Đôi vợ chồng nghèo và ngôi nhà cổ trị giá 1 triệu USD

(ANTĐ) - Trong ngôi nhà cổ 7 gian rộng thênh thang, vợ chồng ông Nguyễn Văn Trang và bà Mẫn Thị Hoàn ở làng Mẫn Xá - Văn Môn - Yên Phong - Bắc Ninh bước sang tuổi thất thập vẫn sống đạm bạc và hạnh phúc. Ngôi nhà quý giá ấy đã nhiều lần có người ngỏ ý mua nhưng ông Trang và bà Hoàn dứt khoát từ chối.

Khuất mình sau những dãy nhà cao tầng đồ sộ, ngôi nhà cổ kiên cố của ông Nguyễn Văn Trang đã có 235 năm tuổi. Khác hẳn không khí hầm hập nóng bức phả ra từ các cơ sở đúc nhôm trên trục đường chính của làng, bước vào sân nhà ông Trang, chúng tôi đã thấy mát mẻ lạ thường. Sân gạch đỏ rộng vài chục mét vuông phẳng phiu, sạch sẽ và 1 ngôi nhà cấp 4 rộng thênh thang, trong nhà hơi tối nhưng không ẩm thấp. Bà Mẫn Thị Hoàn vóc người nhỏ và hàm răng đen bóng, đều tăm tắp nhanh nhẹn mời khách vào nhà. Nhà có 7 gian, gồm 3 gian giữa và 4 gian buồng. Chỉ trừ có 1 chiếc cột nhà làm bằng gỗ xoan, còn lại 47 cột khác đều làm bằng gỗ lim. Mỗi cột có đường kính khoảng 50cm, đen bóng và vững chãi. Theo gia phả dòng họ Nguyễn Văn, căn nhà được xây dựng vào năm 1774 bởi cụ tổ Nguyễn Văn Cấn. Cụ làm nghề bốc thuốc và dạy học, là một bậc “phú gia địch quốc” tại đất Kinh Bắc xưa nên dựng ngôi nhà này từ khi còn rất trẻ. Gian chính giữa ngôi nhà là nơi thờ cúng tổ tiên. án gian phía trước dài hơn 2m để cây đèn, nồi hương và ống hương. Sau án gian là giường giữa, nơi để mâm cúng và đồ thờ. Sau cùng là xích đông, nơi để ảnh thờ và 1 chiếc ỷ (chiếc ghế giống như ngai vàng). Dưới chân xích đông, 2 tấm bia đá đứng cạnh nhau viết bằng chữ Nho dày kín. Phía ngoài ngôi nhà cổ trị giá 1 triệu USD Bà Mẫn Thị Hoàn thật thà: ”Tôi không biết chữ Nho nên không rõ 2 tấm bia viết gì. Đã có nhiều nhà khảo cổ học đặt giấy lên, bôi nhựa chuối vào cho chữ hiện ra, nhưng là chữ gì, họ cũng chẳng bảo tôi”. Bà tiếp tục chỉ tay về bức hoành phi bằng gỗ lim đen bóng bảo: “Bức hoành phi này viết gì tôi cũng không rõ. Nhưng như ý các nhà khảo cổ học nói thì cụ tổ tôi dặn dò: “Cố mà giữ lấy nếp nhà”. Hai bên cột lim ở gian giữa là 2 tấm gỗ lim khắc câu đối còn khá nguyên vẹn. Trận lụt năm 1971 đã làm vàng dát trên những con chữ mờ đi nhiều, nhưng có lẽ vì sự ăn mòn của thời gian này mà căn nhà càng được tô điểm thêm vẻ cổ kính. Cách đây vài năm, sau nhiều lần đắn đo, ông Trang quyết định nâng cấp ngôi nhà cổ. “Nhà cũ quá thấp, chỉ cần một trận mưa to là nước trong nhà ngập đến dóng chân. Thế nên chúng tôi quyết định nâng ngôi nhà lên cao để tránh ngập” - bà Hoàn cho biết. Gia đình bà Hoàn phải lao động ròng rã trong nhiều ngày liền mới làm cho nền nhà cao thêm 95cm và đổ đất nâng mặt sân thêm 60cm. Bà Hoàn nhớ lại: “Nâng cả căn nhà là chuyện lớn về kinh tế và cả về tâm linh nữa. Đến giờ tôi vẫn “hãi” lắm. Nhưng may mắn là ngôi nhà vẫn được giữ gần như nguyên vẹn”. Bà Hoàn bảo: “Dù nghèo đến mấy cũng phải cố giữ nếp nhà như cụ tổ tôi dặn lại”. Khoảng năm 2000, các nhà khảo cổ học đã tìm đến nhà ông Trang để khảo sát. Sau đó, nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế đến tham quan. Không ít người thuyết phục ông Trang bán nhà lại cho họ. “Đáng nhớ nhất là năm 2005, một đoàn khách Malaysia đến thăm, rồi họ nói chuyện muốn mua ngôi nhà với giá 1 triệu USD để mang về nước. Khi ấy, tôi đứng nghe cuộc trò chuyện sau chiếc cột này đã ló mặt ra cương quyết: Nhà chúng tôi đang ở chúng tôi không bán” - bà Hoàn kể. Bà Mẫn Thị Hoàn giới thiệu gian thờ chính giữa với đồ vật thờ cúng làm bằng gỗ lim Ông Trang thì tế nhị hơn, ông bảo với những người khách là gia đình ông còn phải bàn bạc. Phía khách liên tục gọi điện hỏi han thông tin, và cuối cùng họ nói: “Ngôi nhà của ông bà là vô giá, ông bà muốn bán cho chúng tôi bao nhiêu tiền cũng được. Nhưng khi ấy, gia đình chúng tôi đã thống nhất là không bán”- bà Hoàn nói. Bà Hoàn cho rằng, nhà của ông cha thì phải giữ. Mặt khác, ngày xưa Nhà nước cho gia đình bà trâu cày, ruộng cấy, bây giờ Nhà nước động viên nhân dân giữ gìn nếp cổ, ông bà lại mang bán nhà thì thật “ngược đời”. Thấy bố mẹ già ở trong căn nhà quạnh vắng, các anh con trai ông bà đề nghị được đón bố mẹ về ở cho yên tâm. Ông bà Trang không đồng ý, bởi ông bà ở với con thì chẳng có ai quét dọn ngôi nhà, dù với tuổi tác và sức vóc của bà Hoàn, quét dọn ngôi nhà là công việc khá vất vả. Đề cập đến chuyện ông bà sẽ quyết định bán ngôi nhà hay để lại cho con trai, bà Hoàn khẳng định chắc nịch: “Truyền thống ở quê tôi là có đất đai, của cải gì, bố mẹ chết đi để lại cho anh con trai cả. Anh con trai cả cứ thế mà giữ gìn, chứ không được bán chác gì hết. Con trai cả nhà tôi đã ý thức được điều đó rồi. Chúng tôi sẽ chẳng bán nhà cho ai!” - bà Hoàn nói rồi cười vui vẻ: “Nhưng khách đến tham quan thì thoải mái, tự do xem xét. Người nhà quê chúng tôi quý khách, nhà tôi lại chẳng có gì đáng giá để sợ bị mất trộm...”.

Nguồn ANTĐ: http://www.anninhthudo.vn/tianyon/index.aspx?articleid=53783&channelid=92