Đội tuyển Việt Nam: Hai mặt của một chân chuyền

Với một chân chuyền như Lương Xuân Trường, đội tuyển Việt Nam có thể nhanh chóng chuyển từ thủ sang công, nhưng đó là vòng bảng còn để đi tiếp thì…! Đầu đã xuôi, nhưng...

Lê Công Vinh - tác giả của bàn thắng ấn định chiến thắng 2-1 quý giá của Đội tuyển Việt Nam trước chủ nhà Myanmar được nhiều người đánh giá là cầu thủ xuất sắc nhất trận đấu.

Quả thật, bàn thắng đầy cảm xúc của Công Vinh đã giúp thầy trò Nguyễn Hữu Thắng có được 3 điểm lưng vốn đầu tiên, tuy nhiên trong góc nhìn của chúng tôi thì cầu thủ tạo ảnh hưởng lớn, liên tục trong gần trọn 90 phút bóng lăn lại là chân chuyền Lương Xuân Trường.

Trong bàn thắng của Công Vinh, chính Xuân Trường, chứ không phải ai khác đã mở đầu đợt phản công nhanh bằng một đường chuyền dài từ sân nhà qua sân đối thủ. Đường chuyền như rót bóng vào chân Trọng Hoàng, và sau đó Trọng Hoàng căng ngang cho Công Vinh dứt điểm.

Đây là một trong khá nhiều lần Xuân Trường đột ngột chuyền dài - và chuyền một cách chính xác để Đội tuyển Việt Nam phản đòn ngược trở lại đối phương.

Những đường chuyền nhanh - chính xác như thế giúp chúng ta có thể chuyển từ thế thủ sang thế công với tốc độ cao, và tạo ra những nút thắt quan trọng của một trận đấu.

Trước đó, ở hiệp 1 cũng lại là Lương Xuân Trường thực hiện một đường chuyền khe rất nhanh và rất vừa tâm để Văn Quyết băng xuống, dứt điểm mở tỷ số.

So với "quái kiệt" Hồng Sơn hay Minh Hiếu thời "thế hệ vàng" ngày xưa, Xuân Trường có thể đuối hơn về phẩm chất kỹ thuật hay khả năng đột phá cá nhân, nhưng xét ở góc độ nhãn quan chiến thuật, thể hiện ở những đường chuyền vừa giúp chúng ta chuyển đổi thế trận, vừa đặt các cầu thủ tấn công vào những trạng thái dứt điểm ngon ăn thì Xuân Trường không thua (nếu không muốn nói là còn có phần nhỉnh hơn).

Thế nên nhiều cựu tiền đạo khi ngồi trước màn hình tivi xem Xuân Trường chuyền bóng đã chia sẻ với chúng tôi rằng với các tiền đạo, khi được tiếp đạn bởi một cầu thủ tiền vệ như Xuân Trường thì cảm giác an tâm, hưng phấn là có thật.

Có Xuân Trường (giữa), những tiền đạo như Văn Quyết (số 10) thi đấu rất yên tâm. Ảnh: H.M

Đấy là mặt thứ nhất, mặt ưu thế của một chân chuyền, nhưng để đánh trận đường dài thì bên cạnh cái mặt ưu thế này cũng cần lường tới những mặt thất thế của chân chuyền ấy.

Thứ nhất, một khi đã nhận diện được sự nguy hiểm của Xuân Trường, các đối thủ tới đây của chúng ta thực hiện bài quây rát, đá mạnh mẽ, quyết liệt mỗi khi Xuân Trường có bóng thì sao?

Có lẽ HLV trưởng Nguyễn Hữu Thắng cũng đã lường đến trường hợp này, và ông hiểu khi ấy Xuân Trường có thể sẽ trở thành một "điểm hút" để những tiền vệ giàu kỹ thuật xung quanh anh như Thành Lương, Văn Toàn cầm bóng, rồi phát triển bóng lên tuyến đầu?

Thứ hai, trong sơ đồ 4-4-2, nhiệm vụ của cặp tiền vệ trụ là vừa phải tổ chức lối chơi, vừa phải tham gia phòng ngự từ xa, để giảm áp lực lên hàng hậu vệ.

Hẳn nhiên, Xuân Trường được ưu tiên hơn cho nhiệm vụ thứ nhất và người đá cạnh anh là Hoàng Thịnh nghiêng hẳn về nhiệm vụ thứ hai, nhưng sự ưu tiên đó không có nghĩa Xuân Trường có thể khoanh tay đứng nhìn mỗi khi hệ thống của chúng ta tổ chức phòng ngự từ xa.

Vấn đề nằm ở chỗ, tranh chấp, càn quét với đối phương, ít nhiều góp sức cùng Hoàng Thịnh trong nhiệm vụ phòng ngự lại không phải là điểm mạnh của Xuân Trường.

Có lẽ, chính vì thế mà hiệp 2 trận đấu vừa qua, rất nhiều lần chúng ta để lộ một khoảng trống lớn, kéo dài từ vòng tròn giữa sân đến trước vạch 16m50 gôn mình. Cái khoảng trống mà Myanmar đã biết và khoét vào, nhưng lại chỉ có thể tận dụng, ghi 1 bàn duy nhất.

Thực ra, bản thân HLV Nguyễn Hữu Thắng hiểu rõ điều này, nên ông mới luôn ưu tiên sử dụng sơ đồ 4-1-4-1 - một sơ đồ 5 tiền vệ, trong đó vai trò đá quét được khoán hẳn cho Hoàng Thịnh, còn vai trò vừa làm bóng vừa phòng ngự từ xa được giao cho Xuân Trường - Tuấn Anh.

Tiếc là Tuấn Anh bị lỡ AFF Cup vào phút cuối, nên HLV Hữu Thắng buộc phải xoay qua đội hình 4-4-2 với nhiều nhiệm vụ phòng ngự hơn (so với đội hình 4-1-4-1) cho Xuân Trường.

Trong trường hợp Đội tuyển Việt Nam vào bán kết, phải gặp những đối thủ cứng như Thái Lan hoặc Indonesia, chắc chắn cái đội hình 4-4-2 với điểm yếu phòng ngự của Xuân Trường sẽ bị đối phương khai thác.

Khi đó, người xem chờ đợi những đường binh mới (những đường binh mà có thể là ở vòng đấu bảng chưa cần xuất hiện) của HLV Hữu Thắng.

Một khi việc yêu cầu Xuân Trường phải phòng ngự mạnh mẽ, quyết liệt hơn là điều gần như không tưởng thì một thứ bóng đá tập thể và những toan tính chiến thuật của HLV sẽ giúp hệ thống của chúng ta hạn chế đến mức tốt nhất những mặt thất thế của chân chuyền xuất sắc nhất bóng đá Việt Nam lúc này!

Tập mở và tập nhẹ

Sau chiến thắng đầu tay trước Myanmar, hôm qua HLV Nguyễn Hữu Thắng đã cho Đội tuyển Việt Nam tập mở, các phóng viên có thể tác nghiệp thoải mái, chứ không phải là tập đóng, các phóng viên chỉ có thể tác nghiệp khoảng 15 phút đầu như trước trận đấu nữa.

Tất cả những cầu thủ đã ra sân thi đấu đều chỉ phải tập hồi phục nhẹ nhàng. Thông tin từ bác sĩ Đội tuyển cho hay, do các cầu thủ Myanmar chủ trương đá rát chân nên một số cầu thủ của chúng ta như Hoàng Thịnh, Văn Toàn đã bị chấn thương, song đó chỉ là những chấn thương nhẹ, không ảnh hưởng gì đến khả năng ra sân của hai cầu thủ này trong trận đấu tới đây với Malaysia.

Một điều đáng chú ý là buổi tập hôm qua của Đội tuyển Việt Nam diễn ra vào lúc 14 giờ 30, dưới cái nắng gay gắt, đấy được xem là cách để các cầu thủ làm quen với thời tiết nắng nóng khắc nghiệt, để không bị sốc khi phải đá với Malaysia vào lúc 15 giờ 30.

Ngọc Anh

Thầy trò Thái Lan tự tin đánh bại Singapore

Chiều nay, các trận đấu ở bảng A, AFF Suzuki Cup năm nay sẽ lần lượt diễn ra giữa Thái Lan - Singapore và Philippines - Indonesia.

Trận đấu đầu tiên được xem là cuộc đọ sức giữa hai HLV từng là thủ lĩnh của bóng đá Thái - Sing một thời: cựu tiền đạo Kiatisak và cựu hậu vệ Sundramoorthy. Đấy là cái thời mà hai người từng chạm trán với nhau rất nhiều lần tại SEA Games và Tiger Cup (tiền thân của AFF Cup ngày nay), nhưng khi chuyển sang công tác huấn luyện thì đây mới là lần đầu tiên đối đầu nhau.

Mặc dù dành những lời khen tặng về tính tổ chức và khả năng phòng ngự chặt chẽ của Singapore, thể hiện ở việc đội này đã cầm hòa Philippines trong trận đấu đầu tiên với cảnh 10 chống 11 nhưng Kiatisak tin rằng Thái Lan đủ sức mạnh để tấn công, áp đặt thế trận, và giành 3 điểm.

Ở trận đấu còn lại, mặc dù có lợi thế chủ nhà, nhưng Philippines bị đánh giá thấp hơn Indonesia. Sẽ không bất ngờ nếu đội bóng của HLV Alfred Riedl giành được ít nhất 1 điểm trước đối thủ mà ở vòng bảng AFF Cup 2 năm trước, họ từng để thua mất mặt.

Tuấn Thành

Diệp Xưa

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/so-tay-the-thao/doi-tuyen-viet-nam-hai-mat-cua-mot-chan-chuyen-418003/