa phương, các Ban quản lý Dự án đã chủ động rà soát kỹ với những Dự án chưa giải ngân được để điều hòa lượng vốn trong các Ban. Sở KH&ĐT sẽ phối hợp với Sở Tài chính có phương án phân bổ vốn và phấn đầu đến hết năm đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất trong thời gian sớm nhất” - Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Mạnh Quyền cho biết.
Giải pháp thu hút đầu tư hấp dẫn
Về kết quả thu hút đầu tư, Hà Nội đã thực hiện tích cực, đồng bộ các giải pháp thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, tiếp tục được đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài và đạt kết quả tốt.
Trong 7 tháng, Hà Nội thu hút 98 dự án ngoài ngân sách với tổng số vốn đăng ký là 69.000 tỷ đồng; điều chỉnh vốn cho 52 dự án với tổng số vốn tăng là 11.500 tỷ đồng. Trên toàn địa bàn TP đang triển khai 128 dự án PPP, tổng mức đầu tư dự kiến 307.000 tỷ đồng. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2017, Hà Nội đã thu hút 301 dự án FDI vốn đăng ký 1,355 tỷ USD. Hà Nội đã cấp chủ trương đầu tư cho 98 DA trong nước với số vốn 68,97 nghìn tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực phát triển hạ tầng đô thị là 61 DA với tổng số vốn là 65,6 nghìn tỷ đồng. 75 DA theo hình thức đối tác công tư PPP có nhà đầu tư đăng ký thực hiện với tổng mức đầu tư dự kiến 123,6 nghìn tỷ đồng, trong đó lĩnh vực phát triển hạ tầng đô thị 71 DA, với tổng mức đầu tư 120,9 nghìn tỷ đồng.
Hà Nội vẫn giữ vững vị trí top 5 địa phương thu hút nhiều FDI nhất cả nước, ngày càng được nâng cao về chất lượng. Thậm chí, các dự án FDI quy mô lớn đăng ký vào Việt Nam 7 tháng đầu năm nay, Hà Nội đóng góp tới 3 dự án, Aeon MALL Hà Đông, với vốn đầu tư đăng ký 192,51 triệu USD; còn lại là dự án tăng vốn đầu tư 319,8 triệu USD của Coca-Cola Việt Nam và Dự án Park City 72 triệu USD.
Đến nay, TP Hà Nội đã cấp phép cho 14.289 DN thành lập mới với số vốn đăng ký 108.274 tỷ đồng (tăng 10% về số lượng và giảm 1% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước).
Trong những tháng cuối năm, số lượng DN thành lập mới dự kiến sẽ tăng cao hơn khi các quận, huyện đang tích cực triển khai các giải pháp phát triển DN. Để đạt các mục tiêu đề ra trong năm 2017, UBND TP Hà Nội đề nghị các sở ngành, quận huyện tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, tạo môi trường thuận lợi nhất cho phát triển sản xuất, kinh doanh, đầu tư của DN, trọng tâm là rà soát, hoàn thiện, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan... đồng thời, hoàn chỉnh hệ sinh thái khởi nghiệp và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo. Ngoài ra, TP sẽ đẩy mạnh giới thiệu các Chương trình kết nối cung - cầu, Chương trình kết nối DN - ngân hàng, Chương trình kích cầu thông qua đầu tư, Chương trình bình ổn thị trường... để hỗ trợ DN phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy đổi mới công nghệ, đầu tư chiều sâu để tăng năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh cho DN.

Theo thống kê, tính đến hết tháng 7, tổng thu NSNN trên địa bàn Hà Nội ước thực hiện 114.045 tỷ đồng, đạt 55,7% dự toán, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2016.

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/don-bay-phat-trien-kinh-te-thu-do-294695.html