Đôi vợ chồng 21 năm âm thầm cứu nạn giúp người...

Nơi đây là một trong những điểm đen tai nạn giao thông của tỉnh Bình Phước. Cũng tại đây, có một cặp vợ chồng ngày đêm vẫn cần mẫn “trực chiến” cứu giúp những người gặp tai nạn giao thông suốt 21 năm qua.

Cầu 38 là cây cầu nằm trên Quốc lộ 14, ranh giới giữa 2 xã Minh Hưng và Đức Liễu (huyện Bù Đăng, Bình Phước).

Vô tình trở thành người cứu hộ

Hiền lành và phúc hậu, đó là những ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi gặp vợ chồng ông Nguyễn Văn Tuân (SN 1959) và bà Đỗ Thị Kim (SN 1961) bên căn nhà nhỏ nằm cạnh cầu 38.

Đôi vợ chồng trở thành nhân viên cứu hộ “bất đắc dĩ”.

Sinh ra và lớn lên tại Thanh Hóa, theo tiếng gọi của Đảng ông bà lên đường ra trận, gặp nhau trong khói lửa chiến tranh tại chiến trường đường 9 Khe Xanh rồi nên duyên vợ chồng. Năm 1983, sau khi phục viên hai ông bà về sinh sống tại huyện Quảng Xương (Thanh Hóa).

Dù ra sức làm việc, khai hoang đất đai nhưng vùng biển quê cằn cỗi nên kinh tế gia đình ông bà vẫn chật vật, khó khăn, không đủ cơm áo nuôi 4 đứa con.

Năm 1993, ông bà quyết định vào miền Nam lập nghiệp. Vợ chồng ông bà tới thôn 5, xã Đức Liễu (huyện Bù Đăng) sinh sống bên cạnh cầu 38 bắc qua hồ thủy điện Thác Mơ.

Vào thời điểm đó, cây cầu 38 vẫn là cầu gỗ bắc ngang qua lòng hồ Thác Mơ, người dân đi lại qua cầu gặp nhiều khó khăn. Nhưng từ khi có cầu mới được xây dựng, giao thông thuận tiện thì lại có những khúc cua tay áo quá gấp hai bên đầu cầu, nên thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông.

Địa điểm trước cửa nhà ông bà Tuân trở thành “Điểm đen” tai nạn giao thông. Chứng kiến cảnh nhiều người bị nạn, ông bà và các con giúp đỡ băng bó cho mọi người. Vô tình ngôi nhà ông bà trở thành “Trạm cấp cứu” cho những nạn nhân bị tai nạn ở đây.

Sẵn có kiến thức về y tế khi còn trong quân ngũ nên bà đã truyền dạy cho con cái cùng cứu người. “Trong thâm tâm, cứu giúp những người gặp tai nạn là niềm vui và hạnh phúc không chỉ riêng tôi mà còn cả vợ và các con nữa. Nhiều người khi thấy chúng tôi cứu người tưởng gia đình được nhà nước hỗ trợ hay gì đó. Nhưng họ đâu biết rằng, 20 năm nay, chúng tôi chỉ cứu người từ tận đáy lòng chứ có lợi ích gì. Lợi ích duy nhất là cứu được mạng người thôi…” ông Tuân chia sẻ.

Sống với nghề bằng cái tâm

Vợ chồng ông bà không nhớ nổi những vụ mà mình đã cứu giúp, phải mở quyển sổ ghi chép những vụ tai nạn ra mới nhớ hết được. Lướt nhanh qua quyển nhật ký ghi chép các vụ tai nạn trong tay, chúng tôi thấy nhiều trang của quyển nhật ký vẫn còn in màu máu của những nạn nhân.

Theo ông bà, các vụ tai nạn giao thông xảy ra ở đây ít nhất cũng 70 vụ trên một năm. Các vụ tai nạn lại thường xảy ra lúc nhá nhem, đêm khuya, nhất là các ngày lễ, tết. Nhiều thanh niên nhậu say, lái xe với tốc độ cao đã không làm chủ được tốc độ, gặp đoạn cua gấp nên xảy ra tai nạn.

Trong khi đó, nhiều xe chạy đường dài hay những lái xe ít qua qua lại nơi đây, do không thông thuộc địa hình của con đường có những đoạn cua nguy hiểm, nên khi qua khúc cua thường phải lấy chớn để leo dốc dẫn tới xảy ra tai nạn đáng tiếc.

Tôi nhớ rất rõ, vào mùng 3 ngày tết năm 2008, vợ chồng và các con chúng tôi đã sơ cứu 27 vụ tai nạn xảy ra. Năm đó, gia đình chúng tôi phải túc trực 3 ngày tết bên cạnh những bệnh nhân và gia đình của họ, quên cả ăn uống, quên cả tết. Dù mệt mỏi nhưng tôi và chồng động viên các con cố gắng cứu giúp mọi người qua cơn hoạn nạn...” bà Kim hồi tưởng lại quãng thời gian không thể nào quên năm ấy. “Mới đây này, có một đoàn mô tô từ Sài Gòn lên Đắk Nông, khi qua đây, do không làm chủ tốc độ đã lao thẳng vào làm cong gãy thành cầu. Rất may có cây trứng cá tôi trồng bên cạnh cầu nên người không lao xuống sông, nếu không chắc nạn nhân cũng chết mất rồi.” bà Kim chỉ cây trứng cá nói.

Ông Tuân kể: "Nhiều vụ tai nạn xảy ra, gia đình ông bà sơ cứu cho nạn nhân rồi chuyển lên bệnh viện gần nhất. Có những ngày nhiều vụ tai nạn xảy ra, ông bà không nhớ hết nổi, lại có những vụ tai nạn chết người, không biết danh tính nạn nhân, sau khi làm xong thủ tục pháp lý, ông bà còn quyên góp mọi người, chôn cất cho những nạn nhân xấu số.

Cũng chính từ đó, ông bà nghĩ ra sáng kiến ghi chép các thông tin của vụ tai nạn vào một quyển sổ để lưu lại ngày tháng và lai lịch nạn nhân. Một chồng những quyển sổ nhật ký tai nạn hen hố theo thời gian được ông bà cất ngăn nắp trong tủ".

Hơn 20 năm qua, gia đình ông bà đã cứu gần 2000 ca, trong đó nhiều ca chấn thương sọ não, gãy chân tay, và cũng lo mai táng cho hàng chục nạn nhân xấu số.

Không phải việc cứu nạn lúc nào cũng được êm xuôi và mọi người không phải lúc nào cũng hưởng ứng giúp đỡ ông bà. “Tôi còn nhớ mãi vụ tai nạn lật xe taxi năm 2000. Chúng tôi không hề biết trong xe lúc đó, hai hành khách mang theo nhiều tài sản giá trị. Không hiểu từ đâu có hơn 20 thanh niên mang theo dao, gậy và côn tới vây kín hiện trường hòng cướp hết tài sản của hai hành khách. Vợ chồng tôi ra sức chống trả. Lúc hỗn loạn, tôi bị đánh hai phát côn vào lưng và vai, phải đi cấp cứu ở bệnh viện. Ngày hôm sau, công an huyện bắt gọn 20 thanh niên cướp tài sản và gây rối trật tự, trao trả tài sản cho người bị hại. Tôi nghe thế cũng mát lòng mát dạ…”. bà Kim bồi hồi nhớ lại.

Ngồi bên cạnh ông Tuân cũng tiếp lời “Chúng tôi làm việc từ thiện cứu người, bọn chúng đã không giúp đỡ thì thôi mà còn cướp tài sản của những nguời bị hại. Việc làm đó thất đức lắm nên dù có sợ nhưng vẫn liều mình cứu người”. Ông còn kể thêm: “Có nhiều lần, gia đình còn bị uy hiếp đốt nhà, đốt vườn điều và uy hiếp đến tính mạng. Nhưng may có các con cùng phụ giúp chống trả nên những kẻ cướp cũng bỏ chạy”. Đứa con gái thứ hai, thấy bố mẹ làm việc thiện cứu người như thế còn bị những kẻ thất đức cướp của, đánh người đã đi học võ. Cũng nhờ nó mà tôi may mắn thoát chết khi nó khống chế kẻ cướp định đập gậy vào người tôi.

Năm 1996, thấy nhiều người bị tai nạn mà mình không có phương tiện cứu chữa, vợ chồng ông Tuân đề nghị lên xã cho lập chốt sơ cứu cầu 38.

Hàng năm số vụ tai nạn quá nhiều mà kinh phí xã không có nên chốt chuyển về huyện và tỉnh quản lý. Tuy nhiên, kinh phí hoạt động chủ yếu là tiền do gia đình bỏ ra mua bông băng, gạc cứu chữa.

Được sự giúp đỡ của Câu lạc bộ Tán trợ tỉnh Bình Phước giúp đỡ một năm được 2 lần bông gạc, thuốc men nhưng cũng chỉ đủ dùng một thời gian.

Khi chúng tôi thắc mắc, nơi đây là “Điểm đen” giao thông mà gần 6h tối chưa thấy có ánh đèn chiếu sáng để cho mọi người tham gia giao thông qua đây biết mà quan sát.

Ông Tuân chia sẻ: “Gần 3 tháng nay chúng tôi có kéo 2 bóng đèn điện từ nhà ra thắp sáng để mọi người quan sát khi tham gia giao thông qua đây. Nhưng mấy ngày nay, do một chiếc xe tông vào làm gãy mà chưa khắc phục được. Chúng tôi nhiều lần đề nghị tỉnh lắp đặt đèn thắp sáng mà chưa được phê duyệt. Chúng tôi đề nghị sự quan tâm của chính quyền giúp đỡ cho gia đình chiếc băng ca cứu thương và chếc túi sơ cấp cứu mới. Chứ cái này cũ rồi, xách đi lại văng hết cả đồ sơ cứu”, bà Kim nhìn chiếc túi cứu thương đã cũ mèm và cười.

Trực chiến cứu người tại điểm chốt Sơ cấp cứu cầu 38, thời gian hơn 20 năm, tất cả các thành viên trong gia đình đều có thể tham gia sơ cấp cứu tai nạn một cách thành thục như một nhân viên y tế.

Hàng năm, hàng trăm vụ tai nạn được ông bà sơ cứu và chuyển viện an toàn. Vì hành động hiệp nghĩa ấy, ông bà đã nhận được nhiều bằng khen của xã, huyện, Chủ tịch UBND tỉnh và Trung ương.

Đặc biệt năm 2015, bà Kim là một trong 7 nhân vật tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc của tỉnh Bình Phước, được Trung ương Hội chữ Thập đỏ Việt Nam tặng bằng khen “Tình nguyện viên Chữ thập đỏ tiêu biểu toàn quốc” giai đoạn năm 2010-2015.

Câu chuyện vãn khi bóng chiều đổ ngang cây cầu 38, hướng đôi mắt nhìn xa xăm bà Kim thở dài “Hơn 20 năm rồi, cũng muốn về quê cho đỡ nhớ quê hương, nhưng tết năm nào cũng có hàng chục vụ tai nạn, mình mà về biết ai sơ cứu cho họ”.

Vì những người họ chẳng quen biết mà suốt bao nhiêu năm, ước nguyện giản đơn nhất cũng không thể thực hiện. Nhưng câu chuyện về vợ chồng ông bà bao nhiêu năm qua cứu người bên chân cầu 38 đã tạo nên niềm tin của không chỉ những người dân sinh sống ở đây mà cả với những người tham gia giao thông khi qua lại nơi đây về tình người và những nghĩa cửu cao đẹp giữa cuộc đời xô bổ.

Ông Trương Văn Vương, Trưởng thôn 5, xã Đức Liễu nhận xét:“Vợ chồng ông Tuân bà Kim sống hơn 20 năm bên cây cầu 38, họ luôn cứu giúp nhiều người bị tai nạn giao thông. Ai ai trong thôn cũng kính trọng, ngưỡng mộ. Ông bà luôn là tấm gương để mọi người noi theo”.

Đăng Quang - Tiêu Dao

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/doi-song/doi-vo-chong-21-nam-am-tham-cuu-nan-giup-nguoi-120639/